Thực hiện CTSGK mới lớp 1: Học sinh tự tin, vốn từ phong phú

GD&TĐ - Dù bắt đầu năm học muộn hơn các địa phương khác nhưng trường tiểu học ở Đà Nẵng đã tổ chức sơ kết học kỳ I. Có một số trường, tùy theo điều kiện tiếp thu thực tế của HS, chương trình dạy học ở khối Một chậm hơn

Giờ học Toán của HS lớp Một Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Giờ học Toán của HS lớp Một Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

HS tự tin, tích cực trong học tập

Thầy Trần Minh Nghĩa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cho biết: Do tình hình dịch bệnh, HS tiểu học của TP Đà Nẵng đến trường học trực tiếp chậm hơn 2 tuần. Với đặc thù của lớp Một, 2 tuần học trực tuyến gần như không để lại dấu ấn gì nhiều cho HS. GV vì vậy phải có thêm một tuần để HS làm quen với nền nếp. Ngoài ra, HS còn thêm một tuần do ảnh hưởng của bão lũ. Căn cứ vào thực tế dạy – học tại các lớp của khối lớp Một, ban giám hiệu quyết định không thể dạy dồn mà chủ trương dạy đến đâu chắc đến đó.

Theo nhận xét của thầy Nghĩa, qua dự giờ, thăm lớp, HS tự tin và tích cực trong quá trình học tập. “So với các vùng thuận lợi của thành phố, HS nhà trường có nhiều hạn chế trong việc tham gia đánh giá và nhận xét bản thân cũng như các bạn cùng nhóm học tập, từ cách diễn đạt, quan sát… Đây chính là cơ hội để GV giúp các em hình thành các kỹ năng, phẩm chất và năng lực đáp ứng theo chuẩn chương trình”.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành chia sẻ: Điều dễ nhận thấy nhất là HS lớp Một năm nay tự tin và tích cực trong quá trình học tập. Khả năng nói, viết của HS thành thạo hơn, có vốn từ phong phú. HS có nhiều cơ hội tham gia hoạt động nhóm, tự khám phá nội dung bài học dưới sự hướng dẫn của GV. Riêng nội dung kể chuyện trong môn Tiếng Việt, Ban giám hiệu và GV khối Một thống nhất dạy riêng một tiết để luyện các kỹ năng cho HS. GV có sáng kiến dạy tiết kể chuyện theo sơ đồ tư duy để HS có thể nhớ được nội dung, diễn biến của câu chuyện khi các em chưa biết chữ nhiều.

Cô Ông Thị Thái Hằng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Văn Ơn so sánh: Chất lượng học tập của HS khối Một không có quá nhiều khác biệt so với những năm trước. Thậm chí, HS được sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ của phụ huynh nhiều hơn. Tất nhiên, vẫn có những HS chỉ đạt ở mức độ trung bình. Đây là điều mà năm học nào cũng có chứ không riêng gì với Chương trình – SGK mới. 

Ban giám hiệu đồng hành với GV trong đánh giá HS

GV đảm nhận dạy các bộ môn như Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc… của Trường Tiểu học Núi Thành phải chủ động nghiên cứu kỹ thông tư hướng dẫn, trên cơ sở đó xây dựng rubic đánh giá năng lực phẩm chất để có tiêu chí đánh giá HS chứ không thể đánh giá chung với năng lực, phẩm chất của HS các khối còn lại vì có đến 12 mục. “Ví dụ, năng lực phẩm chất trong môn Mỹ thuật không phải cứ vẽ đẹp là đạt mà cần gọn gàng, ngăn nắp, có khiếu thẩm mỹ… Với môn Thể dục, có thể HS có sức khỏe yếu nhưng ý thức luyện tập tốt, hoặc có sự cải thiện về mặt sức khỏe…” – cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt ví dụ.

Các GV bộ môn của Trường Tiểu học Hòa Liên cũng xây dựng bảng biểu, chia nhỏ các tiêu chí đánh giá trên cơ sở bám sát hướng dẫn của Thông tư 27. Những tiêu chí đánh giá này, GV chủ nhiệm đều thông báo cụ thể cho phụ huynh thông qua buổi họp đầu năm, cập nhật trên các group lớp học… Tại Trường Tiểu học Núi Thành, GV chủ nhiệm đều thông báo bằng hình ảnh những tiến bộ của HS, bài nào viết chữ đẹp, làm bài tốt… Cuối học kỳ I, qua buổi họp phụ huynh, GV trình chiếu cho phụ huynh xem những hình ảnh học tập, các hoạt động của HS từ giờ ăn, hoạt động ngoại khóa… để cùng tham gia đánh giá.

Một điểm khác biệt giữa đánh giá HS lớp Một so với các khối lớp khác là GV bộ môn cùng tham gia đánh giá phẩm chất, năng lực của. Chính vì vậy, phần tổng hợp do ban giám hiệu đảm nhiệm nên cần sự phối hợp giữa GV bộ môn, GV chủ nhiệm và ban giám hiệu trong đánh giá, nhận xét HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ