Đầy lùi khó khăn
Cô giáo Nguyễn Thị Oanh – GV lớp 1 tại điểm trường Bản Khằm 1, Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát – Thanh Hóa) chia sẻ: 100% HS dân tộc Mông, bước vào lớp 1 tiếng Việt còn hạn chế. Điều đó ảnh hưởng tới tiếp thu kiến thức và tiến trình giảng dạy trên lớp của GV.
Triển khai CT và SGK lớp 1 mới, nhà trường chọn bộ sách Cánh Diều. BGH, tổ chuyên môn đã cùng đồng hành với GV để tháo gỡ những vướng mắc ban đầu. Kết thúc học kỳ 1, khoảng 70% HS đã có thể đọc trơn, hoàn thành được yêu cầu chung của CT và SGK đề ra. 1 số HS tiếp thu chậm hơn, GV đã tăng cường hướng dẫn, kèm cặp, tìm phương pháp giảng dạy riêng giúp HS mau tiến bộ và “về đích” ở học kỳ 2.
Cô Nguyễn Thị Oanh cũng khẳng định: Hiện tại triển khai SGK lớp 1 mới với bản thân và đồng nghiệp đã thuần thục, việc thay đổi ngữ liệu trong SGK Tiếng Việt không khó cũng không ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy. Kết quả của học kỳ I so với những khó khăn ban đầu mà GV, tổ chuyên môn đã tháo gỡ là đáng khích lệ. Kết quả cũng đồng thời tạo niềm tin cho GV, HS để bước vào học kỳ II”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hải Quyên – GV lớp 1 Trường TH Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) cho biết: Ở năm đầu bước vào đổi mới, nhà trường triển khai dạy học lớp 1 với bộ SGK Cánh Diều. Với thuận lợi và khó khăn riêng trong triển khai nhưng kết thúc học kỳ 1, ở môn Tiếng Việt đa phần HS đã đọc tốt văn bản. Một số HS chậm hơn nhưng cũng đạt được yêu cầu chung của chương trình. Một số HS có độ nhớ chưa sâu không đáng lo ngại bởi GV đã lên kế hoạch rèn thêm cho các em.
Việc triển khai SGK lớp 1 mới đối với GV khi bước sang học kỳ 2 đã trôi chảy, phụ huynh HS yên tâm với đọc viết của con em mình. Do đó, việc dạy và học hiện tại gần như không còn áp lực khó, dễ mà chỉ có nỗ lực và quyết tâm về đích với kết quả tốt nhất.
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Tiến – GV lớp 1 A1 Trường PTDTBT TH Bản Phố (Bắc Hà – Lào Cai) chia sẻ: SGK năm nay hình ảnh đẹp, HS thích thú. Phần học vần không khó khăn, thách đố HS. Có bài yêu cầu dạy 3 vần, GV đã cùng BGH, tổ chuyên môn khối 1 chủ động điều chỉnh dạy mỗi âm vần 1 tiết nên HS vẫn theo kịp chương trình.
Có thể nói, so với dạy CT và SGK năm ngoái thì dạy học theo SGK mới tiến độ đọc của HS tiến bộ hơn nhiều. Trong số 19 HS của lớp chỉ còn 1-2 HS đọc trơn chậm hơn còn lại đọc trơn nhanh; tiếp thu tốt ở các môn học khác.
Vững tâm đổi mới
Sau 1 học kỳ triển khai CT và SGK mới cô Nguyễn Thị Oanh chia sẻ kinh nghiệm: Triển khai CT và SGK mới không bao giờ dễ dàng ngay từ đầu, nên GV phải chịu khó nghiên cứu bài dạy, chương trình; tích cực trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp để tìm ra được phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng HS.
Ví như ở môn Tiếng Việt, một số ngữ liệu có thể phù hợp với HS ở miền này nhưng chưa hợp với HS miền kia thì GV chủ động, linh hoạt tìm thay thế bằng ngữ liệu phù hợp khác. Quá trình dạy học khó tránh vướng mắc về chuyên môn thì cần mạnh dạn trao đổi, đề xuất hỗ trợ từ tổ chuyên môn, BGH để cùng tháo gỡ kịp thời.
Cùng triển khai bộ SGK Cánh Diều nhưng đối tượng HS khác nhau nên kinh nghiệm của cô Nguyễn Thị Hải Quyên là: Với môn Tiếng Việt, phần vần GV cần phân tích kĩ để HS nhớ sâu thì việc đọc trơn sẽ tốt hơn. Mặt khác, sự động viên, không gây áp lực, cùng tháo gỡ với GV của Hiệu trưởng, tổ chuyên môn sẽ tạo cho GV tư tưởng thoải mái trong quá trình dạy học SGK mới...
“Với sự chuẩn bị kĩ càng các điều kiện triển khai từ đầu năm học, việc dạy học theo CT và SGK lớp 1 mới không khó. Quan trọng GV không ngại đổi mới, tích lũy kinh nghiệm theo từng bài học, tiết học để vận dụng hợp lý ở phần sau. Mặt khác, có sự đồng hành của phụ huynh thì chắc chắn đổi mới CT và SGK sẽ về đích” – cô Hải Quyên bày tỏ.
So sánh việc giảng dạy CT, SGK cũ và CT, SGK mới cô Nguyễn Thị Hải Quyên khẳng định: HS được tự khám phá nhiều hơn, GV chỉ là người gợi mở. Mặt khác, SGK mới in ấn cẩn thận, hình ảnh đẹp, thân thiện… đã kích thích và tạo hứng thú cho HS trong học tập.
Trên cơ sở dạy học thực tế, cô Nguyễn Thị Kim Tiến, Trường PTDTBT TH Bản Phố rút ra kinh nghiệm: “HS là người địa phương nên cần chú ý đến cách phát âm. Mặt khác, trong một số bài học GV có thể linh hoạt thay ngữ liệu bài giảng thực tế, cho các em quan sát trước sau đó kết hợp hình ảnh trong SGK thì việc dạy học thêm hiệu quả".
Theo cô Tiến, từ thực tế triển khai CT và SGK lớp 1 mới ở học kỳ 1 có thể tự tin những mục tiêu đề ra cuối năm đa số HS sẽ hoàn thành và đạt kết tốt, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục triển khai CTGDPT mới ở lớp 2.
Ông Bùi Xuân Tiến – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Hà (Lào Cai) bày tỏ: Trong điều kiện còn khó khăn nhất định, sự nỗ lực của địa phương và mỗi nhà trường đã giúp ngành giáo dục triển khai bước đầu hiệu quả CTGDPT mới.
Đây là tiền đề quan trọng để thời gian tới, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về thực hiện CT, SGK mới từ lớp 1, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục; sắp xếp mạng lưới trường lớp… để tiếp tục triển khai có hiệu quả CTGDPT mới tại địa phương.