Chọn SGK lớp 2, lớp 6: Để học sinh được học bộ sách tốt nhất

GD&TĐ - Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, ngành GD-ĐT Hà Nội đã và đang chủ động vào cuộc bảo đảm các điều kiện tốt nhất để thực hiện hiệu quả CTSGK mới với lớp 2 và lớp 6.

Giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) góp ý cho bộ sách giáo khoa mới.
Giáo viên Trường Tiểu học Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) góp ý cho bộ sách giáo khoa mới.

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Sở đã yêu cầu phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã tham mưu với chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2, lớp 6 theo danh mục Bộ GD&ĐT ban hành; đồng thời rà soát, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, thiết bị đã có, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí.

Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý, các phòng GD&ĐT tăng cường mọi nguồn lực để có thêm nhiều trường học đạt chuẩn quốc gia; quan tâm rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, dự báo quy mô học sinh trong các năm học tiếp theo để chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông với các khối lớp còn lại trong những năm tiếp theo.

Tại Hòa Bình, cùng với chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành GD-ĐT chủ động triển khai tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên lớp 2 và lớp 6. Vấn đề chọn sách giáo khoa được triển khai từ sớm với nhiều bước kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn.

Theo bà Phan Thị Hồng Diễm - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Hòa Bình), sở đã chọn cử mỗi bộ môn 10 giáo viên đọc, cho ý kiến nhận xét, kiến nghị điều chỉnh về nội dung các bộ SGK. Sau khi Hội đồng thẩm định SGK quốc gia phê duyệt, công bố các bộ SGK lớp 2, lớp 6, sở sẽ yêu cầu phòng GD&ĐT chỉ đạo nhà trường nghiên cứu, nhận xét, đề xuất chọn lựa. 

Còn tại Hải Dương, việc lấy ý kiến về sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 được chia làm 3 đợt. Đợt 1, mỗi địa phương chọn 10 giáo viên có kinh nghiệm mỗi môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK qua website của các nhà xuất bản. Đợt 2, sở GD&ĐT tổ chức cho giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 góp ý. Đợt 3, các trường thông báo cho giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý các bản mẫu SGK đã được nhà xuất bản hoàn thiện trước khi in và phát hành.

Thầy Vũ Văn Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) cho hay: SGK mới đa dạng hơn về nội dung nhưng vẫn phù hợp, không làm khó học sinh. Bản mẫu SGK môn Toán lớp 6 mới thực hiện đúng quan điểm đổi mới là học kiến thức gắn liền với thực tiễn. Việc triển khai lấy ý kiến của giáo viên là cần thiết trước khi đưa ra quyết định lựa chọn cuối cùng.

Tại Hưng Yên, sau khi nhận được công văn của Bộ GD&ĐT, sở đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức góp ý các bản mẫu sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6. Ông Phan Xuân Quyết - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hưng Yên trao đổi: Việc lấy ý kiến góp ý của giáo viên với các bản mẫu SGK là việc làm cần thiết để hạn chế tối đa lỗi không đáng có. 

Bởi đánh giá của giáo viên rất quan trọng vì những người có chuyên môn mới phân tích, góp ý chuẩn xác từng môn học. Ý kiến góp ý của giáo viên bảo đảm nội dung SGK phù hợp với độ tuổi học sinh, tính giáo dục, thẩm mỹ, với mục đích cuối cùng là để học sinh được học bộ sách tốt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.