Khi trẻ than vãn, cha mẹ cần quan sát và quan tâm con, từ đó tìm ra cách giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tìm hiểu lý do
“Mẹ ơi trời quá nóng”, “Con không muốn đến nhà bà”, “Chán quá mẹ ơi”... là những lời phàn nàn mà phụ huynh thường nghe từ trẻ. Lắng nghe quá nhiều lời than vãn khiến phụ huynh mất kiên nhẫn, dễ nổi giận.
Không ít cha mẹ cáu gắt và nói: “Con đừng kêu ca nữa”. Tuy nhiên, thực tế, trong nhiều trường hợp, trẻ than vãn vì muốn chia sẻ cảm xúc với người lớn. Do đó, thay vì bực bội với trẻ, cha mẹ có thể kiên nhẫn và bày tỏ sự đồng cảm.
Khi cuộc sống nhiều áp lực, không ít phụ huynh cũng có xu hướng than vãn trước mặt trẻ. Vậy nên, nhiều ý kiến cho rằng, những lời kể lể, kêu ca của cha mẹ sẽ khiến con áp lực và thấy cuộc đời chẳng có gì tốt đẹp. Vì vậy, cha mẹ cũng cần hạn chế bày tỏ với con về những điều không như ý, như gặp khó khăn trong công việc, không được giúp đỡ, người thân không quan tâm, con cái không như ý...
Bởi, việc tập trung vào những điều tiêu cực cũng khiến sức khỏe tâm thần của trẻ bị ảnh hưởng. Dần dần, trẻ có nguy cơ trở thành người bi quan. Thực tế, chẳng ai muốn dành thời gian với những người hay than vãn, nên trẻ sẽ khó xây dựng các mối quan hệ xã hội.
Ngoài ra, việc cha mẹ kể lể về nỗi khổ của bản thân sẽ khiến trẻ cảm thấy nặng nề, khó tận hưởng niềm vui. Sống trong môi trường như vậy, trẻ sẽ không còn năng lượng tích cực.
Theo ông Lê Đặng Minh Nhật - nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục, CEO Công ty Tiềm năng vô hạn UPO, lý do phổ biến nhất khiến trẻ không ngừng than vãn là vì mong muốn không được đáp ứng hoặc diễn ra không như ý. Khi đó, nếu cha mẹ nhượng bộ sẽ tạo ra một nhận định rằng, bất kỳ điều gì trẻ muốn cũng có thể áp dụng cách ăn vạ.
Lý do phổ biến nhất khiến trẻ than vãn là vì mong muốn không được đáp ứng hoặc diễn ra không như ý. Ảnh minh họa: INT. |
Ngoài ra, những lúc bị đói hoặc khát, trẻ cũng rên rỉ như một cách thông báo đến phụ huynh rằng mình cần được ăn uống. Thông thường, những biểu hiện này sẽ diễn ra vào một số khoảng thời gian nhất định như trước bữa ăn trưa, vào giữa buổi chiều hoặc trước khi ăn tối.
Tình trạng than vãn ở trẻ còn phụ thuộc vào nhiều lý do khác như căng thẳng, sợ hãi hoặc khi mệt mỏi. Ngay cả người lớn cũng có những lúc gặp khó khăn trong vấn đề xử lý tình huống và kiểm soát cảm xúc của mình mà buột miệng than vãn. Do đó, điều cần thiết là cha mẹ cần quan tâm để nhanh chóng phát hiện vấn đề và mang lại sự thoải mái cho con.
Đôi khi, trẻ than vãn chỉ đơn giản là muốn thu hút sự chú ý từ cha mẹ và người lớn. Nếu cha mẹ không phát hiện và đáp ứng kịp thời các nhu cầu của con thì trẻ sẽ bộc lộ ra nhiều hành vi quyết liệt, thậm chí có tính thách thức. Điều này không thể hoàn toàn chứng minh một đứa trẻ là khó bảo hay hư đốn.
Theo chuyên gia, rất nhiều phụ huynh quá bận rộn và không dành nhiều sự chú ý cho con. Điều đó khiến trẻ thử nhiều cách khác nhau để được cha mẹ quan tâm. Sau những hành vi lôi kéo sự chú ý đó, thông thường, trẻ sẽ bị la mắng, khiển trách. Song, trẻ có thể vẫn tiếp tục. Bởi, cách đó có tác dụng, dù mang lại kết quả chưa tích cực.
Chia sẻ về giải pháp khi trẻ than vãn, ông Minh Nhật cho rằng, tình trạng kêu ca của con có thể là thách thức lớn đối với các phụ huynh nếu không thể kiềm chế cảm xúc. Tuy nhiên, nếu biết cách nắm bắt tâm lý và áp dụng những phương pháp phù hợp thì cha mẹ có thể khiến trẻ từ bỏ thói quen xấu này.
Cụ thể, trong tình huống như vậy, phụ huynh không nên phớt lờ con. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, các phụ huynh đều thừa nhận khó giữ được bình tĩnh mỗi khi con bắt đầu than vãn. Do đó, việc họ thường làm là giả vờ không nghe thấy.
Khi trẻ thường xuyên than vãn, phụ huynh không nên nhượng bộ. Ảnh minh họa: INT. |
Kiểm soát cảm xúc và suy nghĩ
Theo cô Trịnh Mai Chi - Trường Mầm non Bông Mai 2 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), khi trẻ thường xuyên than vãn, phụ huynh không nên nhượng bộ. Việc đáp ứng các nhu cầu của trẻ sẽ tạo thành thói quen xấu, khuyến khích con tiếp tục thực hiện cách này để đòi hỏi nhiều thứ khác vào lần sau.
Phụ huynh cũng cần dạy con cách kiểm soát. Theo cô Mai Chi, không nên để trẻ có tâm lý nạn nhân, luôn đổ lỗi cho mọi người, mọi việc xung quanh. Đồng thời, không nên quá nuông chiều con. Bởi, điều đó sẽ khiến trẻ quen với việc được đáp ứng mọi nhu cầu và thiếu thái độ tôn trọng người lớn.
“Phụ huynh cần giúp con học cách kiểm soát suy nghĩ và cảm xúc bằng tư duy tích cực hoặc tìm những sự lựa chọn thay thế khác. Nếu trẻ muốn đi biển chơi nhưng thời tiết khá lạnh và sóng lớn, bố mẹ hãy phân tích mức độ nguy hiểm con có thể gặp phải như sóng lớn, nước biển bẩn và dễ bị cảm lạnh. Thay vào đó, nên khuyến khích con chơi các trò trong nhà, cùng xem phim, đọc sách...”, cô Mai Chi cho biết.
Khi trẻ than vãn, cha mẹ cũng cần quan sát và quan tâm con. Điều đó có thể giúp phụ huynh tìm ra cách giải quyết tình trạng than vãn của con hiệu quả hơn. Sau đó, hãy khuyến khích trẻ nói ra mong muốn. Mỗi khi trẻ than vãn, phụ huynh hãy nhẹ nhàng hỏi về điều con muốn, tìm hiểu những vấn đề đang xảy ra. Từ đó, cùng tìm cách giải quyết thay vì để một bên luôn than vãn còn một bên thì tức giận và quát mắng.
Một số phụ huynh thường cố tình đánh giá thấp năng lực để dạy dỗ con vì cho rằng, khen thưởng sẽ khiến trẻ trở nên tự phụ. Song, theo cô Chi, thực tế lại không phải như vậy. Một lời động viên có thể trở thành động lực để con cố gắng hơn.
Sau khi con dừng việc than vãn, hãy khen trẻ một câu như “Con làm tốt lắm, hãy nói cho mẹ nghe về vấn đề con gặp phải nào!”. Việc khen ngợi sự nghe lời của con cũng như giọng nói bình thường để trả lời sẽ khiến trẻ vui vẻ hơn và hạn chế than vãn vào những lần sau. Đồng thời, cha mẹ hãy tập trung vào những hành vi tích cực, khen ngợi con mỗi khi trẻ yêu cầu điều gì đó mà không than vãn. Phương pháp này sẽ dần đưa trẻ vào một khuôn khổ của sự kỷ luật và nền nếp.
Một yếu tố quan trọng khác đó là dành thời gian cho con. Sự quan tâm của phụ huynh góp phần tạo nên động lực và sức mạnh tinh thần to lớn cho trẻ. Cuộc sống bận rộn làm cho thời gian dành cho con ngày càng ít đi, dẫn đến trẻ có những hành vi kỳ lạ để thu hút sự chú ý từ phụ huynh.
Mỗi ngày, phụ huynh nên dành từ 10 - 30 phút để chơi với con. Cha mẹ có thể cùng con tham gia các hoạt động mà con yêu thích như đá bóng, đi xe đạp, chăm sóc cây hoặc đọc truyện.
Trong thời gian đó, hãy cố gắng tạo ra thật nhiều niềm vui. Dù chỉ là một khoảng thời gian ngắn nhưng con cũng sẽ cảm nhận được sự quan tâm của cha mẹ, giúp gắn kết các thành viên trong gia đình. Đồng thời, đây cũng là lúc phụ huynh có thể trò chuyện, dạy cho con nhiều kiến thức và nâng cao kỹ năng sống.
Ngoài ra, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ hãy thiết lập những quy tắc để rèn luyện thói quen tốt cho bé. Khi trẻ gặp một vấn đề hoặc muốn đưa ra mong muốn, con cần giao tiếp một cách lịch sự và nhẹ nhàng.
“Việc trẻ hay than vãn còn có thể được xử lý bằng cách trang bị những kỹ năng cần thiết để xử lý vấn đề, kiểm soát cảm xúc mỗi khi buồn bã thay vì kêu ca và làm ảnh hưởng tới người xung quanh. Con nên được dạy về những cách giao tiếp, đàm phán và học cách xử lý một số vấn đề thường gặp. Dần dần, phụ huynh hãy trao quyền để trẻ xử lý vấn đề cá nhân. Từ đó, giúp trẻ tự lập và chủ động hơn”, cô Mai Chi chia sẻ.
Tiến sĩ, nhà tâm lý học phát triển người Mỹ Rene Hackney cho biết, cha mẹ không nên phớt lờ trẻ. Việc bị phớt lờ sẽ khiến trẻ càng quyết tâm làm theo ý mình. Do đó, khi con than vãn, phụ huynh hãy giải thích cho trẻ biết rằng, giọng rên rỉ có thể gây khó chịu cho người khác.
Cha mẹ có thể hỏi thăm về tình hình con đang gặp phải, liệu có bị đói hay mệt không. Đôi khi, phụ huynh cũng có thể phớt lờ con trong trường hợp trẻ không gặp vấn đề gì và không chịu nghe theo lời khuyên. Khi đó, việc không nhận được sự chú ý sẽ giúp trẻ hiểu rằng, cố chấp than vãn không mang lại hiệu quả.