Đau đầu vì con trẻ “tắt mắt”
Chị Nguyễn Thị Huyền (Hải Dương) cho biết: Gần đây, chị phát hiện cậu con trai 6 tuổi có nhiều đồ chơi lạ trong phòng. Khi được hỏi ai cho những thứ này thì cậu bé hồn nhiên bảo thấy của các bạn đẹp nên mang về. Nhẹ nhàng hỏi con, chị Huyền được biết, mỗi lần sang nhà bạn cùng xóm chơi, thấy cái gì “ưng mắt” là cháu tìm cách lấy về. Lúc là thanh sáp màu, khi thì cái bút chì hình con thú... Không cho con vui chơi, giao lưu với các bạn thì sợ cháu bị trầm cảm, nhưng mỗi lần sang nhà ai chơi là chị lại lo cháu lấy đồ. “Đã vài lần tôi yêu cầu cháu mang đồ chơi trả lại cho bạn, thậm chí phạt nhưng cháu vẫn tính nào tật ấy”, chị Huyền cho biết.
Câu chuyện của chị Bùi Thu Thảo (Hà Nội) lại rơi vào tình huống khó xử khi cùng con đi mua đồ. Tại quầy mỹ phẩm, khi mẹ và người bán hàng đang bận trao đổi, tư vấn về sản phẩm thì bé Ngọc (4 tuổi), con gái chị Thảo đã “tranh thủ” nhặt thỏi son màu đỏ thơm ngọt trị giá hơn 1 triệu đồng cho vào túi áo. Đến quầy thanh toán, nhân viên an ninh nhắc khéo chị Thảo “đừng lợi dụng trẻ con vào việc xấu” rồi mở cho chị xem đoạn phim hệ thống camera giám sát đã ghi lại khiến người mẹ vô cùng ngỡ ngàng và chỉ biết xin lỗi.
TS Nguyễn Thị Chính -Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội cho rằng, ở lứa tuổi mẫu giáo, hầu hết trẻ chưa đủ nhận thức về hành vi lấy một vật chưa được cho phép là sai phạm. Các bé cũng chưa ý thức được việc “tắt mắt” là một thói xấu, mà đơn giản chỉ là thích thì chiếm lấy cho mình. Trẻ thường có xu hướng lấy những thứ gây cho chúng sự tò mò, kích thích về thị giác, mùi vị... chứ không quan tâm thứ đó có giá trị thế nào về mặt tiền bạc. Một số trẻ có tính lấy đồ không xin phép vì ghen tị với bạn bè, muốn có những thứ mà bạn có hoặc lấy những gì bị mất hoặc còn thiếu. Do vậy cha mẹ cần tìm hiểu xem đó là do sự mong muốn sở hữu nhất thời hay thói quen lặp đi lặp lại để có những điều chỉnh thích hợp.
Với trẻ ở độ tuổi đến trường, dù nhận thức được đây là việc làm sai trái chúng vẫn có thể mắc lỗi do chưa biết tự kiểm soát, muốn gây sự chú ý hoặc bắt chước bạn bè, người thân trong gia đình. Ở độ tuổi này, nếu thấy con có tính “tắt mắt”, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân để uốn nắn kịp thời, tuyệt đối không sử dụng roi vọt và các hình thức kỷ luật thân thể khiến trẻ bị tổn thương và có thể tái phát hành vi này ở mức tồi tệ hơn.
Ảnh minh họa ITN. |
Đi tìm căn nguyên
Theo TS Nguyễn Thị Chính, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ “tắt mắt”. Việc trẻ mới biết đi và trẻ mẫu giáo lấy đồ của người khác là điều bình thường. Ở độ tuổi này, chúng chưa hiểu rõ về việc lấy đồ ảnh hưởng đến người khác như thế nào và nó có thể gây hại ra sao. Trẻ cũng có thể lấy thứ gì đó từ cửa hàng chỉ vì chúng không hiểu cách thức hoạt động của quyền sở hữu. Vì vậy, hãy bắt đầu trò chuyện với con về sự đồng cảm và lý do tại sao lấy đồ như vậy là sai để chúng có thể học cách tôn trọng tài sản của người khác. Giải thích rằng chúng ta cần mua các vật phẩm để sở hữu chúng và mang chúng về nhà.
Bên cạnh đó, áp lực từ bạn bè trở nên phổ biến hơn và mạnh mẽ hơn từ 6 hoặc 7 tuổi trở đi. Thanh thiếu niên có thể lấy trộm vì nghĩ rằng điều đó có vẻ thú vị và những người khác cũng đang làm điều đó. Hoặc chúng có thể cảm thấy thú vị mà không thực sự nghĩ đến hậu quả. Các em có thể bị bạn bè gây áp lực buộc phải lấy hàng từ cửa hàng hoặc lấy trộm tiền từ một chiếc túi không có người trông coi trong phòng thay đồ. Hoặc có những em lấy trộm vì họ muốn có những món đồ đẹp mà mình không được phép có hoặc không thể mua được. Một số trộm đồ như một cách để nổi loạn chống lại cha mẹ.
Ở độ tuổi này, chúng biết những gì làm là sai và chúng có thể phải đối mặt với các vấn đề pháp lý nếu hành vi lấy trộm không được giải quyết một cách hiệu quả. Ngoài ra, rối loạn hành vi tiềm ẩn hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng có thể góp phần gây ra hành vi như trộm đồ.
Lớn hơn, khi trẻ đã nhận thức vẫn có thể sẽ có thói quen “tắt mắt”. Chúng có thể làm vì nghĩ không thể bị phát hiện. Trẻ nhỏ lại thường sống bản năng hơn người lớn nên khi thích vật gì sẽ có xu hướng chiếm làm của riêng. Hầu hết ở các trẻ đều gặp điều này. Đây không phải tính xấu mà đó giống như một trải nghiệm và nếu được điều chỉnh sớm thì trẻ sẽ phát triển đúng hướng. Còn không, trẻ rất dễ biến điều này thành tính cách xấu, thói quen.
“Nhiều khi trẻ học tính xấu từ chính những người lớn trong nhà. Nếu cha mẹ có tính tắt mắt, trẻ cũng bị ảnh hưởng tính cách. Điều này cũng hay xảy ra ở các cha mẹ hay xin xỏ hoặc khi đi siêu thị, các quầy hàng bánh kẹo có một số cha mẹ thản nhiên lấy cho con ăn hoặc bốc bỏ túi. Đây là thói quen không tốt khiến trẻ dễ học theo vì nghĩ bình thường, được phép làm. Từ đó, trẻ sẽ không tôn trọng các vật riêng tư của người khác”. - TS Nguyễn Thị Chính