(GD&TD)-Tối ngày 10/7, chương trình Lễ Tri ân và Lưu danh Liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị đã được tổ chức với chủ đề “Tên anh đã thành tên đất nước”, tại Bến thả hoa Thành cổ Quảng Trị, bên bờ sông Thạch Hãn (thị xã Quảng Trị).
Toàn cảnh Đại lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ Quảng Trị |
Ðến dự, có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Quảng Trị; thị xã Quảng Trị; các vị giáo phẩm, chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Ðại đức, tăng ni, phật tử trong cả nước và hơn 1.000 cựu chiến binh chiến đấu trên chiến trường Thành cổ năm xưa; gia đình thân nhân các liệt sĩ và đông đảo nhân dân tỉnh Quảng Trị.
Ðể đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của đông đảo gia đình thân nhân liệt sĩ và đồng đội của các chiến sĩ đã hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, cuốn sách ’Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị’ đã chính thức ra mắt cùng với việc tổ chức Ðại lễ cầu siêu - Tri ân và lưu danh liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị.
Đại sách độc bản “Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị” ghi danh 4.000 Anh hùng liệt sỹ (ảnh Khánh Vinh) |
Tại Lễ Tri ân và lưu danh liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao chứng nhận xác lập kỷ lục Việt Nam đối với Ðại sách độc bản ’Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị’ cho Trung tâm Thông tin - Truyền thông vì môi trường phát triển. Sách gồm các nội dung: Quảng Trị - Thành cổ Quảng Trị; Ðịa danh và những dấu ấn Quảng Trị năm 1972 lịch sử; Thành cổ Quảng Trị, huyền thoại mùa hè đỏ lửa năm 1972; Tên anh đã thành tên đất nước và Thành cổ Quảng Trị - một thời và mãi mãi. Ðặc biệt, cuốn sách lần đầu công bố danh sách hơn 4.000 tên các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm ở Thành cổ và từ các hướng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Dâng sách lưu danh 4.000 liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị |
Sau các nghi thức dâng hương, dâng hoa, dâng sách ’Huyền thoại Thành cổ Quảng Trị’ là chương trình giao lưu với các gia đình liệt sĩ, cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị, các nhà thơ viết về người chiến sĩ Thành cổ và chương trình văn hóa, văn nghệ với chủ đề ’Những bình minh màu lửa’ và ’Tên anh còn mãi’...
Nhân dịp này, Ban tổ chức chương trình Tri ân và lưu danh liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị đã quyên góp và trao tám nhà tình nghĩa tặng gia đình thân nhân liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn, trị giá mỗi nhà từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng; 42 suất học bổng tặng con em gia đình thương binh, liệt sĩ, trị giá mỗi suất học bổng hai triệu đồng; 280 suất quà, trị giá mỗi suất 500 nghìn đồng và trao kỷ niệm chương, bằng khen tặng các đơn vị tài trợ, tổ chức và thực hiện chương trình Tri ân và lưu danh liệt sĩ Thành cổ Quảng Trị.
Trước đó, tại Bến thả hoa phía nam sông Thạch Hãn, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm cầu siêu anh linh các Anh hùng liệt sĩ, thả hoa trên sông Thạch Hãn... để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh bảo vệ Thành cổ Quảng Trị và cầu nguyện quốc thái dân an.
*UBND tỉnh Bình Thuận đã thống nhất về chủ trương tập trung giải quyết dứt điểm nhà ở cho 976 gia đình người có công với cách mạng đang khó khăn về nhà ở từ nay đến năm 2012.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, hiện còn 976 gia đình người có công với cách mạng đang khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Trong đó, có 137 gia đình cần hỗ trợ xây mới nhà ở; 523 hộ gia đình cần hỗ trợ sửa chữa lớn và 326 hộ gia đình cần được hỗ trợ sửa chữa nhỏ nhà ở. Tỉnh sẽ thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa theo quy định hiện hành là: 50 triệu đồng/căn xây mới, 20 triệu đồng/căn sửa chữa lớn và 10 triệu đồng/căn sửa chữa nhỏ. Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện là 20,370 tỷ đồng.
Thực hiện Quyết định 142/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương, tỉnh Nam Định đã làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn kê khai, tiếp nhận hồ sơ, tổ chức hội nghị xét duyệt, thẩm định chặt chẽ, bảo đảm đúng quy trình, dân chủ, công khai, không để xảy ra tiêu cực. Đến nay, Ban Chỉ đạo của tỉnh đã xây dựng kế hoạch chi trả một lần cho 47 nghìn 907 đối tượng với tổng số tiền là 203 tỷ 731 triệu 800 nghìn đồng; đồng thời bàn giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh 411 trường hợp trợ cấp hằng tháng.
*Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Bình Dương vừa ban hành kế hoạch tổ chức Tuần hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn" và Lễ Thắp nến tri ân nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Theo đó, từ ngày 20 đến 27-7, các cơ sở đoàn trong tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày Thương binh, liệt sĩ thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thực hiện vệ sinh, làm sạch đẹp tại các khu tưởng niệm, tượng đài... Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tham gia giúp đỡ, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; động viên, thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Tổ chức tặng quà, tuyên dương khen thưởng các điển hình con em gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng học giỏi, hiếu thảo, tích cực trong công tác Đoàn, Hội, Đội. Bên cạnh đó, khảo sát và vận động xây dựng nhà tình nghĩa; nhà nhân ái, sửa chữa nhà tình nghĩa đã hỏng, xuống cấp; tổ chức các đợt khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách và gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng xa
Ngọc Lan-Đức Chính