Trải nghiệm để hướng nghiệp đúng

GD&TĐ - Ban giám hiệu các trường THPT đều có nhận xét rằng, tư vấn tuyển sinh chỉ là một điểm rơi còn tư vấn hướng nghiệp là cả một quá trình. Trong đó, quan trọng nhất là giúp HS có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp mình sẽ lựa chọn cùng những yêu cầu, đặc thù cần có. 

Học sinh THPT Đà Nẵng tham gia chương trình Tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: T.G.
Học sinh THPT Đà Nẵng tham gia chương trình Tư vấn tuyển sinh tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: T.G.

Và không gì hiệu quả hơn là tạo điều kiện cho HS có những trải nghiệm từ thực tế thì mới biết mình phù hợp nhất với nghề gì.

Phải “hiểu” mới “yêu”

Ngày hội Văn hóa dân gian của Trường THPT Nguyễn Hiền (Đà Nẵng) năm nay có thêm một gian hàng của Trung tâm hướng nghiệp Á - Âu.

Trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động của lễ hội, HS khối 11 và 12 của nhà trường được hướng dẫn cách gọt, tỉa hoa quả, cách pha chế một số đồ uống đơn giản cũng như làm quen với một số kỹ thuật của nghề bếp như lắc chảo…

Không chỉ dừng lại ở việc quan sát, một số HS xin được thực hành tại chỗ. Thanh Hiền kể: Em không nghĩ là việc tạo hình, gọt tỉa hoa quả lại đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ, cẩn thận đến thế, trong khi đây là yêu cầu cơ bản nhất mà một đầu bếp phải có được.

Cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền cho biết, cho dù HS đã có cái nhìn đúng đắn với một số ngành nghề trong xã hội như không còn đánh giá thấp các nghề dịch vụ, cung ứng… nhưng không phải em nào cũng chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực của mình.

Có nhiều em chọn theo học nghề bếp chỉ với suy nghĩ đơn giản đây là một nghề dễ xin việc làm, có thu nhập cao, thậm chí là có chút ảo tưởng về nghề bởi những hình ảnh của những đầu bếp trên phim ảnh chứ không hình dung được những yêu cầu, áp lực của nghề như gần như chỉ đứng trong suốt thời gian làm bếp hay giờ giấc, cường độ làm việc…

HS Trường THPT Nguyễn Hiền cũng được trải nghiệm tại làng rau Trà Quế (Hội An, Quảng Nam) để tìm hiểu về nông nghiệp sạch cũng như xu hướng phát triển du lịch theo hướng trải nghiệm.

“HS từ chỗ có những trải nghiệm trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng rau sạch như sử dụng phân bón làm từ hữu cơ, cải tạo đất… sẽ có cái nhìn khác về nghề kỹ sư nông nghiệp, hóa môi trường…

Các em cũng hình dung được nghề nông không như hình ảnh “chân lấm tay bùn” mà còn nhiều “phân khúc” cần những lao động có kiến thức chuyên môn để đáp ứng yêu cầu về một nền nông nghiệp sạch” - cô Minh Huệ chia sẻ.

Ngoài chủ động mời một số trường CĐ, ĐH về trực tiếp tư vấn sâu cho HS, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cũng đưa HS đến trải nghiệm ở một số trường CĐ, ĐH trên địa bàn Đà Nẵng.

“Ngoài được trực tiếp tham quan phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành… HS còn được các giảng viên đại học cung cấp một số thông tin về vị trí việc làm sau khi ra trường cũng như những yêu cầu công việc đòi hỏi người lao động phải đáp ứng.

Từ những thông tin này, HS sẽ có sự điều chỉnh giữa yêu cầu của công việc với sở thích, năng lực cá nhân để có những lựa chọn phù hợp” - cô Hồ Thị Thảo Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) cho biết.

Em Anh Đức, sau khi tham gia tour Một ngày làm SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Dù công nghệ thông tin là một ngành học khá phổ biến nhưng chúng em vẫn chỉ nghĩ đơn giản là đây là một ngành về lập trình, phần mềm. Có một số bạn thì nghĩ chỉ cần thích máy tính là có thể theo học được ngành này. Từ những trải nghiệm thực tế, em thấy rằng mình cần phải điều chỉnh một số tính cách cá nhân thì mới có thể phù hợp với nghề, như tính kỷ luật”.

Tư vấn hướng nghiệp cho cả phụ huynh

Trải nghiệm Một ngày làm sinh viên tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh của HS Đà Nẵng. Ảnh: T.G.
Trải nghiệm Một ngày làm sinh viên tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh của HS Đà Nẵng. Ảnh: T.G.

Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) đã tổ chức riêng một buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp cho phụ huynh HS khối 12 ngoài buổi họp phổ biến về quy chế thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Cô Hồ Thị Thảo Nguyên giải thích: “Có không ít HS lựa chọn nghề nghiệp theo sự định hướng của bố mẹ hoặc sự lôi cuốn của bạn bè hay dư luận xã hội. Bởi vậy, BGH nhà trường quyết định tư vấn nghề nghiệp cho khối 12 song song cả hai kênh phụ huynh và HS. Đoàn thanh niên sẽ sưu tầm những thông tin liên quan đến thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của một số ngành nghề… để cung cấp cho phụ huynh và HS.

Cũng đồng quan điểm này, cô Nguyễn Thị Minh Huệ cho rằng, phụ huynh phải là người nắm được thế mạnh cũng như mong muốn của con em mình.

“Thế nhưng, không phải tất cả phụ huynh đều có đầy đủ các thông tin về nghề nghiệp và chưa chắc những quyết định về tương lai của con em mình là căn cứ vào năng lực và nguyện vọng của các em” - cô Minh Huệ nhận xét.

Thế nên, song song với việc tư vấn cho HS, các trường phổ thông còn mở thêm kênh tư vấn cho cả phụ huynh về những đổi mới trong công tác tuyển sinh cũng như hướng nghiệp.

Ông Lê Đình Hiếu - Giám đốc chương trình Tài năng Talent Generation của UNESCO, trong chương trình tọa đàm Tương lai nào cho con do Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt - Anh (ĐH Đà Nẵng) tổ chức mới đây đã khuyên phụ huynh rằng, những gì phụ huynh biết về giáo dục cách đây 20 năm thì hãy gác sang một bên.

“Chúng ta không thể áp dụng chính sách giáo dục từ 20 năm trước để định hướng cho con ngày hôm nay” - ông Hiếu nhấn mạnh.

“Nếu như cách đây 50 năm thì giáo dục đại học ra đời là để giúp chuẩn bị cho chúng ta cái nghề. Còn giáo dục đại học bây giờ phải giúp SV trả lời cho được 4 câu hỏi sau: Thứ nhất, để cho SV quyết định những gì cần biết, dạy các em sự tự do, sự phán quyết để các em tự biết là mình cần cái gì, giữa một lượng kiến thức khổng lồ thì cần biết cái gì? Thứ hai là giữa những thứ SV đã biết rồi thì cái gì nên làm?

Thứ ba là trong số những thứ mình nên làm thì đâu là thứ có ích cho cộng đồng, xã hội. Và cuối cùng là trả lời cho được câu hỏi, đâu là những thứ làm cho mình cảm thấy hạnh phúc?” - ông Lê Đình Hiếu phân tích.

Phụ huynh phải là người nắm được thế mạnh cũng như mong muốn của con em mình. “Thế nhưng, không phải tất cả phụ huynh đều có đầy đủ các thông tin về nghề nghiệp và chưa chắc những quyết định về tương lai của con em mình là căn cứ vào năng lực và nguyện vọng của các em” - cô Minh Huệ nhận xét. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ