Chìa khóa mở liên thông

GD&TĐ - Những ngày này, khi mà Kỳ thi THPT quốc gia 2019 càng đến gần thì vấn đề liên thông giữa các trình độ đào tạo lại là một trong những mối quan tâm của người học. Tại những cuộc tư vấn tuyển sinh do các nhà trường thực hiện ở khắp các vùng miền, trong nhiều trường THPT, những câu hỏi lựa chọn ngành nghề nào, có nhất thiết phải theo học đại học không, luôn được các bạn trẻ quan tâm và được chuyên gia giải đáp.

Tư vấn hướng nghiệp nghề đang được triển khai theo từng cấp học.	Ảnh: Quý Trung
Tư vấn hướng nghiệp nghề đang được triển khai theo từng cấp học. Ảnh: Quý Trung

Những lời khuyên được đưa ra luôn là nếu thấy sức học của mình vừa phải, điều kiện gia đình chưa cho phép thì không nhất thiết phải vào đại học. Có nhiều con đường để đi, có thể chọn một trường trung cấp hay trường nghề nào đó, khi điều kiện đến sẽ tiếp tục học lên ĐH cũng chưa muộn.

Để tiếp tục con đường học vấn đó, lời khuyên của các chuyên gia đưa ra cho các bạn trẻ chính là sau này sẽ theo học hình thức liên thông. Đây là hình thức học tập được coi là thuận tiện cho các bạn trẻ khi chưa hội tụ đầy đủ các điều kiện cần để vào học ngay một trường ĐH.

Các bạn hoàn toàn có thể đi đường vòng, theo học một trường trung cấp hay trường nghề rồi đi làm, vẫn có thể hoàn thành giấc mơ ĐH bằng hình thức học liên thông khi có điều kiện. Cái hay của tính chất “mở”, “liên thông” đã thể hiện rõ mục tiêu chia sẻ tinh thần hướng nghiệp, phân luồng của hệ thống GD quốc dân, nhằm giảm áp lực thi cử cho các nhà trường, tránh lãng phí thời gian, vật chất và tiền của trong xã hội.

GS.TS Lê Quân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, mục tiêu đến năm 2020 phải có 30% học sinh THCS học nghề và 2025 đạt 40%. Nhưng đến nay mới đạt khoảng 8%. Ông cũng đưa ra dẫn chứng như nơi làm tốt hơn cả là tỉnh Vĩnh Phúc thì con số này cũng mới đạt 20%, còn đa số địa phương thực hiện việc phân luồng chưa tốt, đồng thời phân luồng cũng chưa thực sự gắn với đào tạo.

Hiện nay, công tác phân luồng đa số phụ thuộc vào nỗ lực của các trường nghề, họ phải lăn lộn để đi chiêu sinh. Điều mà GS Lê Quân phản ánh đúng thực tế đang diễn ra, khi chủ trương phân luồng sau THCS và THPT đã có từ lâu nhưng quả thực vẫn chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Có nhiều nguyên nhân, vì tâm lý người học còn trọng bằng cấp, cũng có nguyên nhân là con đường liên thông từ trung cấp nghề lên CĐ và lên ĐH chưa thực sự hấp dẫn người học.

Mới đây, trong dự thảo Luật GD (sửa đổi) đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng và liên thông thông qua khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, cho thấy tinh thần chung là tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người và tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Trong đóng góp ý kiến cho dự án Luật GD (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng cần sớm hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông, mục đích không ngoài mong muốn loại hình đào tạo này sẽ tạo cơ hội học tập cho những người chưa có điều kiện học ngay một trường đại học nào đó.

Đặc biệt, tại Báo cáo một số nội dung lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật GD (sửa đổi) do Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội trình bày, có ý kiến đề nghị HS học hết THCS được học lên thẳng trình độ cao đẳng. Vấn đề này được Thường trực Ủy ban cho rằng hướng đến tạo thuận lợi và thiết thực cho người học nhằm khuyến khích người học phân luồng sang học nghề, góp phần tăng tỉ lệ học nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Liên thông, chìa khóa mở cho phân luồng sau THCS và THPT là điều hoàn toàn có thể thấy được. Những lo lắng về vấn đề liên thông, phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng dù liên thông trung cấp lên cao đẳng, hoặc cao đẳng lên đại học, sẽ không đáng khi chúng ta có chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam. Thêm nữa, khi các cơ sở đào tạo ĐH thực hiện theo cơ chế tự chủ họ sẽ có trách nhiệm trong việc đưa ra những quy định cụ thể từ tuyển sinh đến đào tạo để đảm bảo chất lượng và giữ uy tín cho mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ