Tiến sĩ tâm lý xây dựng app hướng nghiệp miễn phí

GD&TĐ - Băn khoăn trước thực trạng học trò chọn sai nghề ảnh hưởng đến tương lai, Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An cùng các cộng sự đã cho ra đời app hướng nghiệp hoàn toàn miễn phí.

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An
Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An

Đánh mất tương lai vì chọn sai

TS Tâm lý Đào Lê Hòa An, Phó Viện trưởng Viện Việt Nam bách nghệ thực hành, ThS Quản trị nhân sự Nguyễn Thị Hoàng Anh cùng với sự hỗ trợ một số chuyên gia tâm lý, giáo dục đã thực hiện tư vấn hướng nghiệp miễn phí đến các em học sinh thông qua “Ứng dụng điện thoại –JobWay”. 

TS Đào Lê Hòa An chia sẻ: “Nhiều bạn trẻ còn đang mơ hồ về định hướng nghề nghiệp của mình. Trong đó, xác định học sinh trung học phổ thông, đặc biệt là học sinh lớp 12 là đối tượng chủ đạo. Nhiều sĩ tử lo sợ sẽ bị điểm thấp trong Kỳ thi THPT quốc gia nhưng quên mất rằng, nếu rớt, bạn chỉ tốn 1 năm để thi lại, còn nếu “nộp đại” vào một ngành, nghề không yêu thích, đam mê thì bạn mất cả đời để sống với nó”.

Tác giả công trình cho rằng, khi học sinh không có nguồn thông tin và công cụ đáng tin cậy, ứng dụng này sẽ hỗ trợ cho các bạn tự tìm hiểu bản thân, ngành nghề cho tương lai. Đồng thời giúp thầy giáo, cô giáo phụ trách công tác hướng nghiệp cùng tương tác và định hướng cho học sinh của mình. Hơn nữa, trong những buổi tư vấn cũng không đủ thời gian để các chuyên gia giải đáp hết thắc mắc của học sinh. Vì thế, ứng dụng này sẽ là công cụ hữu ích cho các bạn trẻ trong việc định hướng nghề nghiệp.

TS Đào Lê Hòa An nhấn mạnh: “Mỗi học trò cần nghiêm túc hơn với việc chọn lựa nghề nghiệp cho bản thân, thay vì chỉ biết học, giành được điểm cao, nhưng chẳng biết con điểm ấy phục vụ cho ước mơ nào của mình. Bởi, nhiều sinh viên biết mình chọn sai nghề, nhưng không đủ can đảm để học lại, thi lại. Có trường hợp khả quan hơn, dũng cảm và nghiêm túc tìm kiếm đam mê cho mình, thì họ cũng đã phí nhiều năm ngồi trên giảng đường, tốn thời gian, phí công sức, mất tiền bạc...”.

Ứng dụng cập nhật hàng trăm ngành nghề

ThS Nguyễn Thị Hoàng Anh, sáng lập và điều hành ứng dụng cho biết, ứng dụng này có nhiều tính năng để học sinh nắm bắt được đầy đủ thông tin trước khi lựa chọn nghề nghiệp. 

Cụ thể, với tính năng “Hiểu mình” (gồm các bài trắc nghiệm tâm lý, tính cách... giúp người dùng có thêm dữ liệu khoa học, mô tả chính xác hơn về bản thân) là cơ sở quan trọng nhất trong hướng nghiệp. Tính năng “Hiểu nghề” với bản thông tin mô tả hơn 200 ngành nghề, từ đó sẽ quyết định chính xác hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. 

Tính năng “Hiểu trường” gồm những thông tin chung về trường, các ngành đào tạo, quy chế tuyển sinh được liên tục cập nhật. Và với tính năng “Tư vấn”, học sinh có thể đặt câu hỏi để tương tác với các chuyên gia, cố vấn và nhận câu trả lời miễn phí trong vòng 24 - 36 giờ. 

Từ những dữ liệu đó, học sinh sẽ quyết định chính xác hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Để giúp học sinh trên cả nước vững tin trong lựa chọn nghề nghiệp, đội ngũ thực hiện dự án này cũng đã mời nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức thông qua các câu hỏi thường gặp hoặc câu hỏi trực tiếp mà học sinh gửi trực tiếp trên ứng dụng.

App hướng nghiệp này cũng đã đạt giải thưởng cao tại cuộc thi “Hành trình Tri thức trẻ vì Giáo dục”. TS Đào Lê Hòa An chia sẻ: “Công trình đã được tôi và các cộng sự dành cả tuổi thanh xuân để nỗ lực xây dựng, phát triển. Hiện, JobWay có thể sử dụng hoàn toàn miễn phí, được tích hợp nhiều tính năng hiện đại, thân thiện tại một số trường học.

Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là JobWay sẽ trở thành công cụ hữu hiệu, luôn đồng hành cùng học sinh, sinh viên trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp, mang lại hạnh phúc cho các bạn trẻ thông qua việc tự tìm hiểu năng lực bản thân”.

Ông Nguyễn Nhất Linh – Phó ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn chia sẻ: Hướng nghiệp luôn là một trong những vấn đề được ngành giáo dục quan tâm chú trọng, có tác động tích cực đến việc lựa chọn nghề nghiệp của các em học sinh cuối cấp. Thông qua sự hỗ trợ của công nghệ, công tác này đang có những giải pháp mới tạo nên sự hiệu quả và tiếp cận nhanh hơn đến các em học sinh so với cách tư vấn, hướng nghiệp truyền thống, nhất là trong bối cảnh của đại dịch Covid-19.

“Thực tế cho thấy, hướng nghiệp là một quá trình lâu dài. Trong khi các chương trình tư vấn hiện nay, các trường chỉ đang thực hiện theo kiểu thời vụ tại những thời điểm cụ thể. Vì vậy, học sinh cũng ít có cơ hội để nhận được nguồn thông tin về nghề nghiệp và xu hướng xã hội. Tại các buổi hướng nghiệp trực tiếp, công tác tổ chức cũng bị giới hạn về thời gian, khó có thể giải đáp hết tất cả nhu cầu về thông tin” – ông Nguyễn Nhất Linh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.