Sức hút từ mô hình đào tạo 9+

GD&TĐ - Với mô hình đào tạo 9+, song hành nghề và văn hóa, học sinh tốt nghiệp lớp 9 có thể rút ngắn thời gian đào tạo, đi làm ngay hoặc liên thông lên bậc cao hơn. Mô hình này đang ngày càng thu hút học sinh tham gia…

Một lớp đào tạo 9+ nghề Tin học văn phòng.
Một lớp đào tạo 9+ nghề Tin học văn phòng.

Nguyễn Thị Kim Ngân – học sinh khóa 59-CNTT chương trình đào tạo 9+, Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp (Vĩnh Phúc) cho biết: “Sau khi tốt nghiệp THCS, em nhận thấy việc theo học nghề nghiệp sớm có thể giúp cho mình nhanh chóng có được việc làm tốt và thu nhập ổn định. Em học nghề Tin học văn phòng, bởi khi ra trường có thể tìm được công việc đúng với nghề được học và phù hợp với năng lực bản thân. Học chương trình 9+, em được miễn giảm học phí và sẽ được nhà trường hỗ trợ giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp.

Chương trình đào tạo văn hóa và đào tạo nghề tại đây rất phù hợp, đối với học văn hóa, học sinh được giảng dạy đầy đủ nội dung các môn học cơ bản theo chương trình THPT. Chương trình đào tạo nghề chuyên môn được giảng dạy trên cơ sở áp dụng thực tế, chủ yếu là đào tạo thực hành, giúp học sinh nắm bắt và thực hiện tốt những kỹ năng nghề theo yêu cầu. Em cũng rất mong muốn được học liên thông lên trình độ cao hơn để tiếp tục hoàn thiện bản thân, tay nghề được nâng cao và làm việc hiệu quả hơn”.
Bà Phạm Thị Lan Phương – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp cho biết, mô hình đào tạo 9+ của nhà trường mỗi năm tiếp nhận từ 500 – 600 hồ sơ học sinh tốt nghiệp THCS vào học. Sau 3 năm, các em được đào tạo cả kiến thức văn hóa và kỹ năng nghề.

Mô hình đào tạo này giúp các em tiết kiệm được đáng kể cả về thời gian và kinh phí học tập. Cụ thể, lộ trình học tập từ lúc tốt nghiệp THCS, nếu học theo chương trình đào tạo 9+ thì sau 3 năm, các em đã hoàn thành chương trình văn hóa THPT và có bằng trung cấp nghề ngay từ lúc đủ 18 tuổi, để có thể tham gia ngay vào thị trường lao động.

Nếu so sánh với các bạn cùng lứa tuổi học tiếp THPT, thì sau 3 năm học tập các em này mới tốt nghiệp lớp 12, và phải tiếp tục lựa chọn các chương trình đào tạo khác với thời gian lâu hơn.

Hiện trường vẫn đang giảng dạy chương trình văn hóa giáo dục thường xuyên và chương trình giáo dục nghề nghiệp. Tới đây, khi có quy định về thời gian học văn hóa, các em theo mô hình 9+ chỉ cần học đủ số môn là được liên thông và đủ điều kiện để học chương trình đào tạo cao đẳng, đại học.

“Khi có những quy định cụ thể về các điều kiện học liên thông, cơ sở đào tạo sẽ thu hút được nhiều hơn các em học sinh tham gia vào giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội” – Hiệu trưởng Phạm Thị Lan Phương chia sẻ.

Theo khảo sát, vài năm trở lại đây số học sinh theo mô hình 9+ đang ngày càng thu hút. Bước đầu người dân đã nhận ra hiệu quả thực tế từ chương trình kết hợp đào tạo văn hóa và đào tạo nghề cho giới trẻ. 

Đây cũng là mô hình đào tạo đang được khuyến khích mạnh mẽ. Theo Chỉ thị của Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có chính sách hỗ trợ học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, bao gồm hỗ trợ kinh phí, học phí học văn hóa trung học phổ thông.

Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 15/5/2018 phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”. Trong đó nêu rõ mục tiêu theo từng giai đoạn, cụ thể đến năm 2020 phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS, 40% học sinh tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp. Mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS, 45% học sinh tốt nghiệp THPT vào học giáo dục nghề nghiệp. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.