Chiều 26/4, Trường Đại học Tôn Đức Thắng tổ chức lễ công bố nhà trường đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế của tổ chức kiểm định FIBAA cho giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2030.
Đồng thời, nhà trường có thêm 18 chương trình đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế FIBAA, ASIIN và AUN-QA.
Dự lễ có ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện các vụ, cục thuộc Bộ GD&ĐT.
37 chương trình đạt kiểm định chất lượng quốc tế
Theo Trường Đại học Tôn Đức Thắng, việc được công nhận đạt chuẩn kiểm định cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn FIBAA (giai đoạn 2024-2030) là minh chứng rõ ràng cho sự cam kết của nhà trường trong việc cung cấp chất lượng giáo dục hàng đầu theo chuẩn quốc tế đối với người học.
Được công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín là cơ sở để nhà trường khẳng định sự phát triển và hội nhập với nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Tại lễ công bố này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đón nhận thêm 18 chương trình đào tạo được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế FIBAA, ASIIN và AUN-QA, nâng tổng số chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng lên 37 chương trình.
TS Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường Tôn Đức Thắng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Mạnh Tùng |
TS Trần Trọng Đạo, Hiệu trưởng Trường Tôn Đức Thắng cho biết, từ năm học 2015-2016, trường bắt đầu triển khai đưa vào giảng dạy các chương trình đào tạo cập nhật mới, được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.
Qua đó, chương trình đào tạo của trường được rà soát và đối sánh với các chương trình đào tạo của các trường đại học uy tín (thuộc top 100) của thế giới.
Đến nay, Trường Tôn Đức Thắng đã hoàn tất chuyển đổi chương trình giáo dục bậc đại học theo chương trình "top 100 trường đại học tốt nhất thế giới"; xây dựng xong đề cương chi tiết các ngành bằng tiếng Việt và tiếng Anh.
Hầu hết các ngành bậc đại học hiện nay đều có chương trình dạy - học hoàn toàn bằng tiếng Anh; đưa sơ đồ trực quan các chương trình giáo dục vào sử dụng; nhất là đã triển khai xây dựng đề cương chi tiết theo chuẩn AUN-QA, FIBBA, ASIIN.
Nhà trường có thêm 18 chương trình đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế FIBAA, ASIIN và AUN-QA. Ảnh: Mạnh Tùng |
Qua 9 năm triển khai và đưa vào giảng dạy các chương trình đào tạo cập nhật theo chuẩn quốc tế, tỷ lệ sinh viên hài lòng về chất lượng dạy - học theo Chương trình này đạt 98,72%; tỷ lệ này vượt xa so với mục tiêu tối thiểu là 85% do nhà trường đặt ra.
Trong đó, thành công quan trọng nhất là tỷ lệ sinh viên tự tạo việc làm và có việc làm trong vòng 1 năm kể từ thời điểm tốt nghiệp của năm học vừa qua trong toàn trường đạt từ 99,3 -100%, cao nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, hoạt động điều tra sự hài lòng của doanh nghiệp và người sử dụng lao động đã cho kết quả là tất cả doanh nghiệp nhận sinh viên của trường vào làm việc đều đánh giá cao sinh viên nhà trường về đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật, và tác phong chuyên nghiệp.
“Việc kiên trì giáo dục con người toàn diện, trong đó, ngoài chuyên môn tốt để làm việc hiệu quả; rèn luyện sức khỏe, khả năng chịu đựng áp lực cao và tính kỷ luật là nguyên tắc nền tảng mà nhà trường kiên quyết theo đuổi", ông Đạo phát biểu tại buổi lễ.
Hỗ trợ các trường trong công tác kiểm định chất lượng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu chúc mừng nhà trường. Ảnh: Mạnh Tùng |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc chúc mừng Trường Đại học Tôn Đức Thắng với những thành quả đạt được sau 27 năm hình thành và phát triển.
Trường hiện có quy mô 26.000 sinh viên, trên 1.200 cán bộ, giảng viên với 34% có trình độ tiến sĩ trở lên.
Theo Thứ trưởng, đây là một trong các trường thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ.
Từ 23 trường thí điểm với kết quả rất tốt, Bộ GD&ĐT đã tổng kết, đánh giá, từ đó thể chế hoá trong Luật Giáo dục đại học 2018.
Thứ trưởng cho rằng, hoạt động kiểm định giáo dục hiện rất được Bộ GD&ĐT quan tâm với mục tiêu đặt ra là đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục, làm căn cứ để cơ sở giáo dục giải trình với cơ quan quản lý nhà nước về thực trạng giáo dục; làm cơ sở cho người học lựa chọn chương trình học, cho nhà tuyển dụng tuyển chọn lao động.
Kiểm định chất lượng giáo dục là một quá trình lâu dài, liên tục, đòi hỏi sự đầu tư thực chất. Giấy kiểm định là sự khởi đầu của một giai đoạn mới, động lực cũng là thách thức để trường không ngừng phát triển.
Bộ GD&ĐT luôn sẵn sàng quan tâm, hỗ trợ các trường trong công tác kiểm định chất lượng; phát triển chuyên môn để thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát huy cơ chế tự chủ theo quy định.
Nhà trường khen thưởng các tập thể đóng góp thành tích trong công tác kiểm định chất lượng. Ảnh: Mạnh Tùng |
Gửi gắm đến các trường đại học trên cả nước, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, hiện nay Bộ GD&ĐT được giao tổng kết Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Giáo dục đại học đã có sự đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là cơ chế tự chủ đại học, từ đó tạo ra sự phát triển rất năng động của hệ thống giáo dục nước nhà.
Với kiểm định chất lượng giáo dục, nếu 10 năm trước rất ít trường đạt quốc tế và số lượng kiểm định trong nước rất ít. Đến nay, số lượng trường đại học đạt chuẩn kiểm định trong nước và quốc tế ngày càng nhiều.
Theo mục tiêu đặt ra, nền giáo dục Việt Nam đến 2030 đạt trình độ tiên tiến châu Á, đến 2045 đạt trình độ tiên tiến thế giới.
Điều này đặt nhiều thách thức cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Thứ trưởng đề nghị Trường Đại học Tôn Đức Thắng đầu tư mạnh vào các ngành công nghệ kỹ thuật mới, bắt kịp với xu thế hiện đại của thế giới.