Sinh viên nghiên cứu khoa học: Hướng đến tính ứng dụng

GD&TĐ - Các đề tài NCKH của SV ngày càng sát sườn hơn với thực tế cuộc sống, phục vụ trở lại cho quá trình dạy - học, bớt tính lý thuyết và hàn lâm; với SV khối các trường kỹ thuật thậm chí còn đòi hỏi phải có cả sản phẩm hoàn chỉnh. 

Mô hình thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước của SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng được đánh giá là có tính ứng dụng cao tại các khách sạn, resort và vệ sinh bãi biển, mặt nước.
Mô hình thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước của SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng được đánh giá là có tính ứng dụng cao tại các khách sạn, resort và vệ sinh bãi biển, mặt nước.

Điều này chứng tỏ các SV đã dành nhiều thời gian tìm hiểu nhu cầu, đòi hỏi trong cuộc sống, phát triển KT - XH của địa phương, thực tiễn và yêu cầu của giảng đường, nhu cầu trong sinh hoạt, học tập của chính các em…

Dạy SV phương pháp NCKH

Từ nhiều năm nay, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) đưa nội dung về phương pháp học tập và NCKH vào giảng dạy, trở thành một tín chỉ trong chương trình tự chọn. PGS.TS Phan Cao Thọ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với tín chỉ về phương pháp NCKH, SV được hướng dẫn từ cách tìm kiếm đề tài từ thực tiễn, cách thức tư duy, phương pháp tìm kiếm tài liệu có liên quan, mục tiêu, phương pháp tiến hành cho đến cách thức viết báo cáo…

Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) tuy không tổ chức thành môn học cụ thể, nhưng SV được tiếp cận với phương pháp NCKH thông qua nhiều kênh khác nhau trong quá trình học. Trong đó, Phòng Khoa học của trường sẽ hỗ trợ cho SV cách thức trình bày còn phương pháp nghiên cứu, SV sẽ được hướng dẫn theo khoa chuyên môn.

Với mô hình Học tập – Nghiên cứu (Study Research – Team: SRT), các đề tài NCKH của mỗi nhóm SRT của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) đều có tính kế thừa, phát triển quy mô qua từng năm, dưới sự hướng dẫn của giảng viên. “Nhà trường luôn chú trọng định hướng cho các em thực hiện NCKH với tính đổi mới, sáng tạo, phát triển theo xu thế chọn lọc. Những đề tài NCKH có tính ứng dụng cao sẽ được nhà trường đầu tư phát triển, tiến đến việc đưa sản phẩm ra thị trường.

Cùng với đó, chúng tôi có những chương trình nhằm định hướng cho SV về vấn đề khởi nghiệp để các em nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, tránh sự nhầm lẫn giữa “lập nghiệp” và “khởi nghiệp” và với “khởi nghiệp sáng tạo”, từ đó hình thành tư duy thiết kế vững vàng, vận dụng được những lợi thế từ thực tiễn để xây dựng các công trình NCKH” – PGS.TS Phan Cao Thọ chia sẻ.

Tham gia nhóm SRT với sản phẩm Gậy thông minh hỗ trợ người già với 5 chức năng (Phát hiện tình trạng té ngã; Gọi điện cho người thân; Gửi tin nhắn yêu cầu ứng cứu và tọa độ xảy ra té ngã; Loa phát cảnh báo cho người xung quanh; Các nút nhấn khẩn cấp), SV Lê Như Thiên Sao (lớp 16D1, Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Tham gia NCKH, ngoài việc giúp chúng em hệ thống hóa lại các kiến thức đã được trang bị trong nhà trường, còn là cơ hội giúp SV tiếp thu thêm các kiến thức ngoài chuyên ngành cùng cơ hội để tích lũy kỹ năng mềm như cách thức làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề… Đây sẽ là nền tảng rất hữu ích cho việc thực tập và làm việc sau này của SV”.

Chú trọng tính ứng dụng và khởi nghiệp

Theo nhận xét của PGS.TS Phan Cao Thọ thì hầu hết sản phẩm của các đề tài đều có tính ứng dụng, thực tiễn cao, đáp ứng các yêu cầu triển khai sản xuất, chuyển giao và khởi nghiệp. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến các sản phẩm NCKH của SV nhà trường đạt nhiều kết quả cao ở các cuộc thi, như giải Ba tại Hội nghị Sinh viên NCKH TP Đà Nẵng, Giải Nhì Hội nghị Kết nối ý tưởng sáng tạo vùng Trung Nam Bộ, đại diện SV thành phố Đà Nẵng tham dự, triển lãm sản phẩm tại Đại hội SV 5 tốt lần thứ X toàn quốc.

Một xu hướng chung là mức hỗ trợ kinh phí của các trường ĐH, nhất là các trường khối kỹ thuật – công nghệ, đối với công tác NCKH của SV đều căn cứ trên tính ứng dụng của đề tài. Đề tài mang tính ứng dụng cao sẽ được hỗ trợ nhiều. Như trường ĐH Đông Á (Đà Nẵng), cùng với việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đã dành 1 tỷ đồng phát triển Quỹ hỗ trợ SV NCKH và sáng tạo khởi nghiệp hằng năm, trong đó đặc biệt ưu tiên nguồn lực hỗ trợ thương mại hóa các sản phẩm ứng dụng cao và các dự án sáng tạo khởi nghiệp.

Các đề tài NCKH của SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng phần lớn đều xuất phát từ thực tế sản xuất như được thực hiện tại các công ty như Foster, JFE, Sinko Technos hoặc nhận được sự hỗ trợ về kinh phí, linh kiện, thiết bị, vật tư nghiên cứu đến Giải thưởng INSSEE, Bosch Engineering, Texas Instrument, Doosan Vina, Thaco, Daikin, Lọc hóa dầu Bình Sơn… Nhiều đề tài được đánh giá rất hay về ý tưởng, có tính thực tiễn cao, có thể tạo thành sản phẩm nếu được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Trong đó, có những ý tưởng có thể chuyển giao ngay công nghệ. Như mô hình thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, mặt nước của nhóm SV Khoa Cơ khí giao thông, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng (gồm Võ Anh Khoa, Trương Văn Bình, Trần Văn Nhật cùng ba cộng sự Lê Thanh Trãi, Võ Văn Khoa và Đinh Văn Hiệp, cùng là SV năm 2) đang được Thành Đoàn TP Đà Nẵng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ thành phố xem xét để hướng đến đầu tư thử nghiệm tại một số địa điểm du lịch trên địa bàn. Máy có thể gom được rác ở trên bãi biển và cả dưới nước, với vận tốc 12km/h, hoạt động liên tục trong 10 giờ, mô hình sản phẩm của nhóm SV Khoa Cơ khí Giao thông hứa hẹn sẽ mang lại tiện ích làm sạch các bãi biển, kênh rạch… mà không cần nhiều công sức con người.

Theo Hà Nguyên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ