PGS.TS.Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện vẫn còn dàn trải và thiếu phân tầng rõ ràng.
Báo cáo cho thấy, 70% quy mô giáo dục đại học là công lập, 30% là ngoài công lập; trong khi Việt Nam cần đa dạng hóa hệ thống, có những trường trọng điểm, chất lượng cao và nhiều trường đại trà, khoa học ứng dụng.
Dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) có nhấn mạnh ưu tiên một số “cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, ngành đào tạo ưu tiên” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Tuy nhiên, quy định này chung chung, chưa mạnh dạn giới hạn vai trò của Nhà nước vào một số lĩnh vực then chốt. Chưa nói đến lộ trình cụ thể về cổ phần hóa hay tư nhân hóa các trường còn lại.
Báo cáo Bộ GD&ĐT cũng kiến nghị phân tầng và quy hoạch lại mạng lưới trường theo chu kỳ. Thực tế, đến nay việc phân tầng đại học vẫn mang tính hình thức, chưa làm căn cứ phân bổ đầu tư công. Ngược lại, hiện nhiều trường chưa định hướng rõ nghiên cứu. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu hiện nay thấp. Do đó, luồng đầu tư rơi vào nhiều nơi manh mún, hiệu quả không cao.
Theo kinh nghiệm quốc tế, PGS.TS.Trần Thành Nam cho rằng, cần có chiến lược phân tầng rõ ràng để phân bổ nguồn lực đầu tư công. Ví dụ, các nước thường quy hoạch nhóm đại học nghiên cứu hàng đầu, với ưu đãi đặc biệt và đầu tư lớn; nhóm còn lại chủ yếu đào tạo ứng dụng.
Vì thế, Nhà nước nên mạnh dạn “rút” dần khỏi những trường đại trà, để tập trung nguồn lực vào đào tạo sư phạm, y tế, khoa học cơ bản, quốc phòng an ninh - các lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ và tài trợ. Các trường khác có thể cổ phần hóa, kết hợp với tư nhân để nâng cao hiệu quả. Sự rõ ràng trong phân tầng (ví dụ chia thành 3–5 tầng như đề xuất trước đây) cũng là căn cứ quan trọng để phân bổ đầu tư công một cách công bằng và có chiến lược.
Góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), PGS.TS.Trần Thành Nam đề xuất, xem xét chuyển đổi mô hình một số trường công lập đa ngành thành trường tư thục, hoặc hợp tác công-tư, để khu vực Nhà nước chỉ tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm: sư phạm, y dược, khoa học cơ bản, quốc phòng - an ninh. Kinh nghiệm các nước như Australia, Singapore… cho thấy phân bổ ngân sách tập trung vào các lĩnh vực chiến lược là hiệu quả.
Tăng cường trường nghiên cứu: Xác định rõ các trường đại học trọng điểm (phân tầng tầng cao) theo các tiêu chí khoa học. Bổ sung quy định khuyến khích, ưu tiên thành lập các cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, đưa tỷ lệ cơ sở này lên khoảng 60–70% tổng số trường (tăng mạnh so với hiện nay). Các trường nghiên cứu được hưởng thêm chính sách (đầu tư ngân sách đặc biệt, quyền tự chủ cao hơn) để phát triển nhanh.
Phân tầng đại học: Cần quy định rõ cơ chế và tiêu chí phân tầng, để từ đó làm căn cứ điều tiết chính sách và đầu tư công. Ví dụ, Luật nên công nhận 3 tầng cơ bản (nghiên cứu, ứng dụng, thực hành) như đề xuất trước đây, và định kỳ (5–10 năm) rà soát, xếp hạng trường. Các tầng cao được ưu tiên giao nhiệm vụ và nguồn lực lớn hơn. Điều này cũng khuyến khích cạnh tranh lành mạnh giữa các trường.