Sinh viên “bết bát” vì thiết bị thực hành quá đát

GD&TĐ - Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thiết bị thực hành quá đát sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thiết bị thực hành là yêu cầu mấu chốt trong đào tạo nghề. Ảnh: NTCC
Thiết bị thực hành là yêu cầu mấu chốt trong đào tạo nghề. Ảnh: NTCC

Thành tố không thể thiếu trong dạy nghề

NGƯT.TS Phạm Hữu Lộc là Bí thư, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM cho biết, đối với cơ sở GDNN, thiết bị thực hành cũng là thành tố cơ bản của quá trình dạy học. Nó là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến nội dung và việc đổi mới phương pháp dạy học. Đây là công cụ mà giảng viên trực tiếp sử dụng để thực hiện hoạt động dạy của mình. Thông qua đó, giúp sinh viên lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hoàn thiện nhân cách trong suốt quá trình học.

Trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chất lượng nguồn nhân lực đang là thách thức lớn, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ. Điều này đòi hỏi các cơ sở GDNN phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành hiện đại, có tính công nghệ mới, áp dụng công nghệ 4.0 để giảng dạy cho sinh viên. Vì vậy, các trường buộc phải có thiết bị thực hành. Đây là thành tố không thể thiếu trong dạy nghề.

Đối với GDNN, thiết bị thực hành giúp giảng viên truyền thông tin, thao tác mẫu cho người học. Còn sinh viên dễ quan sát, hiểu và vận dụng các kỹ năng, đồng thời tạo ra sự lôi cuốn, hấp dẫn, làm cho việc dạy và học đạt hiệu quả hơn.

Thiết bị thực hành còn tạo điều kiện cho sinh viên trực tiếp thực hành trên máy móc, phát huy năng lực hoạt động nhận thức của người học. Từ đó, sinh viên tiếp cận thực tiễn, nâng cao khả năng tự học, rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức tay nghề. Đây cũng là công cụ hỗ trợ đắc lực trong công tác kiểm tra, đánh giá, rèn luyện kỹ năng nghề cho sinh viên đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp.

Vì vậy, trang thiết bị nếu quá cũ hoặc không bắt kịp với xu thế sẽ ảnh hưởng lớn quá trình dạy và học ở các cơ sở GDNN. Tuy nhiên, theo NGƯT.TS Phạm Hữu Lộc, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành hiện đại, có tính công nghệ mới, công nghệ 4.0 gặp rất nhiều khó khăn. 

Các trường phải luôn cập nhật chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thay đổi từng ngày của xã hội. Trên cơ sở đó, cần nghiên cứu đầu tư các thiết bị hiện đại thực tập đáp ứng yêu cầu của chương trình. Vì vậy, nhà trường phải mạnh dạn đầu tư các thiết bị có tính công nghệ mới, công nghệ 4.0 vào giảng dạy. Nếu thiết bị thực hành quá đát sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo, học không đi đôi với hành khiến sinh viên bỡ ngỡ khi đi làm.

NGƯT.TS Phạm Hữu Lộc cho biết thêm, khó khăn lớn nhất khi thay mới thiết bị dạy học đó là kinh phí. Hiện, nguồn kinh phí đầu tư cho các trang thiết bị có tính hiện đại, có tính công nghệ mới, công nghệ 4.0 rất lớn. Trong khi ngân sách của trường chủ yếu từ học phí, mà học phí thì không được thu cao. Chưa kể đến, nhiều trường còn gặp khó khăn trong tuyển sinh làm hạn chế việc mua sắm, thay mới.

Ngoài ra, khi đầu tư thiết bị hiện đại đòi hỏi cán bộ quản lý và giáo viên phải được trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp, lẫn kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động dạy học. Giáo viên mất nhiều thời gian nghiên cứu và tiếp cận các trang thiết bị có tính hiện đại, có tính công nghệ mới, công nghệ 4.0 để tham gia giảng dạy. Nội dung và phương pháp dạy học cũng phải thay đổi cho phù hợp với trang thiết bị mới. 

NGƯT.TS Phạm Hữu Lộc - Bí thư, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM. Ảnh: NVCC
NGƯT.TS Phạm Hữu Lộc - Bí thư, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TPHCM. Ảnh: NVCC

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển trên các lĩnh vực như: Công nghệ số, công nghệ thông tin, điều khiển thông minh, công nghệ sinh học, vật liệu mới... Vì vậy, các ngành như Điện - Điện tử, Cơ điện tử, Tự động hóa, Cơ khí chế tạo, Công nghệ ô tô, Công nghệ thông tin, Quản trị mạng… còn thiếu trang thiết bị hiện đại, cần được đầu tư hơn nữa. 

Bởi nếu thiết bị thực hành quá đát hoặc không còn phù hợp với nhu cầu của xã hội thì người học có tìm hiểu về lý thuyết cũng không áp dụng được gì vào thực tiễn.

NGƯT.TS Phạm Hữu Lộc cho rằng: Các thiết bị dạy nghề hiện nay, nhất là thiết bị hiện đại, khá đắt tiền mà vòng quay lại ngắn vì công nghệ thay đổi liên tục. Trong khi học phí lấy mức vừa phải nên việc đầu tư của các trường còn nhiều hạn chế.

Cơ sở GDNN cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học để khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia sáng tạo mô hình thiết bị thực hành có tính hiện đại. Vì mô hình tự làm sẽ giúp cho giáo viên làm chủ được công nghệ, giảm được chi phí cho nhà trường, góp phần vừa giải quyết vấn đề thiếu trang thiết bị thực hành vừa nâng cao chất lượng đào tạo.

Đồng thời, nhà trường cần liên kết với các doanh nghiệp lớn và tập đoàn. Thực hiện các chương trình đào tạo song hành với doanh nghiệp, đào tạo kép, tăng cường các học phần thực hành tại doanh nghiệp… Nhờ đó mà sinh viên thực hành trên trang thiết bị hiện đại của doanh nghiệp. 

Nhiều mô hình liên kết doanh nghiệp và đào tạo đã giúp sinh viên được thực tập, rèn nghề trong môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại, được học các kỹ năng làm việc hiệu quả. Thậm chí nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ sinh viên được hưởng lương trong quá trình thực tập. Sinh viên tốt nghiệp ra trường có trình độ tay nghề cao cùng kỹ năng làm việc và khả năng thích ứng nhanh với các vị trí làm việc của doanh nghiệp.

Ngoài ra, các trường có thể phối hợp với các doanh nghiệp lớn và tập đoàn, thành lập các trung tâm đào tạo… Từ đó, doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị vào vận hành sản xuất tại trường. Qua đó, người học được trực tiếp thực hành trên máy móc hiện đại, góp phần nâng cao tay nghề và giảm chi phí cho nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

TIN BUỒN

TIN BUỒN

GD&TĐ - Gia đình chúng tôi vô cùng thương tiếc báo tin: