Nhà báo đồng hành cùng giáo dục trong kỷ nguyên số

GD&TĐ - Chiều 12/7, Hội Nhà báo TPHCM, Ban Tổ chức Cuộc thi viết về giáo dục TPHCM năm 2024 tổ chức tọa đàm “Nghề báo và giáo dục trong kỷ nguyên số”.

Lãnh đạo Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương; Hội Nhà báo TPHCM và Trung tâm phát triển GD&ĐT phía Nam chủ trì tọa đàm.
Lãnh đạo Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương; Hội Nhà báo TPHCM và Trung tâm phát triển GD&ĐT phía Nam chủ trì tọa đàm.

Đây là hoạt động nằm trong chương trình về nguồn với chủ đề “Ngòi bút nhà báo - Từ truyền thống đến tương lai số”, do Hội Nhà báo TPHCM và Ban Tổ chức Cuộc thi viết về giáo dục TPHCM năm 2024 tổ chức.

bao-chi-va-giao-duc-trong-ky-nguyen-so-6.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tại tọa đàm, ông Phạm Quý Trọng, Phó vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương cho rằng, báo chí vừa là kênh thông tin đồng thời là lực lượng đồng hành cùng cải cách giáo dục và lan tỏa tinh thần học tập suốt đời. Trong bối cảnh kỷ nguyên số, ông đề xuất ba định hướng: Kiên định với đạo đức nghề nghiệp; đổi mới hình thức truyền tải; tăng cường kết nối giữa báo chí - nhà trường - người học.

bao-chi-va-giao-duc-trong-ky-nguyen-so-4.jpg
Ông Phạm Quý Trọng phát biểu tại tọa đàm.

Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM cho biết, hiện nay các cơ quan báo chí tại TPHCM đang chủ động chuyển đổi số, song vẫn cần thêm hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật và dữ liệu dùng chung. Ông nhấn mạnh vai trò của lực lượng phóng viên trẻ, đồng thời cho biết Hội Nhà báo đang phối hợp mở các lớp tập huấn tác nghiệp số để nâng cao năng lực làm nghề trong môi trường mới.

bao-chi-va-giao-duc-trong-ky-nguyen-so-3.jpg
Ông Nguyễn Tấn Phong chia sẻ tại tọa đàm.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Nguyên Hãn, Giám đốc Công ty Tin học Đại Dương chia sẻ, báo chí cần đẩy mạnh tuyên truyền để học sinh, phụ huynh nâng cao nhận thức về vai trò của công nghệ thông tin và các ngành học mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo. Từ đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển sản phẩm, đồng hành với giáo dục.

Tại tọa đàm, các đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, phóng viên đã chia sẻ về các vấn đề như: Giáo dục là chìa khóa mở ra tương lai và báo chí có vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng giáo dục, góp phần xây dựng một xã hội học tập, một thế hệ trẻ tài năng, trí tuệ.

bao-chi-va-giao-duc-trong-ky-nguyen-so-5.jpg
Công ty Tin học Đại Dương chia sẻ tại tọa đàm.

Vì vậy nhà báo viết về giáo dục cần có cách nhìn mới, tôn vinh những tấm gương nhà giáo và cách làm hay, đồng thời nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa báo chí và nhà trường.

Ngoài ra, người làm báo trong thời đại số cần có kỹ năng nghề đa dạng, không chỉ viết tin bài mà còn biết quay, dựng video, dẫn chuyện... để đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của công chúng.

bao-chi-va-giao-duc-trong-ky-nguyen-so-1.jpg
Nhà báo Yến Hoa, Tạp chí Giáo dục TPHCM phát biểu tham luận.

Chia sẻ về chủ đề toạ đàm “Nghề báo và giáo dục trong kỷ nguyên số”, ông Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TPHCM cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ vào kỷ nguyên số, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đang chứng kiến sự bùng nổ của công nghệ và thông tin. Sự phát triển này không chỉ định hình lại cách sống, làm việc của từng cá nhân, tập thể mà còn tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực cốt lõi của xã hội, trong đó có báo chí và giáo dục.

Theo ông Tăng Hữu Phong, mối quan hệ giữa báo chí và giáo dục trong kỷ nguyên số trở nên chặt chẽ hơn bao giờ hết. Báo chí có vai trò quan trọng trong việc truyền tải tri thức, lan tỏa những mô hình giáo dục tiên tiến, đồng thời phản ánh những vấn đề, thách thức mà ngành giáo dục đang đối mặt.

bao-chi-va-giao-duc-trong-ky-nguyen-so-9.jpg
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại tọa đàm.

Ngược lại, giáo dục là nền tảng để đào tạo nên những thế hệ công dân có tư duy phản biện, kỹ năng số và đạo đức nghề nghiệp, những yếu tố then chốt để xây dựng một nền báo chí chất lượng và đáng tin cậy”, đồng chí Tăng Hữu Phong nhấn mạnh.

Trước đó, ngày 11/7, các đại biểu, nhà báo đã đến thăm Trường Dục Thanh (Phan Thiết, tỉnh Lâm Đồng), tìm hiểu về không gian nơi Bác Hồ - Người thầy, nhà báo, nhà cách mạng lỗi lạc - từng sống và giảng dạy vào năm 1910; giao lưu tìm hiểu về “Hành trình Người thầy vĩ đại”, “Theo dấu Người xưa soi sáng hôm nay”.

Theo Ban Tổ chức Cuộc thi viết về giáo dục TPHCM năm 2024, chuyến đi về nguồn dành cho các nhà báo đoạt giải báo chí viết về giáo dục năm 2024 không chỉ là cơ hội để tôn vinh những nhà báo có đóng góp nổi bật trong truyền thông giáo dục, mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội.

1.jpg
Các nhà báo trong chuyến về nguồn tại Trường Dục Thanh

Ông Nguyễn Tấn Phong, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM cho rằng, đây là hoạt động có ý nghĩa, không chỉ giúp người làm báo mảng giáo dục thành phố gắn kết, giao lưu, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý tưởng chính trị mà còn đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ