Phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0

GD&TĐ - Trong khuôn khổ chương trình diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất năm 2018 đang diễn ra tại thành phố Đà Nẵng, ngày 28/11, 200 trí thức trẻ xuất sắc của đất nước đang sống và làm việc tại 21 quốc gia trên thế giới tham gia các phiên thảo luận xoay quanh chủ đề "Phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0".

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận Thúc đẩy STEM trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận Thúc đẩy STEM trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất năm 2018 được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức, với mục đích tạo diễn đàn để trí thức trẻ đang sinh sống ở nước ngoài và các trí thức trẻ trong nước thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ người Việt trong công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng của Việt Nam với khu vực và toàn cầu.

Thảo luận và đề xuất các cơ chế thu hút, phát huy người tài một cách thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích tri thức trẻ Việt chủ động, nỗ lực cống hiến đóng góp cho sự nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước; đề xuất, sáng kiến, giải pháp đóng góp cho Chính phủ trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia.

Diễn đàn cũng là kênh tham vấn để Chính phủ và các cơ quan chức năng đặt hàng đội ngũ trí thức hoặc tham vấn các tri thức trẻ về các vấn đề cần thiết cho sự phát triển của đất nước.

Với chủ đề "Phát huy sức mạnh trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0", Diễn đàn tập trung thảo luận vào ba nội dung chính: Thúc đẩy STEM trong xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; Công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh.

Khẳng định vai trò thúc đẩy STEM để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong trong phát triển Cách mạng Công nghiệp 4.0, nhiều đại biểu nhìn nhận: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tác động trực tiếp tới Việt Nam. Để nắm bắt được các cơ hội mà cuộc cách mạng này mang tới, cần đẩy mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam.

Nguồn nhân lực trong tương lai cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng thiết yếu để sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0. Ngoài những kiến thức nền tảng về ICT, thế hệ trẻ cần có kỹ năng thiết yếu như: Kỹ năng tư duy; kỹ năng làm việc; kỹ năng sử dụng các công cụ làm việc; kỹ năng sống trong xã hội toàn cầu. Đây là những kỹ năng của công dân thế kỷ 21.

Phiên thảo luận Công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
 Phiên thảo luận Công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Giáo dục STEM sẽ trang bị những kiến thức và kỹ năng cho công dân thế kỷ 21. Giáo dục STEM có thể được hiểu là trang bị kiến thức và kỹ năng cho người học liên quan đến khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học thông qua giải quyết các vấn đề thực tiễn ngoài cuộc sống, vận dụng các kiến thức tổng hợp từ các lĩnh vực này.

Giáo dục STEM thu hẹp khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có khả năng làm việc tức thì, có tính sáng tạo cao.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục STEM, ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, chia sẻ: Công nghệ là chìa khóa mở ra nhiều cơ hội khác nhau cho sự tăng trưởng và phát triển.

Để Việt Nam vươn lên và tỏa sáng trong cuộc đua chuyển đổi, công tác nuôi dưỡng tri thức của thế hệ trẻ với STEM cần được ưu tiên hàng đầu trong hiện tại và tương lai.Nhiệm vụ này cần được ưu tiên thực hiện và triển khai. Hơn nữa, các hoạt động cần được mở rộng và bao gồm tất cả mọi người, kể cả phụ nữ và người khuyết tật.

Cùng sự nhìn nhận, bà Tô Kim Liên - Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), cho rằng: Để thúc đẩy STEM, cần có sự kết hợp từ chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội để hỗ trợ các cơ sở giáo dục và đào tạo. Cần có sự hiểu biết chung về STEM và làm thế nào để đẩy mạnh giáo dục STEM ở Việt Nam là rất cần thiết. Vì chỉ có như vậy mới có thể xây dựng được đội ngũ trẻ có đủ kỹ năng trong xã hội hiện đại ngày nay. Cần có sự hợp tác nhiều hơn giữa các đối tác ở cả khu vực công, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội thì lĩnh vực này mới có thể phát triển.

Tham gia bàn thảo về nội dung “Công nghệ 4.0 trong bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”, các trí thức trẻ đã nêu lên những vấn đề biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang và sẽ sớm gánh chịu tác hại; những công nghệ mới sẽ được áp dụng như thế nào tại Việt Nam;…

Các đại biểu tham gia thảo luận.
 Các đại biểu tham gia thảo luận.

Theo TS Nguyễn Tuệ Anh (Anh Quốc), Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Điều này mang đến những thách thức lớn cho Chính phủ trong việc lựa chọn chính sách cân bằng giữa phát triển kinh tế, gia tăng sản xuất,tăng công ăn việc làm với những chính sách thay đổi.

Chính phủ cần đưa ra chiến lược tổng thể từ trung ương đến địa phương như: lên kế hoạch tập trung phát triển năng lượng tái tạo, chiến lược cụ thể cho từng ngành công nghiệp dịch vụ, các khu vực sản xuất, vùng miền thích hợp và chiến lược phát triển công nghệ để đảm bảo hiệu suất sản xuất với chi phí môi trường thấp nhất.

TS Nguyễn Tuệ Anh nhấn mạnh: Chính phủ cần bàn về chiến lược thúc đẩy nghiên cứu khoa học về giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tìm nguồn năng lượng mới và hóa chất thân thiện với môi trường. Hành động thực hiện để giảm lượng khí thải carbon, như đầu tư vào công nghệ xanh, cũng có thể giảm chi phí và tăng công ăn việc làm.

Dựa trên môi trường kinh doanh và chính sách thúc đẩy của nhà nước, doanh nghiệp cần gánh trách nhiệm xã hội trong việc tổ chức sản xuất giảm thiểu khí thải carbon và ô nhiễm môi trường. Hành động của các cá nhân trong xã hội cũng là thành phần quan trọng góp phần giảm thiểu hoặc làm giản đi những biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ nhất năm 2018, ngày mai (29/11) sẽ tiếp tục diễn ra Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề: Tìm giải pháp đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam và Ra mắt mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam toàn cầu.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ