Những chính sách mới về nhà giáo hoàn thiện cơ sở pháp lý

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (đoàn Hưng Yên) cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã cơ bản thể chế hóa quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Dự thảo cũng bổ sung nhiều chính sách mới và các quy định liên quan đến người dạy và người học.

Những chính sách mới về nhà giáo hoàn thiện cơ sở pháp lý

Nâng chuẩn trình độ GV mầm non

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm và còn có ý kiến khác nhau là chính sách nâng chuẩn trình độ giáo viên (GV) mầm non, tiểu học. Xin cho biết quan điểm của bà về quy định mới này?

Tại Điều 72 về trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, Khoản 1, Điểm a có quy định có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm đối với GV mầm non; có bằng tốt nghiệp ĐH sư phạm với GV tiểu học. Hiệu lực thi hành quy định này được ghi trong dự thảo Luật là từ 1/1/2026. Theo tôi, chính sách này là hợp lý và phù hợp với giai đoạn hiện nay, bởi:

Theo báo cáo tác động chính sách thì tổng số GV tiểu học cả nước là 396.203; trong đó có 236.269 GV (59,63%) đạt trình độ đào tạo từ ĐH sư phạm trở lên. Như vậy, còn 40,36% (359.495 GV) chưa đạt. Với GV mầm non, nếu theo quy định của Luật thì hiện số GV mầm non chưa đạt chuẩn là 107.150 người, chiếm 33,8%; tính đến thời điểm Luật có hiệu lực thì còn khoảng 80.000 người.

Nhìn vào số liệu có thể nhận thấy, trình độ, năng lực của GV cơ bản đáp ứng được yêu cầu; tuy nhiên vẫn còn tình trạng chất lượng chuyên môn của GV còn hạn chế, trình độ năng lực của GV chưa đồng đều, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của GV chưa kịp thời, cần phải đào tạo nâng chuẩn.

Do đặc thù của nhà giáo là không ngừng học tập nâng cao trình độ, năng lực của bản thân để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục, cho nên các cơ sở giáo dục luôn có chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho GV thực hiện nâng chuẩn. Mặt khác, hiện nay có nhiều hình thức đào tạo theo hướng mở liên thông, đặc biệt với sự hỗ trợ của công nghệ 4.0 thì việc GV tham gia nghiên cứu học tập nâng chuẩn là dễ dàng thực hiện.

Từ những lập luận trên, tôi cho rằng chính sách nâng chuẩn cho GV cấp mầm non và cấp tiểu học là khả thi, Chính phủ cần có lộ trình từng bước thực hiện chính sách này.

Quy định đãi ngộ, ưu đãi nhà giáo trong Luật

Cũng liên quan đến nhà giáo, GV, cán bộ quản lý giáo dục cả nước kỳ vọng Luật Giáo dục sửa đổi sẽ quan tâm đến chính sách, thu nhập của nhà giáo, giúp họ yên tâm cống hiến. Vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là nhà giáo, bà mong mỏi gì với nội dung này trong Luật?

Điều mà lực lượng GV, cán bộ quản lý giáo dục quan tâm, kỳ vọng nhiều là chế độ chính sách quy định tại Điều 76. Hiện tại dự thảo Luật, nội dung này quy định: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.

Rà soát các quy định của Chính phủ về vấn đề này thì có hai văn bản mới nhất được ban hành có liên quan là: Nghị quyết số 27- NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương và mới đây nhất là Nghị quyết số 107/ NQ-CP (ngày 16/8/2018) về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 27.

Những quy định, hướng dẫn thực hiện ở hai Nghị quyết này áp dụng chung cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và chưa thể hiện rõ sự nâng tầm vị thế của nhà giáo như quan điểm của Đảng và Nhà nước "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" và Nghị quyết 29-NQ/TW yêu cầu: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Trong Nghị quyết số 27- NQ/TW có quy định: Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của cán bộ công chức viên chức có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước: Bồi dưỡng, họp, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, hội thảo... và bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu). Như vậy thậm chí sự ưu đãi cho giáo dục còn bị cắt giảm so với trước đây.

Để giáo viên sống được bằng nghề

Phải nhìn nhận một thực tế, đời sống thu nhập của GV là thấp. GV nhiều bộ môn, nhiều cấp học không thể sống chân chính được bằng nghề. Thậm chí với GV còn trong diện hợp đồng ở mầm non, tiểu học được trả mức 1,85 nhân mức lương cơ bản; cấp THCS hệ số 2,1nhân mức lương cơ bản, họ không được đóng bảo hiểm, không có phụ cấp đứng lớp. Có nghĩa là, với GV mới vào nghề, hay diện hợp đồng ngắn hạn thì thu nhập chính trong một tháng hiện nay dao động khoảng 2.585.000 đồng - 3.500.000 đồng.

Thiết nghĩ với mức thu nhập như vậy, lại không có sự ưu đãi, không có khoản thu nhập nào khác thì liệu rằng họ có thể sống được bằng nghề hay không, có thể dành tâm huyết cả cuộc đời cho nghề hay không khi cuộc sống luôn canh cánh mối lo cơm áo gạo tiền?

Bên cạnh đó, cần phải khẳng định rằng, yếu tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới, của cải cách giáo dục chính là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trong ngành. Họ là đối tượng chịu tác động và cũng là đội ngũ đưa Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đi vào cuộc sống. Chưa nói đến việc chúng ta vẫn loay hoay với bài toán thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm, mà chưa nhìn vào nhu cầu thiết thực nhất là họ ra trường được đảm bảo việc làm, có điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ tốt chính là đáp án của bài toán này.

Tôi tha thiết đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lại điều này, đề nghị Ban soạn thảo luật hóa những quy định liên quan đến chế độ đãi ngộ, ưu đãi đối với nhà giáo tại Điều 76 trong Luật để kịp thời động viên tạo động lực, tạo không khí phấn khởi cho toàn bộ GV trong ngành Giáo dục; để thêm một lần nữa khẳng định giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Xin cảm ơn bà!

Dự thảo Luật tập trung vào đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, tăng tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, hoàn thiện cơ sở pháp lý về giáo dục phù hợp với Hiến pháp 2013, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.