Những rào cản cho phát triển
Là một tỉnh miền núi biên giới thuộc diện nghèo nhất nước, lại thêm điều kiện địa lý – khí hậu khắc nghiệt là những rào cản để Lai Châu phát triển. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đối với giáo dục và đào tạo, trong đó có vấn đề xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đối với tỉnh Lai Châu, việc xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời càng có ý nghĩa lớn hơn.
Kể từ khi thành lập đến nay, tỉnh Lai Châu đã có những bước phát triển đáng kể khi tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm qua luôn đạt mức 9% - 11%/năm. Đặc biệt, năm 2015 ra khỏi tình trạng tỉnh kém phát triển. Nếu như thu ngân sách năm 2004 tỉnh này mới đạt 29 tỷ đồng thì năm 2017 đã đạt hơn 2.000 tỷ đồng (tăng gần 100 lần). Toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học năm 2000, phổ cập THCS năm 2009 và phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non 5 tuổi năm 2015.
Để tiếp tục phát triển bền vững với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Lai Châu, việc trang bị kiến thức cho người lớn, tạo điều kiện cho người dân được học tập liên tục, suốt đời là điều hết sức cần thiết. Theo ông Vũ Văn Hoàn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lai Châu: Toàn tỉnh hiện đang tập trung phát huy các lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội như: Phát triển nông nghiệp chất lượng cao với các sản phẩm như lúa, chè, mắc-ca, dược liệu...
Tiềm năng thủy điện, kinh tế biên mậu, du lịch sinh thái... là rất nhiều. Điều đó đặt ra đối với việc đáp ứng nhân lực cho các lĩnh vực này, thực tế cho thấy nhu cầu học tập trong mỗi cán bộ người dân là rất lớn. Vấn đề đặt ra là cần có cơ sở thực tiễn cho xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời, đặc biệt là việc tạo điều kiện học tập cho người lớn, góp phần nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo GS. TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam: Lai Châu là một vùng đa sắc màu các dân tộc thiểu số, tiềm năng phát triển kinh tế thì lớn, nhưng điều kiện phát triển còn hạn hẹp so với các tỉnh bạn trong vùng như Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và Điện Biên. Với giáo dục người lớn, việc học tập hết sức khó khăn.
Ở các xã vùng cao, tỷ lệ cán bộ/công chức có trình độ chuyên môn theo quy định của Nhà nước đạt khoảng 40%, số lao động nông thôn tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng để cập nhật tri thức mới, tiếp cận với công nghệ sản xuất mới cũng chỉ đạt tỷ lệ 70%. Tỷ lệ cán bộ có trình độ sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ theo yêu cầu Nhà nước đặt ra là rất thấp (và tuy chưa có thống kê cán bộ dân tộc thiểu số về lĩnh vực này nhưng chắc là còn quá thấp).
Chìa khóa là học tập liên tục, suốt đời
Thách thức đặt ra với Lai Châu là việc đào tạo cho người lớn có đủ kiến thức kỹ năng đáp ứng thời cuộc, khi quỹ thời gian của họ hạn chế. Để làm được việc này, cần xây dựng hệ thống các cơ sở giáo dục thường xuyên để kết nối và sự tham gia của các trường đại học nhằm cung cấp nhân lực, trí tuệ, tạo môi trường học tập mọi lúc, mọi nơi, mọi trình độ… cho người dân.
Nhất là xây dựng nền giáo dục chia sẻ để người dân có điều kiện học tập tốt hơn, góp phần xây dựng xã hội học tập. Với một tỉnh địa bàn miền núi còn khó khăn, công nghệ 4.0 giúp tạo cơ hội học tập thuận lợi hơn, người dân có điều kiện tiếp cận với việc học thông qua các TTGDTX, được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng.
TS Trương Tiến Tùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội khẳng định: Chìa khóa tốt nhất để nâng cao năng lực lao động cho người lớn ở Lai Châu chính là việc tạo cơ hội cho mọi người dân được học tập liên tục và suốt đời. Để thực hiện được mục tiêu này thì vai trò của các trường đại học là rất lớn trong việc tạo điều kiện cho người dân được học mọi lúc, mọi nơi. Các nhà khoa học, các nhà quản lý đào tạo hãy cùng hiến kế, giúp sức để người dân Lai Châu có điều kiện tiếp cận tốt hơn với cơ hội học tập.
“Tất cả tài nguyên đều có thể cạn kiệt, chỉ có trí tuệ con người nếu được khai thác hiệu quả sẽ trường tồn – việc trang bị kiến thức, năng lực đủ đáp ứng sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và kinh tế, xã hội là chúng ta trao cho người dân cái cần câu để họ kiếm ăn hàng ngày thay bằng chỉ là con cá cho qua bữa” - TS Trương Tiến Tùng nhấn mạnh.
Trong kỷ nguyên của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Lai Châu không thể đứng ngoài dòng chảy của kinh tế tri thức. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực lao động của địa phương, muốn làm được điều đó rất cần sự vào cuộc với quyết tâm chính trị lớn, cũng như tư duy năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh Lai Châu.
Đặc biệt là nỗ lực từ mỗi người dân – hơn ai hết chính họ mới là người quyết định con đường riêng cho mình, mà xã hội học tập là kim chỉ nam tạo điều kiện cho mỗi người được học tập liên tục và suốt đời, tạo điều kiện cho mỗi con người phát huy được những năng lực cá nhân, sáng tạo và năng động, gắn kết với nhau, để cùng xây dựng Lai Châu phát triển bền vững.n