Nữ sinh vùng cao tự chế giàn phơi quần áo thông minh

GD&TĐ - Giàng Thị Dinh, học sinh lớp 9, Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hầu Thào (thị xã Sa Pa – Lào Cai) đã chế tạo thành công sản phẩm “Giàn phơi quần áo thông minh cho học sinh bán trú”.

Thầy và trò ứng dụng lý thuyết nhiều môn học vào thực hành sản phẩm. Ảnh: NTCC
Thầy và trò ứng dụng lý thuyết nhiều môn học vào thực hành sản phẩm. Ảnh: NTCC

Sản phẩm có tính ứng dụng cao, góp phần khuyến khích phong trào sáng tạo trong học tập.

Nâng chất đời sống học sinh bán trú

Nói về ý tưởng lắp ráp “Giàn phơi thông minh cho học sinh bán trú”, em Giàng Thị Dinh chia sẻ: Hoạt động giặt giũ quần áo không thể thiếu đối với học sinh (HS) bán trú khi học tập xa gia đình. Các chuyên gia y tế và thầy cô cũng chỉ ra việc giặt giũ sạch sẽ chăn màn, quần áo sẽ tránh cho HS khỏi tình trạng quần áo ẩm mốc, vi khuẩn sinh sôi gây bệnh, mùi hôi khó chịu.

Từ quá trình sinh hoạt bán trú em cũng nhận thấy, khi phơi quần áo gặp trời mưa thì khả năng nhiễm khuẩn cao vì vi khuẩn “hợp” với môi trường ẩm mốc. Trong khi đó, tại Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hầu Thào với đặc thù trường liên cấp, số lượng HS bán trú đông (320 HS), nhu cầu giặt, phơi khô quần áo rất thiết yếu.

Mặt khác, với đặc thù khí hậu Sa Pa nắng mưa bất chợt, nhiều mây mù… Những cơn mưa ập tới khi quần áo đang phơi, HS học trên lớp… không thể về kịp để thu quần áo dẫn tới tình trạng, quần áo phơi nhiều ngày không khô, không có đồ để thay thường xuyên, quần áo không sạch thơm, thậm chí nhiều HS phải mặc đồ ẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe…

“Từ thực tế đó, dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Lê Thắng Trung, em đã tìm hiểu và quyết định lắp ráp giàn phơi thông minh nhằm khắc phục những bất cập, nâng cao chất lượng đời sống bán trú...

Em mong muốn với sự tiện lợi và khả năng diệt khuẩn từ giàn phơi thông minh sẽ giúp quần áo của HS bán trú tránh được vi khuẩn lây nhiễm bệnh, tăng cường sức khỏe”, Dinh bày tỏ. Chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, thầy trò bắt tay vào nghiên cứu và lắp ráp, sản phẩm “Giàn phơi thông minh cho học sinh bán trú” đã hình thành.

Thầy giáo hướng dẫn Lê Thắng Trung cho biết: Hiện có nhiều sản phẩm giàn phơi được bán thương mại nhưng giá thành cao, đòi hỏi điều kiện lắp đặt phức tạp. Trong khi đó, môi trường sống của HS bán trú khác biệt, nhiều khi các em đơn giản chỉ phơi quần áo trên bờ rào, vắt lên rìa hành lang… Vì vậy, giàn phơi thông minh với tính ứng dụng cao sẽ phù hợp hơn với đặc thù đời sống của HS bán trú vùng cao.

Thầy Lê Thắng Trung hướng dẫn HS Giàng Thị Dinh lắp ráp “Giàn phơi thông minh cho học sinh bán trú”. Ảnh: NTCC
Thầy Lê Thắng Trung hướng dẫn HS Giàng Thị Dinh lắp ráp “Giàn phơi thông minh cho học sinh 
bán trú”. Ảnh: NTCC

Đẩy mạnh ứng dụng STEM

“Giàn phơi thông minh cho học sinh bán trú” đã đoạt giải Ba tại Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng thị xã Sa Pa (Lào Cai) năm 2021. Sản phẩm được đánh giá cao bởi thay thế cho dây phơi truyền thống, giúp HS yên tâm trong suốt quá trình học tập trên lớp dù quần áo đang phơi ngoài trời.

Cụ thể, quần áo treo lên khung và được kéo ra phơi, khi có mưa hoặc mưa phùn cảm biến mưa sẽ hoạt động, gửi tín hiệu đến mô-đun điều khiển. Trên cơ sở đó, quần áo được thu lại vào trong khung. Khi thời tiết khô ráo, quần áo được tự động kéo ra phơi.

Giàng Thị Dinh chia sẻ: Bước vào nghiên cứu và lắp ráp sản phẩm, em mong muốn việc phơi quần áo của HS bán trú vùng cao sẽ thuận tiện hơn, tiết kiệm thời gian phơi, quần áo luôn sạch sẽ, khô ráo không bị nhiễm khuẩn. Cũng chính vì vậy, sản phẩm đã được thầy, trò thiết kế, chế tạo đơn giản, có thể lắp ráp dễ dàng, kinh phí ít. Mặt khác, phải làm sao để sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tận dụng lại các vật liệu sẵn có như ống nhựa PC, tre trúc, ống sắt để thi công.

Vì được thiết kế cho HS tiểu học và THCS bán trú nên thầy Trung và học trò Giàng Thị Dinh đều hướng đến vận hành máy móc đơn giản, giá thành rẻ, hiệu năng cao… để có thể sản xuất hàng loạt và nhân rộng ra các trường. Đặc biệt, thông qua việc lắp ráp, chế tạo sản phẩm giúp nhiều HS có thêm “sân chơi”, tăng cường ứng dụng giữa lý thuyết môn Toán, Lý, Công nghệ… trên sách vở vào thực tế đời sống.

Thầy Lê Thắng Trung chia sẻ: Để hoàn thiện một sản phẩm chỉ mất 500 nghìn đồng mua vật liệu (khung giàn phơi, cảm biến mưa, mô-đun khiều khiển, mô-tơ, nguồn…) còn lại tận dụng vật liệu phế thải có sẵn thì quan trọng GV và HS phải có ý tưởng, tự nghiên cứu tài liệu liên quan để phát triển và vận dụng. Trong quá trình triển khai, GV không thể là người làm giúp HS mà cần thông qua thực hành để hướng dẫn, truyền tải đến HS cách áp dụng lý thuyết vào thực tế… “GV chỉ là người khơi gợi ý tưởng, hướng dẫn để HS thực hành chứ không làm thay việc…”, thầy Trung nói.

Từ “Giàn phơi thông minh cho học sinh bán trú” cho thấy, chỉ cần những ý tưởng và sản phẩm ở quy mô phù hợp thì HS dân tộc, vùng khó vẫn có khả năng hoàn thành tốt. Quan trọng là, thầy cô giúp HS hình thành đam mê với khoa học và chỉ bảo tận tình. Trong điều kiện thực tế, HS, GV sẽ có những ý tưởng sáng tạo, linh hoạt, thiết thực phù hợp với đặc thù đời sống, trường lớp…

Thầy Liễu Tiến Sơn - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hầu Thào - cho biết: Nhà trường đánh giá cao tinh thần sáng tạo của HS Giàng Thị Dinh và thầy Lê Thắng Trung. Sản phẩm không chỉ thiết thực, ý nghĩa cho hoạt động bán trú, mà còn khích lệ GV và HS khác của trường với hoạt động này. Nhà trường sẽ khuyến khích, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian để HS, GV nhà trường phát huy khả năng, trí tuệ, đưa lý thuyết sách vở vào thực tiễn. 

Do đặc thù khí hậu, thời tiết vùng cao nên việc giặt và phơi quần áo của HS bán trú khá vất vả. Chính vì vậy, khi giàn phơi thông minh khi đưa vào lắp ráp, sử dụng phổ biến tại trường sẽ giúp cuộc sống bán trú tăng thêm điều kiện đảm bảo sức khỏe, em và các bạn yên tâm hơn trong quá trình lên lớp học tập. Giàn phơi thông minh có giá thành không đắt, cách lắp ráp không khó. Em sẽ cố gắng hỏi thêm thầy hướng dẫn để nắm bắt công nghệ áp dụng lắp đặt cho gia đình sử dụng. -Giàng A Minh (Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Hầu Thào)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.