Nữ sinh dân tộc Khơ Mú tốt nghiệp Đại học xuất sắc

GD&TĐ - Đó là cô gái đến từ vùng rẻo cao xứ Nghệ - Xeo Thị Phon – cử nhân xuất sắc Khoa giáo dục chính trị, Đại học Vinh.

Nữ sinh dân tộc Khơ Mú tốt nghiệp Đại học xuất sắc

Món quà tặng mẹ của cô gái vùng cao

Tại đêm vinh danh và trao bằng tốt nghiệp cho 22 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc Khóa 54 (Trường Đại học Vinh), Xeo Thị Phon là cái tên được mọi người đặc biệt chú ý và khâm phục. Bởi sự nỗ lực của cô gái tộc người Khơ Mú ở vùng cao xứ Nghệ, liên tục trong suốt 4 năm học luôn đạt được kết quả học tập, rèn luyện đáng nể.

Xúc động khi mặc áo cử nhân nhận bằng tốt nghiệp trong lễ bế giảng, Xeo Thị Phon chỉ biết nói: Em hạnh phúc lắm! Đây là món quà em muốn dành cho mẹ, mẹ không đến được với em hôm nay, nhưng em biết mẹ mừng lắm, vì mẹ chỉ mong em học thật giỏi để thay đổi cuộc sống nơi bản làng nghèo khó của mình. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã dạy bảo và giúp đỡ em…”.

Cô gái người Khơ Mú sinh ra ở bản Lở, xã Xá Lượng huyện Tương Dương, nơi trước đây từng là thủ phủ của ma túy, đời sống hết sức nghèo nàn, lạc hậu. Bố mẹ chia tay nhau từ khi Phon còn nhỏ. Em lớn lên thiếu vắng sự quan tâm người cha, thấu hiểu sự nhọc nhằn, vất vả của mẹ. Giữa những khó khăn đó, cô bé đen nhẻm, khẳng khiu tìm thấy niềm vui từ những buổi đến trường, học chữ với thầy cô, bạn bè. Những năm phổ thông, nhiều năm liên tục Phon là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Em cũng đã nhiều lần được tham dự các cuộc thi học sinh giỏi huyện.

Cũng phải nói thêm rằng, ở xã Xá Lượng, con gái “học nhiều” như Phon rất ít, những đứa trẻ thường chỉ học hết cấp II là nghỉ học. Chưa kể nhiều bạn gái đến lứa tuổi 14, 15 là tính chuyện lấy chồng theo phong tục tập quán lâu đời ở vùng cao này. Nhưng Phon lại khác, em quyết tâm vào cấp 3, học tại trường THPT Tương Dương 1. Mẹ Phon cũng muốn em được học đến nơi đến chốn chứ không muốn em nghỉ học ở nhà đi rẫy sớm. Trước kia, mẹ đã không được đi học, sau này, nhờ những lớp học xóa mù mà mẹ mới bắt đầu biết chữ. Vì thế, mẹ không muốn em thất học như mẹ ngày xưa, mà học để hiểu biết, sau này có việc làm, sống khác đi cuộc sống của mẹ.

Mang theo cả ước mơ của mẹ, Phon nỗ lực gấp năm, gấp mười lần so với các bạn cùng trang lứa. Và sau 12 năm phổ thông, cô gái người Khơ Mú đã thi đậu Đại học, bước chân từ rừng xuống phố, học tiếp.

Và rồi, cô bé đã không làm mẹ, thầy cô và bạn bè thất vọng khi sau 4 năm học điểm tổng kết học tập cả khóa đạt 8,47/10 điểm (hệ 4 là 3,66/4). Phon cũng tham gia và đạt giải cao tại các cuộc thi về Olympic Sinh viên, thi nghiệp vụ sư phạm, tham gia các công trình nghiên cứu khoa học; Đạt danh hiệu nữ sinh tiêu biểu Trường Đại học Vinh năm học 2014 – 2015; Giành học bổng Kova lần thứ 14 ở hạng mục sinh viên Nghị lực vượt khó học giỏi năm 2016…

“Không phải vào nhà nước mới ổn định”

Tiếp xúc với Xeo Thị Phon, tân cử nhân khiến người đối diện không khỏi ngạc nhiên vì sự chín chắn và tự chủ của mình. Nhớ lại cách đây 4 năm, lúc ấy Phon thi ĐH cả khôi A và khối C. Trong đó, khối A cô nữ sinh vùng cao trúng tuyển vào ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Công Đoàn, còn khối C trúng tuyển vào khoa Giáo dục chính trị, Đại học Vinh. “Khi có kết quả thi, em đã quyết định học ĐH Vinh. Có nhiều lý do để em lựa chọn, vì kinh tế gia đình, muốn gần gũi mẹ là một phần, nhưng lý do lớn hơn là em muốn được học về chính trị.

Thời điểm đó, vấn đề chính trị, các tầng lớp giai cấp, các tộc người trong cộng đồng, hay như nhận thức về tệ nạn xã hội tại vùng cao quê em còn rất hạn chế và mơ hồ. Vì thế, em muốn học trước hết là để biết, nâng cao nhận thức của mình, để lý giải những điều mà mình thắc mắc, sau đó trở về phục vụ quê hương.

Vào trường đại học, nhiều câu hỏi của mọi người vẫn cứ đuổi theo cô nữ sinh người Khơ Mú: Học chính trị để làm gì? Chỉ toàn là lý thuyết suông? Người ta thường học kinh tế, học luật để có cái nghề, sau đó theo đuổi chính trị chứ có mấy ai bắt đầu từ chính trị?

Tuy nhiên, Phon vẫn vững vàng, tìm thấy sự hứng thú, đam mê trong ngành học mình lựa chọn, mà theo em đó là lý do để em luôn học tập, tìm hiểu nghiêm túc, để đạt và duy trì kết quả cao suốt 4 năm học.

Với cô gái, chính vì học chính trị, mà em đã có sự quan tâm và hiểu biết về nhiều vấn đề xã hội, văn hóa, đời sống, kinh tế… Đó là vốn kiến thức bổ ích làm nền tảng cho em sau này tìm kiếm công việc cho mình.

Được biết, ngoài việc học, Phon là một trong những thành viên tích cực trong hoạt động đoàn, thanh niên tình nguyện, giúp đỡ các bạn sinh viên là Lào trong học tập. Ngoài ra, Phon cũng đi làm thêm, từ bán hàng, dọn vệ sinh cho các gia đình, nhận tranh về thêu… đỡ đần chi phí cho mẹ và để biết “đồng tiền không dễ dàng kiếm được”.

Tốt nghiệp Đại học với tấm bằng xuất sắc Xeo Thị Phon mong muốn tìm được công việc phù hợp với mình. Cũng không ít lời đã cảnh báo trước cho Xeo Thị Phon “thực tế xã hội không phải màu hồng” như khi còn học đại học, nhưng cô gái đã sớm chuẩn bị tinh thần cho mình: Ra trường, em đã làm đơn xin tham gia các hoạt động tình nguyện ở vùng sâu, vùng xa. Sinh ra từ bản làng Tương Dương nên chỉ muốn được về quê lập thân, lập nghiệp, làm điều gì đó cho quê hương mình phát triển.

“Rất nhiều người, kể cả ngay trong bản làng nơi em sống cũng cho rằng, chỉ có làm việc trong cơ quan nhà nước, có biên chế thì mới yên ổn nhưng em không nghĩ thế. Xã hội bây giờ là xã hội đầy cạnh tranh nhưng cũng lắm cơ hội. Nếu mình có chuyên môn, nghị lực và ý chí thì sẽ tìm được công việc có thu nhập, chứ không nhất thiết phải “vào nhà nước”. Kể cả vận dụng những hiểu biết của mình, mở trang trại chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế cũng là một cách để làm chủ cuộc sống của mình…”, Xeo Thị Phon nói.

Nữ sinh dân tộc Khơ Mú tốt nghiệp Đại học xuất sắc ảnh 1Nữ sinh dân tộc Khơ Mú tốt nghiệp Đại học xuất sắc ảnh 2Nữ sinh dân tộc Khơ Mú tốt nghiệp Đại học xuất sắc ảnh 3

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.