Học sinh Hưng Yên chế tạo hạt nano bảo quản nhãn lồng

GD&TĐ - Với đề tài "Nghiên cứu chế tạo các hạt nano bạc nhằm ứng dụng phun tạo màng bảo quản trái cây", thuộc lĩnh vực khoa học vật liệu, hai học sinh Bùi Quang Minh và Phạm Tùng Lâm đến từ Trường THPT Chuyên Hưng Yên đã xuất sắc đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học khu vực phía Bắc năm học 2018-2019.

Bùi Quang Minh, Phạm Tùng Lâm cùng cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hưng Yên
Bùi Quang Minh, Phạm Tùng Lâm cùng cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy-Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hưng Yên

Thông thường, lĩnh vực khoa học vật liệu thường dành cho những học sinh lớp chuyên Vật lý hay Khoa học tự nhiên, nhưng hai bạn học sinh lại là những người “ngoại đạo”: Bùi Quang Minh là học sinh lớp 12 chuyên Sử Địa và Phạm Tùng Lâm là học sinh lớp 12 chuyên Tiếng Anh trường THPT chuyên Hưng Yên.

Minh và Lâm chia sẻ: Công nghệ nano đang phát triển rất mạnh và có rất nhiều ứng dụng trong đời sống. Một trong số các hạt nano thân thiện với môi trường và con người được ứng dụng rộng rãi hiện nay là nano bạc. Chúng có ưu điểm nổi bật đó là tính kháng khuẩn, nấm, vi rút. Đó là lí do chúng em chọn đề tài nghiên cứu về hạt nano bạc.

Sau khi chế tạo thành công hạt keo nano bạc có kích thước từ 5-25 nm, chúng em tiến hành làm thí nghiệm kháng khuẩn của các hạt keo nano bạc đối với một số loại vi khuẩn điển hình thường xâm nhập vào quả tươi để gây bệnh. Kết quả, vùng kháng khuẩn khá rộng với kích thước trung bình 12 mm.

Kết quả này cho thấy, nếu ta phun các hạt nano lên vỏ quả sau thu hoạch sẽ tạo một lớp màng vô khuẩn, giúp cho quả tươi được bảo quản lâu hơn. Chúng em hi vọng từ nghiên cứu này sẽ giúp cho quả nhãn Hưng Yên được bảo quản lâu hơn, tăng giá trị kinh tế cho loại quả này.

Minh và Lâm cho biết thêm: Để có được kết quả nghiên cứu thành công có phần giúp đỡ động viên rất lớn của cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Thúy, cô giáo hướng dẫn Nguyễn Vũ Ánh Tuyết và thầy cố vấn Vũ Xuân Hòa đến từ Đại học Thái Nguyên.

Minh và Lâm trong phòng thí nghiệm
Minh và Lâm trong phòng thí nghiệm

Các thầy giáo, cô giáo cùng toàn thể ban giám hiệu nhà trường đã tạo điều kiện cho em tham gia cuộc thi cũng như hỗ trợ chúng em rất nhiều về mặt kiến thức cũng như tinh thần từ khâu chuẩn bị đề tài cho đến lúc dự thi và chia sẻ với chúng em những khó khăn tưởng như không thể vượt qua và cả những niềm vui, hạnh phúc khi nhận giải.

Được biết, Trường THPT chuyên Hưng Yên đã kí kết thỏa thuận với Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên về hợp tác trong đào tạo khoa học và công nghệ. Nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giảng viên Đại học Thái Nguyên, thầy trò trường THPT chuyên Hưng Yên đã có cơ hội tiếp xúc với những phòng thí nghiệm và mày móc hiện đại phục vụ nghiên cứu, chế tạo.

Trong thời gian thực hiện đề tài, vào chiều thứ bảy mỗi tuần, cô giáo Nguyễn Vũ Ánh Tuyết cùng Minh và Lâm đi xe buýt lên Thái Nguyên để làm thí nghiệm. Cùng với sự giúp đỡ tận tình của thầy Vũ Xuân Hòa cùng các thầy cô khác tại Đại học Thái Nguyên, các ý tưởng khoa học dần được củng cố vững chắc.

Cô Nguyễn Vũ Ánh Tuyết- giáo viên hướng dẫn đề tài cho biết: Tính sáng tạo của đề tài là tạo ra chế phẩm sinh học từ nano bạc và tinh bột sắn, bảo đảm an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Sản phẩm được chế tạo theo dạng dung dịch không mùi dễ dàng cho bà con áp dụng. Đây sẽ là phương pháp hữu dụng trong việc bảo quản sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là quả nhãn tươi, một trong những nông sản nổi tiếng của tỉnh Hưng Yên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.