Cần Thơ: Trường nghề tăng “ưu đãi” để hút sinh viên

GD&TĐ - Trước cạnh tranh về tuyển sinh, các trường nghề ở TP Cần Thơ tăng sức hút bằng những ưu đãi và đào tạo. Sự đầu tư bài bản về nhân lực, vật lực, đổi mới đào tạo nhằm vực dậy vai trò trường nghề…

Nhiều HS chọn học nghề vì có thể tham gia thị trường lao động phổ thông ngay khi học xong.
Nhiều HS chọn học nghề vì có thể tham gia thị trường lao động phổ thông ngay khi học xong.

“Hút” thí sinh bằng chất lượng đào tạo

TP Cần Thơ hiện có 11 trường cao đẳng và phân hiệu trường cao đẳng. Thành phố cũng có hàng chục trường đào tạo nghề từ trình độ trung cấp đến cao đẳng. Để thu hút thí sinh, các trường cạnh tranh khá gay gắt. Trong đó, trường nghề thường gặp khó vì nhu cầu học nghề của thí sinh không cao. Tâm lý của phụ huynh, học sinh chủ yếu mong muốn học đại học chứ không chọn học nghề… Để tháo gỡ khó khăn, nhiều trường nghề tạo sức hútbằng giải pháp tổ chức nhiều hình thức xét tuyển, song song với đầu tư nguồn lực nâng cao chất lượng đào tạo…

Cùng với việc đa dạng hình thức tuyển sinh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ cũng có nhiều thay đổi trong công tác đào tạo. Bên cạnh quan tâm chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, các trường còn trang bị kỹ năng mềm cho học viên, sinh viên. Tận dụng nguồn lực đầu tư từ cơ quan chủ quản, từ địa phương và các chương trình, dự án… Theo Thạc sĩ Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Cần Thơ: Trong số các ngành nghề của trường, có 5 nghề được đầu tư trọng điểm cấp quốc tế và khu vực ASEAN. Hằng năm, trường đều được đầu tư ngân sách để mua sắm các trang thiết bị thực hành thực tập, đào tạo bồi dưỡng giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo… 

Năm 2021, Trường CĐ Cần Thơ tuyển 2.270 sinh viên cho 23 ngành. Trong đó có 3 ngành nghề (Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Tin học ứng dụng, Công nghệ kỹ thuật môi trường) được đầu tư trọng điểm cấp quốc gia. Trường còn tuyển 540 chỉ tiêu cho 14 ngành trung cấp. Trường CĐ Cần Thơ triển khai nhiều giải pháp chủ động, tăng cường gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo và thực hành. Qua đó, giảng viên, sinh viên đến doanh nghiệp tiếp cận thực tế sản xuất, nhà trường tiếp nhận phản hồi về chương trình đào tạo để điều chỉnh phù hợp thực tế sản xuất, đáp ứng thị trường lao động.

Chia sẻ việc học, Lê Thanh Tú, học viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Trường CĐ Cần Thơ, cho biết: “Gia đình em hoàn cảnh khó khăn nên em chọn học nghề để sớm có công việc ổn định. Ngoài môi trường học tập tốt, em được thầy cô cập nhật kiến thức liên tục trong quá trình học. Sắp tốt nghiệp, em đang tập trung học chuyên môn thật tốt, rèn luyện thêm tiếng Anh và các kỹ năng mềm để tìm công việc ổn định”.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TP Cần Thơ đang đẩy mạnh công tác tuyển sinh - hướng nghiệp cho học sinh phổ thông qua nhiều hình thức (trực tiếp, trực tuyến, mạng xã hội…) để kịp thời đưa thông tin tuyển sinh đến với thí sinh. Các trường cũng đầu tư nguồn lực cho các ngành nghề đào tạo, nhất là các ngành học mới, góp phần tăng sức hút. Bên cạnh đó, còn dành nhiều học bổng khuyến học, khuyến tài cho sinh viên khó khăn. Như Hội Khuyến học Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ sẽ dành 400 suất học bổng cho sinh viên hoàn cảnh khó khăn. Trường CĐ Du lịch Cần Thơ bên cạnh thực hiện các chế độ chính sách quy định, hằng năm còn vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hỗ trợ, trao học bổng cho sinh viên khó khăn… 

“Việc thực hiện tốt các chế độ chính sách, học bổng nhằm cổ vũ tinh thần học tập của học sinh, sinh viên. Qua đó còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo chung của trường”, Thạc sĩ Nguyễn Minh Thơ, Hiệu trưởng Trường CĐ Du lịch Cần Thơ cho biết.

Các trường nghề tập trung đầu tư nhân lực, vật lực để đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động.
Các trường nghề tập trung đầu tư nhân lực, vật lực để đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động. 

Đáp ứng nhu cầu phân luồng HS

Đáp ứng nhu cầu phân luồng học sinh sau THCS và THPT, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở TP Cần Thơ còn liên kết đào tạo với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Giải pháp này góp phần phân luồng học sinh, giúp các trường nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, nhất là tuyển sinh trình độ trung cấp.

Cụ thể, học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp nghề song song với chương trình văn hóa. Trong thời gian học, thí sinh được miễn 100% học phí chuyên môn nghề. Theo bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ): Trung tâm đẩy mạnh việc liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh. Phần lớn học viên tại trung tâm có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi học xong các lớp liên kết, có thể tham gia thị trường lao động ngay, thay vì phải dành thêm thời gian học nghề. Người học thêm điều kiện để có thu nhập lo cho bản thân, gia đình; cũng có thể học liên thông bậc học cao hơn…

Trường CĐ Du lịch Cần Thơ đang tăng cường phối hợp với các trung tâm GDTX trên địa bàn thành phố để tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào các ngành trình độ trung cấp. Qua thống kê của trường, tất cả các em có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.Theo đánh giá của nhà trường, việc liên kết đào tạo rất thiết thực, đạt hiệu quả; giúp học sinh có nhiều cơ hội học tập, lập thân lập nghiệp sau tốt nghiệp phổ thông. Bởi các em tốt nghiệp THCS chỉ cần 2,5 năm để học chuyên môn và học chương trình THPT.

Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ cũng đang thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông. Năm 2021 trường tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các trung tâm GDTX mở các lớp ngành trung cấp dành cho học sinh tốt nghiệp THCS.Thạc sĩ Phạm Thanh Phong, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhà trường cho biết: Mô hình đào tạo này, học sinh học song song chuyên môn và văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, các em được nhận bằng chuyên môn và đủ điều kiện để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Ưu điểm của mô hình đào tạo này là các em được miễn hoàn toàn học phí khóa học đào tạo trung cấp, cơ hội việc làm phổ thông cũng rộng mở…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ