TPHCM sẽ sắp xếp lại các trường nghề kém hiệu quả

GD&TĐ - Sáng 24/8, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM có phiên giải trình trước các đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM về vấn đề giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: VGP
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu phát biểu tại phiên giải trình. Ảnh: VGP

Trên địa bàn TPHCM hiện có 517 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cụ thể, có 50 trường cao đẳng, 65 trường trung cấp, 65 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 278 doanh nghiệp có cơ sở đào tạo nghề và 59 cơ sở khác có đào tạo nghề. Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư khá nhiều cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn.

Tại phần chất vấn, rất nhiều đại biểu đề cập đến chất lượng thực chất của giáo dục nghề nghiệp tại TPHCM hiện nay. Không ít đại biểu cho rằng, sự phát triển của hệ thống trường cao đẳng, trung cấp tại thành phố hiện chủ yếu tập trung về số lượng chứ chưa đi sâu vào chất lượng nên đầu ra của sinh viên chưa cao.

Hiện chỉ một số trường đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành, còn lại đa phần đều trong tình trạng thiếu thốn hoặc trang bị thiếu đồng bộ. Chương trình đào tạo kép giữa nhà trường với doanh nghiệp cũng đã được nhiều trường cao đẳng quan tâm thế nhưng quy mô của các doanh nghiệp kết nối chưa lớn nên cơ hội cho sinh viên trải nghiệm chưa nhiều. Sự thiếu chủ động, sáng tạo khiến không ít trường nghề gặp khó trong khâu tuyển sinh.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết thời gian tới bên cạnh việc cùng phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục những khó khăn hiện có, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố sẽ tham mưu với thành phố để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Từ nay đến năm 2030, TPHCM sẽ sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả và tiến hành sáp nhập các trường trung cấp vào các trường cao đẳng để nâng chuẩn chất lượng đầu ra cho nguồn nhân lực.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ