Trẻ suy sụp, trầm cảm, tự tử vì bị bắt nạt qua mạng xã hội

Trẻ suy sụp, trầm cảm, tự tử vì bị bắt nạt qua mạng xã hội

Thông tin này vừa được đưa ra tại hội thảo “Chương trình phòng ngừa và can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học”, do Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) tổ chức ngày 2/1, tại Hà Nội.

Bị bắt nạt nhiều nhất qua facebook

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục), lâu nay nhiều người biết đến việc trẻ bị bắt nạt trực tiếp, không mấy ai nghĩ đến bắt nạt qua mạng.

Cá biệt có những học sinh vừa bị bắt nạt trực tiếp nhưng vừa bị bắt nạt qua mạng. Trong đó, trên thế giới, trẻ bị bắt nạt nhiều nhất qua Facebook. Tại Việt Nam, ngoài Facebook, trẻ còn bị bắt nạt qua cả hai mạng xã hội Zalo và Viber. Đặc biệt, đối tượng bắt nạt nhiều nhất là bạn cùng lớp.

PGS.TS Trần Thành Nam cho hay, mình còn nhớ rất rõ câu chuyện của một học sinh ở Hà Nội. Do em này thừa cân, các bạn cùng lớp thường đưa hình thể xấu xí ấy ra trêu đùa và chế nhạo khiến em đã nhiều lần nghĩ cách chết như thế nào.

Trẻ suy sụp, trầm cảm, tự tử vì bị bắt nạt qua mạng xã hội ảnh 1

PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội).

“Học sinh này không hoạt động tập thể. Em ăn kiêng quá mức và thường móc để nôn nếu trót nhỡ ăn nhiều. Em hoạt động bằng mọi cách để tiêu tốn calo, tự rạch tay để làm mất máu.

Trong thời gian dài, em không còn đủ sức khỏe để học tập. Khi mẹ đưa em đến gặp bác sĩ tâm lý, gia đình chỉ biết con đã rạch tay mà không hề biết nguyên nhân sâu xa của sự việc này là do trước đó, em bị bạn bè chế nhạo ở trường khiến tinh thần suy sụp”, TS Nam nhớ lại.

Còn theo cô Thu Hà (Phòng Giáo dục học đường, Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội), có nhiều học sinh do bị bắt nạt nên trầm cảm. “Cả người bắt nạt và bị bắt nạt đều phải được hỗ trợ tâm lý”, cô Hà khẳng định.

Chia sẻ thêm tại hội thảo, TS Nguyễn Hồng Kiên (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) kể lại câu chuyện nữ sinh lớp 8 mang xăng đốt trường THCS Phạm Ngũ Lão (Khánh Hòa) khiến hai chân bỏng nặng, phải nhập viện chỉ vì lời đùa trên mạng xã hội, gây xôn xao năm 2016.

Nữ tiến sĩ cho biết, bà từng vào Khánh Hòa gặp giáo viên nhà trường và cả gia đình, học sinh, nghe họ trình bày về sự việc, để hiểu hơn diễn biến tâm lý của nạn nhân.

Theo chia sẻ của học sinh, ban đầu, em chỉ muốn "giật tít câu like" - hành động bộc phát khi lứa tuổi chưa ổn định tâm lý.

Tuy nhiên, sau khi nhận được hơn 1.000 like chỉ trong nháy mắt, học sinh này bị dồn ép bằng tin nhắn, bằng các tin đăng trên tường (wall), ép buộc phải đốt trường đi. Do quá sợ hãi, em đã mua xăng và khi đang loay hoay đốt phòng y tế thì bị phát giác. Bản thân em cũng bị bỏng, cùng với sang chấn tâm lý nặng nề.

Trẻ suy sụp, trầm cảm, tự tử vì bị bắt nạt qua mạng xã hội ảnh 2

TS Trần Văn Công (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội).

Cứ 10 học sinh, có 3 em bị bắt nạt qua mạng

TS Trần Văn Công (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, bắt nạt trực tuyến là khi một người hay một nhóm người cố ý đăng, gửi, hoặc chia sẻ, truyền đạt liên tục thông tin cá nhân mà không được phép, thông tin tiêu cực, đe dọa, sai sự thật về ai đó trên mạng internet thông qua các ứng dụng và các thiết bị điện tử làm ảnh hưởng đến danh dự, gây tổn thương cho họ.

Trên thế giới, theo nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài cho thấy, bắt nạt trực tuyến được xem như một vấn đề phổ biến của thanh thiếu niên khi sử dụng internet và các phương tiện công nghệ.

Tại Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, các chuyên gia đến từ ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) có 10 nghiên cứu về bắt nạt trực tuyến, khảo sát trên 5.000 học sinh, giáo viên, chuyên gia. Kết quả cho thấy 24% học sinh THCS và THPT tham gia khảo sát là nạn nhân của ít nhất một hình thức bắt nạt trên mạng. Đến năm 2016, tỷ lệ này tăng lên 35,7%.

Năm 2018, kết quả nghiên cứu tại 3 địa phương là Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa cho thấy gần 34% học sinh THCS, THPT tham gia bắt nạt trực tuyến với vai trò khác nhau như nạn nhân, thủ phạm, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm.

PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng, đáng lo ngại là số học sinh vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm bắt nạt đang ngày càng tăng.

Như vậy, khi mà môi trường học đường không an toàn, có nhiều em bị bắt nạt trực tiếp, về nhà, các em tiếp tục bị bắt nạt trên mạng.

“Đối với các bạn như thế này thì các em thường có xu hướng giống như giận cá chém thớt, khi mà mình bị bắt nạt mình lại có xu hướng là đi bắt nạt tiếp những người khác qua các những hình thức trực tuyến”, TS Nam cho biết.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc, sau nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu có dự định triển khai ra sao để chương trình được “sống”?

TS Trần Văn Công - chủ nhiệm đề tài cho rằng: “Chương trình can thiệp bắt nạt trực tuyến dựa vào trường học” của nhóm nghiên cứu nhằm nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên, cán bộ và nhân viên nhà trường, phụ huynh học sinh về bắt nạt trực tuyến; trang bị những kỹ năng ứng phó khi bắt nạt trực tuyến xảy ra”.

Ông cũng cho rằng, vai trò nhà trường ở đây gần như mấu chốt, là trọng tâm vì nhà trường có cả hệ thống sinh thái, bao gồm cả Ban giám hiệu, thầy cô giáo.

Đặc biệt, phụ huynh cũng tham gia rất nhiều vào trong đó, cùng với các học sinh. Khi tác động vào cả hệ thống nhà trường, đồng nghĩa với việc sẽ tác động vào hành vi của học sinh trong nhà trường và ngoài xã hội.

TS Nguyễn Hồng Kiên đưa ra sáng kiến, các học sinh khi sử dụng mạng xã hội thường không kết bạn, thậm chí chặn Facebook của bố mẹ, thầy cô. Các em không muốn bị kiểm soát. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ nên có hệ thống “tai mắt” riêng để giám sát.

Cô Thu Hà thì cho rằng, tốt nhất nên thông qua các hoạt động đoàn, đội của trường để nâng cao nhận thức về vấn đề này. Đồng thời, để các em tự xây dựng kế hoạch phòng chống bắt nạt qua mạng để tham gia chủ động.

Theo Dantri.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ