Đồng hành và trao quyền tự chủ
Chương trình GDPT 2018 được xây dựng mở, nhằm phát huy tối đa sự sáng tạo của đội ngũ GV trong quá trình dạy học. Nắm được đặc điểm này, tại Trường Tiểu học Ninh Thắng (huyện Hoa Lư – Ninh Bình), ban giám hiệu trao quyền tự chủ nhiều hơn để mỗi GV có thể phát huy tốt nhất thế mạnh, năng lực.
Cô Đỗ Thị Mỹ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Thắng chia sẻ: Triển khai dạy học SGK lớp 1, GV có thể đưa ra những ngữ liệu hay và phù hợp hơn cho học sinh (HS) vào giảng dạy. GV có thể căn cứ vào chương trình tổng thể để xây dựng nội dung GD phù hợp với lớp mình, miễn sao phát triển tốt nhất năng lực của HS, sát và phù hợp với từng đối tượng. Không nhất thiết các lớp phải triển khai dạy học giống nhau 100% khi thực hiện 1 bộ SGK.
Cùng đó, trường cũng khuyên khích GV sáng tạo trong việc xây dựng đồ dùng học tập. Khi GV hiểu rằng đồ dùng học tập là công cụ quan trọng để hoàn thành mục tiêu giáo dục chắc chắn sẽ chủ động tích cực trong việc tư vấn cho phụ huynh và HS chuẩn bị trang thiết bị học tập phù hợp. Mặt khác, GV sẽ tích cực, linh hoạt hơn trong việc trang bị tư liệu dạy học cho cá nhân.
Tại Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội), quá trình triển khai Chương trình và SGK mới, đã có sự điều chỉnh linh hoạt trong quản trị nhà trường để phù hợp với thực tế đổi mới. Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ban giám hiệu đi dự giờ, thăm lớp nhiều hơn, đặc biệt với khối lớp 1. Tuy nhiên, việc dự giờ không để đánh giá tiết dạy của GV tốt hay khá; không đánh giá GV qua tiết dạy… mà quan trọng hơn để chủ động nắm bắt thực tế, rút kinh nghiệm trong công tác quản lý chỉ đạo. Từ đó có sự hỗ trợ, điều chỉnh phù hợp về khối lượng kiến thức, phương pháp giảng dạy, giáo dục trải nghiệm kết hợp trên lớp… ra sao cho tốt nhất với từng lớp học và HS.
“Quá trình đổi mới, triển khai ban đầu chắc chắn đội ngũ GV – người tiên phong và trực tiếp dạy học sẽ vất vả và phải “đầu tư” nhiều hơn về thời gian, chuyên môn…Tuy nhiên, để đổi mới thành công, các cấp quản lý từ lãnh đạo phòng GD&ĐT, ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn… cũng phải chuyển động, không đứng ngoài cuộc hoặc chậm đổi mới...” - cô Ngọc khẳng định.
Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) chia sẻ: Để thúc đẩy GV đổi mới, sáng tạo một mặt ban giám hiệu thực hiện 3 cùng “cùng làm, cùng học, cùng bồi dưỡng” để GV thấy được quyết tâm của nhà trường trong quá trình triển khai Chương trình, SGK mới. Từ đó, GV nỗ lực vượt khó để chủ động làm tốt vai trò.
Mặt khác, trong quá trình đổi mới,nhà trường xác định giao nhiệm vụ cụ thể cho GV chủ động xử lý, lấy hiệu quả công việc làm hàng đầu. Tuy nhiên, ban giám hiệu cũng xác định không gây áp lực cho thầy cô trong quá trình làm việc mà không khí nhẹ nhàng, cởi mở, chia sẻ.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến – Học viện Quản lý giáo dục khi nói về đổi mới quản trị nhà trường trước yêu cầu chuyển đổi giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học cũng chỉ ra 5 yêu cầu cần xác lập. Đó là: Đổi mới quản trị nhà trường cần xác lập cơ chế quản trị mới; Xây dựng quan hệ phối hợp mới; Chuyển sang phương thức quản trị mới; Hình thành cơ chế khuyến khích mới; Tạo dựng nền tảng văn hóa mới.
Theo TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, vấn đề hình thành cơ chế khuyến khích mới cho đội ngũ GV trong quá trình triển khai đổi mới dạy học theo định hướng phát triển năng lực, HS cần được các nhà trường lưu ý. Bởi đây chính là cách giữ chân người giỏi với trường. Cần đồng thời tạo động lực để đội ngũ nhà giáo tận tâm với nghề và tích cực tham gia vào công tác quản lý nhà trường. Việc đổi mới quản trị nhà trường theo cơ chế tự chủ phải bảo đảm thu nhập, thăng tiến và sự thành đạt trong nghề…
Thiết thực trong động viên khích lệ
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Thắng chia sẻ: Trường đã đẩy mạnh hoạt động nêu gương và ghi tên vào sổ vinh danh những thầy cô giáo, tập thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, có sáng kiến, đổi mới trong công việc vào các giờ sinh hoạt chính trị thứ 2 hàng tuần. Những người được ghi danh nhiều lần được coi đó như là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua. Với cách động viên khuyến khích này, đã tạo ra động lực phấn đấu cho thầy cô. Thậm chí, nhiều GV đã nỗ lực phấn đấu thường xuyên, thể hiện tối đa sáng tạo, nỗ lực… để được ghi nhận.
TS Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (ĐH Sư phạm Hà Nội) lại chia sẻ một trong những biện pháp để xây dựng môi trường thi đua tích cực cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên của trường là quan tâm thiết thực tới đời sống vật chất, tinh thần.
Ban giám hiệu đã thúc đẩy thi đua bằng việc tôn trọng đóng góp ý kiến của các thành viên trong nhà trường và ghi nhận những sáng kiến, việc làm tốt, chia sẻ kinh nghiệm của các đồng nghiệp. Ban giám hiệu luôn biểu dương tinh thần làm việc chuyên nghiệp, tận tâm, không ngại khó khăn, vất vả… của đội ngũ GV, nhân viên.
Đặc biệt, việc chăm lo đời sống tinh thần cho cán bộ, GV, nhân viên tạo sự cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi: Khám sức khỏe định kỳ, được tham gia câu lạc bộ dancesport, Yoga… Các quyền lợi của người lao động đều được bảo đảm như tăng lương, đóng bảo hiểm xã hội, chế độ trong các ngày nghỉ lễ, Tết…