“Điểm sáng” giáo dục vùng đất mũi
Trường TH Phan Ngọc Hiển là “điểm sáng” Giáo dục của huyện Đầm Dơi và của tỉnh Cà Mau. Là một trong số rất nhiều đơn vị tiêu biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII.
Trong tâm thế thực hiện Chương trình, SGK mới, nhà trường xác định những việc trọng tâm đã và đang thực hiện. Cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi, Hiệu trưởng nhà trường xác định “Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công của việc triển khai chương trình, SGK mới”.
Vì vậy cần phải quan tâm đến việc đào tạo và tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, sao cho họ có thể đáp ứng được yêu cầu của chương trình, SGK mới. Những năm qua, trường đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn giáo viên về hình thức, phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh.
Chú trọng rèn luyện cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu sách SGK để tiếp nhận và vận dụng kiến thức mới thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong bài học. Dành nhiều thời gian trên lớp cho học sinh luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập của mình, giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và vận dụng. Đây cũng là cơ hội, điều kiện mà nhiều năm qua trường tổ chức cho 100% học sinh học 2 buổi/ngày và 50% học sinh học bán trú.
Trong những năm học qua, Nhà trường luôn quan tâm đến việc đưa đi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên sao cho các thầy, cô có thể đáp ứng được yêu cầu của Chương trình, SGK phổ thông mới.
"Trước hết, mỗi người đã nhận thức được tinh thần đổi mới, phấn đấu tự học, tự bồi dưỡng đáp ứng theo tinh thần đổi mới và trong bản thân mỗi người có quyết tâm đổi mới trước khi có tác động từ bên ngoài vào. Đến thời điểm này, Trường có 1 cán bộ quản lý đạt trình độ thạc sĩ, 53 cán bộ, giáo viên đạt trình độ đại học...", cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi cho biết.
“Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống”
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi, kiểm tra, đánh giá là khâu quan trọng trong quản lý, “không kiểm tra, xem như chưa quản lý”. Nhà trường, các tổ chuyên môn đầu các năm học xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.
Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập. Chú trọng các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục.
Bên cạnh đó, đổi mới sinh hoạt chuyên môn là khâu quan trọng của các tổ dựa trên nghiên cứu bài học. Tăng cường các hoạt động dự giờ, rút kinh nghiệm để hoàn thiện từng bước cấu trúc nội dung, kế hoạch dạy học. Tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề thông qua hội thảo, sinh hoạt chuyên môn theo đề tài, giao lưu liên trường….
Tăng cường đầu tư các điều kiện khác góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục như cơ sở vật chất và thiết bị dạy học để đáp ứng được yêu cầu của Chương trình, SGK mới. Trong những năm học vừa qua, trường đã được đầu tư cơ sở vật chất khá khang trang. Có đầy đủ các phòng chức năng, mỗi lớp có 1 phòng học riêng đảm bảo 32/32 lớp dạy 2 buổi/ngày.
Có 15/32 lớp tổ chức bán trú cho học sinh, huy động kinh phí từ các nguồn lực hợp pháp khác để trang bị, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tương đối hơn cho việc dạy và học 2 buổi/ngày như: Mỗi phòng học đều có màn hình tivi được kết nối mạng internet, hệ thống đèn, quạt, máy điều hòa, bàn 2 chỗ ngồi… các hoạt động hỗ trợ thực hiện chương trình mới khá đầy đủ.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Tươi chia sẻ: Để thực hiện mục tiêu “Mang cuộc sống vào bài học - Đưa bài học vào cuộc sống” theo yêu cầu SGK mới, mỗi giáo viên đều phải không ngừng đổi mới. Tôi cùng với các giáo viên tổ chức các tiết dạy thực nghiệm để làm quen, rút kinh nghiệm.
Căn cứ vào điều kiện dạy học, năng lực đội ngũ giáo viên, chuyển từ dạy học theo định hướng phát triển kiến thức, kỹ năng sang dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực. Vì thế mỗi giáo viên của trường đã và đang có sự chuyển mình trong tư duy, hành động để thực hiện mục tiêu chung là phát huy hiệu quả của bộ sách giáo khoa mới...