Trao kinh nghiệm tìm kiếm việc làm

GD&TĐ - Để không bị loại ngay từ “vòng gửi xe” khi đi xin việc và có cơ hội tìm kiếm được việc làm ưng ý, ngoài việc trang bị cho mình kỹ năng tiếng Anh, bảng điểm tốt, CV đẹp, các tân cử nhân cần mạnh dạn, tự tin và xuất hiện ấn tượng trước nhà tuyển dụng.

Để có việc làm ưng ý, sinh viên cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm
Để có việc làm ưng ý, sinh viên cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm

Trang bị kỹ năng mềm

Theo PGS.TS Trần Đình Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương, thực tế có nhiều sinh viên thi tuyển vào trường đại học không vì đam mê, yêu thích hay có năng khiếu, mà đi học chỉ để có tấm bằng đại học. Cũng có sinh viên có khả năng về chuyên ngành mình theo học nhưng trong quá trình học tập đã không chịu khó học hành, rèn luyện kỹ năng, không xác định rõ mục tiêu hay học hỏi kinh nghiệm. Do đó, nhiều sinh viên không tránh khỏi lúng túng khi tiếp cận với công việc.

Từ thực tiễn nêu trên, PGS.TS Trần Đình Tuấn chia sẻ: Ngoài việc trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn thì việc trang bị kỹ năng mềm là yếu tố rất quan trọng khi đi xin việc hoặc trong môi trường công việc. Có những công việc, kỹ năng mềm chiếm đến 80% yêu cầu công việc và chuyên môn chỉ chiếm 20%. Càng lên vị trí cao, kỹ năng mềm càng quan trọng.

Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng, đa số sinh viên mới tốt nghiệp đều thiếu những kỹ năng như: Kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xin việc, kỹ năng ngoại ngữ, vi tính, hợp tác và kỹ năng tự chủ và thích ứng với môi trường làm việc… Khả năng tự tạo việc làm, sự năng động thích ứng của sinh viên với yêu cầu của nhà tuyển dụng vẫn còn hạn chế...

Làm việc nhóm – một kỹ năng không thể thiếu trong quá trình làm việc
Làm việc nhóm – một kỹ năng không thể thiếu trong quá trình làm việc

Chuẩn bị thật kỹ từ những điều nhỏ nhất

Đồng quan điểm, GS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục bật mí, khi đi xin việc và đứng trước các nhà tuyển dụng, các em cần có tác phong chuyên nghiệp, chuẩn bị thật kỹ từ những điều nhỏ nhất. Qua đó, nhằm tạo được ấn tượng tốt đẹp với các nhà tuyển dụng.

“Ví dụ nếu là viết email và gửi email, các em cần viết mạch lạc, rõ ràng, có đầu có cuối. Hãy nhớ đến chi tiết nhỏ là gửi lời chào và lời cảm ơn để cơ quan tuyển dụng. Điều đó thể hiện thái độ cầu thị, tôn trọng của mình với nhà tuyển dụng” - GS Phạm Quang Trung chia sẻ.

Ngoài ra, theo GS Phạm Quang Trung, khi đi xin việc, các em hãy chú ý đến ngoại hình hơn, từ bộ quần áo đến đôi giày, đôi dép. Nếu không chú ý điều đó, chúng ta sẽ luôn thất bại trong tất cả các cuộc tuyển dụng, thậm chí còn thất bại luôn từ “vòng gửi xe”.

“Khi tuyển dụng, các nhà tuyển dụng không chỉ căn cứ vào việc các em được 8,5 điểm hay 9 điểm, mà các em phải trang bị cho mình kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh với kỹ năng giao tiếp. Tiếp đó, các em phải thể hiện tố chất mạnh dạn, phong thái tự tin”.

GS Phạm Quang Trung

“Nếu tôi vào ngồi trong ban tổ chức tuyển dụng nhân sự, tôi sẽ chọn những em có khuôn mặt sáng sủa, trả lời một vài câu đầu tiên gây ấn tượng thể hiện tố chất mạnh dạn, tự tin, chứ tôi không chọn những em rụt rè, nhút nhát và ăn mặc luộm thuộm”- GS Phạm Quang Trung chia sẻ.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng, để góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nhân lực Việt Nam, cần có những giải pháp như: Nâng cao nhận thức của người lao động, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới hoạt động đào tạo, gắn kết thị trường lao động trong nước với thị trường nước ngoài. Nếu thực hiện được những điều trên thì trong tương lai không xa, sinh viên tốt nghiệp đại học ở Việt Nam sẽ không còn bị thất nghiệp, đồng thời sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn, thu nhập cao hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ