Trải nghiệm trong dạy học Toán ở tiểu học: Cần hiểu đúng, thực hiện đủ

GD&TĐ - Trải nghiệm là hoạt động giáo dục bắt buộc và được thực hiện xuyên suốt ở tất cả các môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để phát huy tính năng ưu việt của hoạt động trải nghiệm trong dạy học môn Toán tiểu học, giáo viên cần hiểu đúng và phải thực hiện đủ.

Học sinh tham gia trải nghiệm kiến thức đã học
Học sinh tham gia trải nghiệm kiến thức đã học

Thực trạng việc dạy-học Toán tiểu học hiện nay

Mục tiêu dạy-học toán tiểu học hiện nay: Học sinh hiểu được bài học, nắm được các chuẩn kiến thức và năng cần đạt của bài học, thực hiện được các bài tập thực hành. Mức độ cao hơn là giáo viên quan tâm đến việc giúp các em có thói quen giải toán, yêu thích học toán.

Thế nhưng trong quá trình giảng dạy, giáo viên thường để học sinh tự học, tự thực hiện, học sinh trở nên thụ động, lớp học nhàm chán, thiếu nhiều kỹ năng trong học tập cũng như trong cuộc sống.

Giáo viên thường nghĩ rằng: Trải nghiệm là học sinh được hoạt động bên ngoài lớp học; các em được thực hành đo đạt, thao tác trên một đồ dùng học tập nào đó hay được tiến hành tính toán trên một vật, dụng cụ gì đó cụ thể mới được gọi là trải nghiệm.

Bên cạnh những cách nghĩ đó còn có không ít giáo viên cho rằng: Học sinh học Toán chỉ cần tính đúng kết quả bài tính, giải bài toán đúng cách, đúng đáp số là được. Và cũng không ít giáo viên bị động, không nghĩ ra phải trải nghiệm như thế nào khi dạy tiết học này, bài học kia,….

Chính vì những ý nghĩ đó đã dẫn đến hiện trạng nhiều học sinh làm được câu tính, bài tính hay tìm đúng kết quả bài toán nhưng khi hỏi lại cách làm như thế nào thì các em không trình bày, không giải thích được hoặc hỏi căn cứ vào đâu để có cách làm đó các em vẫn không thể trả lời.

Cần hiểu đúng...

Hoạt động trải nghiệm trong môn học Toán nói riêng đã được hướng dẫn và Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

“Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục do nhà giáo dục định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế, thể nghiệm các cảm xúc tích cực, khai thác những kinh nghiệm đã có và huy động tổng hợp kiến thức, kĩ năng của các môn học để thực hiện những nhiệm vụ được giao hoặc giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống nhà trường, gia đình, xã hội phù hợp với lứa tuổi; thông qua đó, chuyển hoá những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức mới, hiểu biết mới, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường”.

Như vậy, không phải học sinh được thực hành các công việc thực tế bên ngoài lớp học mới gọi là trải nghiệm.

Trải nghiệm trong dạy học nói chung và trong môn học toán nói riêng có thể được tiến hành trên cả ba hoạt động: Trải nghiệm suy nghĩ, ý tưởng; Trải nghiệm lời nói; Trải nghiệm hành động.

Trong mỗi tiết dạy nếu các em được trải nghiệm đầy đủ theo các hoạt động trên, các em không chỉ nắm vững kiến thức, năng động, sáng tạo mà còn góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù.

Thông qua các hoạt động trải nghiệm các em được khám phá bản thân, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và cả người thân trong gia đình. Đặc biệt ngôn ngữ toán học được chuẩn xác, khả năng lập luận trở nên logic, tư duy phát triển.

Giáo viên quan sát kĩ năng trải nghiệm trong hoạt động nhóm

Giáo viên quan sát kĩ năng trải nghiệm trong hoạt động nhóm

... Và thực hiện đủ 

Giáo viên có thể phân chia các kiểu tính, bài tính, các dạng toán, bài toán sao cho phù hợp để các em được trải nghiệm; kích thích thái độ học tập tích cực, phát huy tính năng động, sáng tạo, đạt mục tiêu đã đề ra.

Trải nghiệm suy nghĩ, ý tưởng là hoạt động cực kỳ quan trọng. Hoạt động này kích hoạt trí óc non nớt của các em. Các em hứng thú học tập được hay không? Thích môn học toán đến mức độ nào? Các em tự tin, mạnh dạn đưa ra những cách làm, cách xử lý, cách giải quyết vấn đề ra sao?... đều tuỳ thuộc hoàn toàn vào năng lực, trình độ tổ chức chuyển tải kiến thức của người dạy.

Người dạy Toán tuyệt đối không phản biện trực tiếp một cách mạnh mẽ, đơn điệu; Không cho là sai, trật,… mà nên “trưng cầu dân ý” để nhiều em được nêu ý tưởng, tạo điều kiện để các em được thể hiện, được tranh luận càng tốt.

Khi giáo viên đặt vấn đề, đưa ra vấn đề yêu cầu học sinh giải quyết thì cần tổ chức ngay hoạt động trải nghiệm suy nghĩ, ý tưởng để học sinh được trình bày phát kiến của mình, bản lĩnh của các em được thể hiện mạnh mẽ nhất ở giây phút này. Các em hăng say, hứng thú, ham thích môn học toán cũng từ đây. Hoạt động này cần được thực hiện trong tất cả các tiết học.

Trải nghiệm lời nói là hoạt động học sinh được trình bày, chia sẻ cách làm mà học sinh đã tự nghĩ và tự thực hiện được. Không bắt buộc phải là kết quả đúng, chính xác. Từ những kết quả thực hiện mà các em chia sẻ, các em sẽ nhận được những lời phản biện, các em tự nhận và tự phát hiện những thiếu sót, những cách làm hay và các em sẽ càng tự tin thích thú hơn khi lắng nghe lời chốt ý nhẹ nhàng từ giáo viên chủ nhiệm.

Hoạt động này cần được thực hiện trong tất cả các bài tính: đặt tính, tính giá trị biểu thức, tìm thành phần chưa biết, tính thuận tiện,… cả trong các bài toán có lời văn, các bài toán tổng hợp,…

Chẳng hạn: Đối với những bài đặt tính rồi tính: 84 253 + 103 796

- Bước 1: Giáo viên cần tổ chức cho các em trình bày suy nghĩ, ý tưởng cá nhân về cách đặt tính để tính kết quả vào vở. Khi đó nhiều em sẽ có cách đặt tính khác nhau.

Giáo viên chỉ cần thực hiện nhiệm vụ: giúp các em nhận ra đâu là cách đặt tính đúng, hay.

- Bước 2: Các em trải nghiệm lời nói. Cần tạo điều kiện cho nhiều học sinh được trình bày cách cộng các số hạng. Trong khi nêu cách tính nhiều em sẽ phát hiện cách thức thực hiện của bạn mình đúng, đủ thế nào và tự các em sẽ có những lời phản biện, lí giải hợp lí, chắc chắn các em sẽ có cách tính và được kết quả đúng.

Trải nghiệm hành động là các em được thao tác, thực hành trên những dụng cụ học tập cụ thể hay được đo đạt, tính toán trên những đồ vật cụ thể, gần gũi, xung quanh đời sống các em.

Hoạt động này giúp các em kiểm chứng lại kiến thức của mình đã học, đã có. Giáo viên cần theo dõi sát, giúp đỡ kịp thời và chỉ cho các em thấy được những cách thực hiện hay để phát huy, những điểm còn thiếu sót để các em kiểm tra, ôn tập cũng như điều chỉnh nhận thức, hành vi khi vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

Trong quá trình dạy – học, việc tạo điều kiện để học sinh được trình bày, chia sẻ, phản biện là yêu cầu rất cần thiết, cần phải thực hiện. Tiết dạy đạt mục tiêu ở mức độ cao hay thấp, học sinh chiếm lĩnh kiến thức nhiều hay ít phải tính đến năng lực tổ chức tiết dạy các hoạt động trải nghiệm trong tiết dạy của giáo viên.

Giáo viên cần có kế hoạch dạy học thật chuẩn xác và chặt chẽ, tránh xa đà, mất quá nhiều thời gian cho một đối tượng, một hoạt động; Cần tập trung rèn luyện những đối tượng còn thụ động, khả năng diễn giải chậm, thiếu tự tin, chưa lưu loát, tạo điều kiện để các em được nói, trao đổi, chia sẻ.

Qua đó cho thấy hoạt động trải nghiệm quyết định chất lượng của việc dạy học rất cao. Hãy hiểu đúng và thực hiện đủ hoạt động trải nghiệm! Hãy giúp các em nắm vững kiến thức, kích hoạt trí não, nâng cấp khả năng suy diễn, sáng tạo, kiềm chế được cảm xúc, làm chủ bản thân, nâng cấp khả năng giao tiếp và thắt chặt tình cảm bạn bè, thầy cô thông qua các hoạt động trong dạy học Toán tiểu học!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ