Gánh nặng trên vai
Ngày nào cũng bắt đầu từ 7 giờ sáng với các công việc dọn lớp, đón trẻ, hoạt động giáo dục, hoạt động ngoài giờ, đến trưa lại cho các con ăn rồi ngủ. Các cô cũng chỉ có khoảng nửa tiếng để nghỉ trưa. Tính ra mỗi ngày phải làm việc từ 10 đến 11 giờ chứ không phải 8 giờ như quy định. Với cường độ lao động như vậy, giáo viên cần rất nhiều năng lượng để “mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui”. Chưa kể đến trong bối cảnh hiện nay, các cô phải thường xuyên cập nhật công nghệ thông tin, ngoại ngữ, tổ chức sự kiện bên ngoài cho các con, cô Đinh Bích Hà - Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt - Triều Hữu nghị (Hà Nội) trao đổi.
Đồng tình với quan điểm trên, cô Võ Thị Siêm, GV Trường Mầm non Hòa Phú, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết: Giáo dục mầm non (MN) là bậc học cần sự đổi mới, hoạt bát, linh hoạt trong tất cả các hoạt động, chưa kể nhiều người còn bị hạn chế về sức khỏe. Với GV tuổi cao, sẽ thật khó cho họ trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Đặc biệt, học sinh MN thích học với cô giáo trẻ, dạy trẻ múa, hát, trò chơi vận động và chăm sóc.
Cô Đỗ Thùy Quyên, GV Trường MN Suối Giàng (Yên Bái) cũng lo ngại với những áp lực công việc và đòi hỏi sự năng động, nhanh nhẹn giáo viên MN rất khó để về hưu đúng tuổi. Đến tuổi 60, các cô liệu còn có thể hát hay, múa giỏi để dạy các con.
Đặc biệt, đối với những GV vùng sâu, vùng xa, GV cắm bản, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng khiến các thầy, cô gặp khó khăn, vất vả hơn rất nhiều. Ở các tỉnh miền núi, bậc học MN và tiểu học có nhiều điểm trường lẻ, có thầy, cô phải đi xa tới 30 - 40 km mới đến điểm trường. Những ngày trời nắng còn đỡ, không may vào những ngày mưa rét thì vất vả hơn nhiều...
Không chỉ bậc MN, nhiều giáo viên phổ thông cũng đồng quan điểm không tăng tuổi hưu với lý do đặc thù công việc. Cô Nguyễn Thị Mỹ Dung – Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Văn Hai (Trà Vinh) – từ thực tế giảng dạy thấy rằng: Giáo viên nếu đến tuổi nghỉ hưu thì thời gian công tác đã trên 30 năm. Tuổi này, thầy cô dày dạn kinh nghiệm, nhưng thể chất không khỏe, sức “chịu đựng” kém, nhất là khi gặp học sinh có cá tính hoặc nghịch, quậy phá.
Mặt khác, ở tuổi này, việc ứng dụng CNTT trong dạy học không tốt, nhanh nhạy bằng giáo viên trẻ tuổi. Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người thầy phải đổi mới từng ngày. Trong khi đó, kiến thức học ĐH hơn 30 năm, muốn công tác tốt, giáo viên phải thường xuyên cập nhật, trau dồi, mà muốn làm được cần thực sự yêu nghề, tâm huyết. “Tôi thấy phần lớn giáo viên lớn tuổi cảm thấy mệt mỏi, hiệu quả giảng dạy không bằng giáo viên trẻ tuổi, trừ người thực sự đam mê” - cô Nguyễn Thị Mỹ Dung chia sẻ.
Ảnh minh họa |
Thầy già, trẻ không thích
Cô Nguyễn Thị Bình, GV Trường MN Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội có hơn 20 năm gắn bó với trẻ MN tâm sự: GV MN cần sự đổi mới, linh hoạt trong tất cả các hoạt động. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ thật khó cho chúng tôi trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Đặc biệt học sinh MN thích học với cô giáo trẻ. Nhiều cô giáo cảm thấy không vui nếu học sinh đến lớp chào: “Cháu chào bác ạ”, thậm chí “Cháu chào bà ạ”!
Cùng chung suy nghĩ, một giáo viên tiểu học chia sẻ: GV tiểu học lớn tuổi, mắt đã kém, tác phong chậm chạp trong khi GD ngày càng đổi mới, yêu cầu ngày càng cao, GV đến tuổi đó sẽ không thể theo kịp thế hệ trẻ. Không phải tất cả giáo viên lớn tuổi đều hết nhiệt huyết lao động, nhưng có thể khẳng định hầu hết các thầy cô giáo đang ở độ tuổi trên 50 đều có “sức ì” rất lớn. Không phải chúng tôi không cố gắng phấn đấu, nhưng đúng là khả năng về ngoại ngữ, tin học và kể cả chuyên môn đều không theo kịp các cô giáo trẻ thế hệ 8X, 9X. Nhiều lúc muốn áp dụng công nghệ vào các bài giảng để tạo hứng thú hơn cho các em nhưng lực bất tòng tâm, đành phải quay về với những giáo án cũ.
Sức ì của những giáo viên lớn tuổi còn thể hiện ở nhiều mặt, từ việc dạy đến các hoạt động, sinh hoạt, giáo dục học sinh. Các thầy cô vì gánh nặng tuổi tác đã không thể tổ chức các hoạt động học tập để thu hút sự chú ý của các em. Nhiều hoạt động của trường đề ra nhằm đổi mới phương pháp dạy học, bắt kịp với Chương trình giáo dục phổ thông mới, các thầy cô cũng rất khó khăn để thực hiện.
Những bài của các thầy cô lớn tuổi thường lặp đi lặp lại và không có sự đổi mới. Khi không được học, không được tiếp cận những phương pháp dạy học mới, cập nhật những kiến thức mới ngoài sách vở, học sinh sẽ vô cùng thiệt thòi. Ngoài ra, các em cũng ít được vận động, ít được tổ chức các hoạt động học tập đúng nghĩa, do đó kĩ năng sống sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Ảnh minh họa |
Cần biên độ hợp lý
30 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường MN Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) cho biết: Với cán bộ quản lý, việc tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng nhiều đến công việc. Thế nhưng với GV trực tiếp đứng lớp cao tuổi, việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ cần sự trợ giúp của các cô giáo trẻ.
Thực tế, giáo viên nữ đến 55 tuổi, nam 60 tuổi đi dạy khoảng trên 30 - 40 năm là mắt đã mờ, tay đã run, thậm chí nhiều thầy cô hàng ngày đã phải dùng các loại thuốc tiểu đường, tim mạch, tiền đình… Muốn phát triển thì lực lượng giáo viên phải luôn luôn sáng tạo, việc tăng tuổi nghỉ hưu cho giáo viên sẽ kéo theo chất lượng và hiệu quả giảng dạy bị giảm sút.
Cô Thảo cũng cho rằng: Không phải tất cả nữ giáo viên ở độ tuổi ấy đều có sức khỏe yếu vì hay mắc bệnh nghề nghiệp. Cũng có khá nhiều người sức khỏe tốt, lòng nhiệt huyết với nghề vẫn tràn đầy. Thế nên, nhiều giáo viên vẫn muốn cống hiến cho nghề. Nên chăng, cần có biên độ quy định tuổi hưu của nữ.
Cho rằng, “nghề giáo là một nghề đặc thù, xin đừng đánh đồng với những nghề khác trong xã hội” cô giáo Nguyễn Thị Bích Thủy, Trường MN Vinakids Ecopark (Hưng Yên) mong muốn, tuổi nghỉ hưu của GVMN cần được nghiên cứu thấu đáo tùy theo đặc thù công việc.
Cô Thủy cho biết: Có rất nhiều nhà giáo về hưu nhưng trong lòng vẫn còn nhiều tâm huyết. Có rất nhiều giáo viên vì yêu trẻ, yêu nghề đã dạy rất có tâm, hơn hẳn một số giáo viên trẻ... Vì thế, nên cho phép thầy cô gia hạn thời gian nghỉ hưu, khi đó ai còn sức và tâm huyết với nghề sẽ có thể tiếp tục, còn ai tự nguyện không muốn làm việc nữa thì về nghỉ hưu.
Thực tế, Luật Lao động hiện hành cũng có một số quy định riêng cho người làm những công việc nặng nhọc, độc hại, lao động có trình độ cao, nhưng chưa nhiều. Thiết nghĩ, khi hoạch định những chính sách, những nhà làm luật cần phân thành nhiều nhóm ngành nghề cụ thể hơn, đặc biệt với những GV MN đứng lớp. Liên quan đến điều này, NGƯT Tô Ngọc Sơn - chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp nêu quan điểm: Nếu kết quả công tác 5 năm trước tuổi hưu không đạt yêu cầu thì phải nghỉ hưu; cần động viên giáo viên nghỉ sớm trước tuổi. Việc nghỉ hưu sớm, nghỉ trước tuổi là cần thiết và cần được quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi; nhưng cần phải nghiên cứu kỹ và có những quy định cụ thể, rõ ràng để áp dụng và ràng buộc việc thực hiện chính sách.
Riêng với dự kiến tăng tuổi hưu, quan điểm cá nhân của NGƯT Tô Ngọc Sơn, vì đặc thù công việc của GVMN nên có chính sách ưu đãi cho lực lượng này. Theo đó, tuổi hưu của GV trực tiếp giảng dạy là 50 với rất nhiều lý do như sức khoẻ, tâm lý, độ nhạy bén, khả năng thích ứng, năng lực, xu thế phát triển… Các cán bộ quản lý có thể theo quy định công chức, với điều kiện sức “chiến đấu” còn tốt.
“Để đáp ứng được nhu cầu phát triển, xu thế hội nhập, thực hiện hiệu quả GD trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc khảo sát, đánh giá, lấy ý kiến giáo viên, cán bộ công chức trong 5 năm trước tuổi hưu là rất cần thiết. Cần có chính sách ưu đãi thật tốt để khuyến khích, động viên lớp trẻ cũng như “hậu hĩnh” với những người đương chức cống hiến tốt. Kết quả khảo sát tốt, đạt yêu cầu, nguyện vọng cần cống hiến thêm thì phải được chấp thuận và cần có những ưu đãi, chế độ cao hơn dành cho những lao động cao tuổi này. Bô lão thời nào cũng có và luôn hữu dụng. Đây có thể nói là lực lượng nòng cốt, trụ cột của đất nước. Phải công tác thêm (theo mong muốn của quần chúng), được trọng dụng thì phải được ưu tiên chính sách tối ưu cho công sức ấy” – NGƯT Tô Ngọc Sơn nêu quan điểm.
Đề cập riêng đến đối tượng cán bộ quản lý giáo dục, cô Nguyễn Thị Cẩm Tuyến - Hiệu trưởng Trường MN Thị trấn Lấp Vò (Đồng Tháp) - thống nhất với một số ý kiến về việc cán bộ quản lý kéo dài tuổi hưu; tuy nhiên đó phải là những người có tâm, có tầm.
“Nên chăng, đến 50 hoặc 55 tuổi sẽ lấy ý kiến hài lòng của tập thể. Nếu chỉ số hài lòng của tập thể cao thì tiếp tục làm việc. Điều này cũng tuỳ thuộc vào sự tự nguyện của bản thân cán bộ. Tuy nhiên, dù kéo dài cũng chỉ nên thêm trung bình 2 - 3 năm so với quy định hiện nay” – cô Nguyễn Thị Cẩm Tuyến trao đổi.
Vị nữ hiệu trưởng này cũng chia sẻ thêm hiện trạng tâm lý một số cán bộ lãnh đạo hiện nay, vì quyền lợi cá nhân không muốn rời bỏ “ghế nóng”, trong khi sức khỏe, năng lực không còn phù hợp, không đáp ứng được nhu cầu công việc, chỉ biết dựa vào quyền lực để hưởng lương, trong khi công việc không có chút sáng tạo, không những không giúp ích được cho giáo viên mà còn làm trì trệ sự phát triển chung của ngành, của địa phương. Thực trạng này càng cho thấy, việc lấy ý kiến tập thể là cần thiết. Nếu được sự đồng thuận, tập thể mong muốn lãnh đạo công tác thêm để chia sẻ thêm kinh nghiệm, sáng tạo, phát triển hơn cho trường, ngành, địa phương thì ở lại; nếu đồng thuận dưới 50% thì không nên.