Những giải pháp hay chống bạo lực học đường

GD&TĐ - Trước tình trạng bạo lực học đường đang nổi cộm, xã hội nhìn nhận coi đó là những vấn đề về: đạo đức, kỷ luật của học sinh, áp lực. Thầy Nguyễn Văn Hoà – Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng: nếu đã coi đó là đạo đức thì vi phạm đạo đức cần phải lên án, phải xử lý; nếu coi đó là kỷ luật thì cần xử lý học sinh nghiêm hơn, nặng hơn; nếu coi đó là áp lực thì chúng ta phải tìm mọi cách để giảm áp lực.

Thầy Nguyễn Văn Hoà – Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội)
Thầy Nguyễn Văn Hoà – Chủ tịch HĐQT trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội)

Đưa giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống vào nhà trường

Bạo lực học đường đang nổi cộm trên mạng xã hội, thực ra đó là những vấn đề thường ngày của nhà trường. Vấn đề là cách nhìn nhận và đánh giá của chúng ta và xã hội. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin thì vấn đề sẽ bị đẩy lên ở mức độ cao và lan toả rất nhanh.

Nêu quan điểm trên, thầy Nguyễn Văn Hòa không quá thiên về đánh giá liên quan đến nguyên nhân về đạo đức, kỷ luật, mà đây là tâm lý lứa tuổi học sinh, tâm lý giáo dục của nhà trường và giải quyết nó dưới góc độ tâm lý giáo dục.

“Tôi đã làm Hiệu trưởng 20 năm và hàng ngày phải xử lý rất nhiều chuyện: quan hệ giữa học sinh với học sinh, học sinh và thầy cô giáo, thầy cô giáo với cha mẹ học sinh là chuyện rất đau đầu và chiếm nhiều công sức, trí tuệ của tôi.

Tôi nghĩ mình không thể trực tiếp xử lý hết được mà làm thế nào để thầy cô, cán bộ, nhân viên nhà trường tự xử lý các vấn đề, xử lý tốt đẹp các vấn đề về bạo lực để từ chuyện lớn biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ biến thành vừa và vừa thành không có gì; phải làm cho môi trường của nhà trường thân thiện hơn, học sinh được hạnh phúc hơn” – thầy Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Một phương pháp xử lý được Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm thực hiện là đưa giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống vào trong nhà trường. Nhận định của thầy Hòa, trong 8 năm thực hiện việc này, nhà trường đã thay đổi hoàn toàn về cách tiếp cận và xử lý những vấn đề thuộc về bạo lực học đường. Các thầy cô xử lý vấn đề của mình tốt hơn, trường học trở nên thân thiện hơn, học sinh hạnh phúc hơn.

“Tôi cho rằng đây là giải pháp hàng đầu đối với các trường. Chúng tôi không quá nặng về xử lý kỷ luật hay đánh giá về đạo đức giáo viên mà đưa vào các giá trị và kỹ năng; bồi dưỡng cho giáo viên thông qua gia trị sống, kĩ năng sống; giúp họ biết quản lý cảm xúc của mình và chuyển hoá cảm xúc đó từ áp lực thành động lực, từ những vấn đề căng thẳng hàng ngày trở thành những chuyện họ có thể xử lý được và có động lực phấn đấu, cảm thấy hạnh phúc hơn. Giáo viên hạnh phúc học sinh sẽ hạnh phúc và nhà trường sẽ đạt được kết quả giáo dục ở tầm cao” – thầy Nguyễn Văn Hòa cho hay.

HS đến trường hạnh phúc là tiêu chí đánh giá

Nhắc đến ý kiến cho rằng chuyện bạo lực có nguyên nhân từ bệnh thành tích, theo thầy Nguyễn Văn Hòa, bệnh thành tích không riêng gì của giáo dục mà đó là của toàn xã hội.

Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã chỉ ra: trong những năm vừa qua, chúng ta đã nặng về kiến thức, về điểm số, thi cử và đánh giá học sinh, đánh giá con người thông qua điểm số.

Qua lăng kính của kết quả thi cử và như vậy, không tạo ra sự công bằng, không khuyến khích được học sinh phấn đấu và sẽ tạo ra những vấn đề nổi cộm của nhà trường, trong đó có vấn đề bạo lực. Bởi vậy, theo thầy Nguyễn Văn Hòa, mục tiêu giáo dục của nhà trường đúng như Nghị quyết 29 đã chỉ ra hướng về sự phát triển của con người phải là hình thành phẩm chất và phát triển năng lực.

“Ở trường chúng tôi có 3 mục tiêu: xây dựng một môi trường GD thân thiện, HS đến trường phải được hạnh phúc, HS đến trường đều được tiến bộ. Đó trở thành những tiêu chí đánh giá chất lượng GD của nhà trường, của các thầy cô. Việc đánh giá những tiêu chí này thường xuyên góp phần nâng tầm nhà trường. Cô giáo, nhà trường quan tâm đến hạnh phúc của học trò thì bạo lực sẽ giảm dần, sẽ không hết được nhưng từ chuyện to thành nhỏ, từ nhỏ thành không có gì. Tôi cho đây là cách giải quyết hiệu quả trong vấn đề giải quyết BLHĐ” – ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

 

Giúp giáo viên thay đổi

Có ý kiến cho rằng, bạo lực học đường là do trình độ nghiệp vụ của giáo viên, năng lực quản lý giáo dục của các Hiệu trưởng. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Hòa đồng thời cho rằng: năng lực nghiệp vụ sư phạm, năng lực nghiệp vụ chưa tốt thì có thể tập huấn, bồi dưỡng là cần thiết nhưng điều quan trọng là giáo viên phải tự thay đổi, tự đổi mới mình, giác ngộ được nhiệm vụ. Chính giáo viên thay đổi thì mới làm thay đổi được học sinh.

Ông Hòa cho biết, ở Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm có 3 yêu cầu đối với giáo viên: Giáo viên thay đổi, tự thay đổi; giáo viên hạnh phúc; tôn trọng sự khác biệt.

“Giáo viên phấn đấu không phải thi đua, không phải giáo viên dạy giỏi mà tôi nghĩ giáo viên phải phấn đấu là một nhà giáo dục, một nhà tâm lý. Và hiển nhiên khi là một giáo viên họ đã là một nhà tâm lý rồi. Nếu không trở thành một nhà tâm lý, một nhà giáo dục thực sự thì họ không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Tương tự như vậy các thầy Hiệu trưởng các nhà quản lý đều phải phấn đấu trở thành nhà giáo dục” – ông Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Làm thế nào để giáo viên thay đổi? Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết: gần đây VTV7 phát chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”. Ở trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, việc tiếp nhận những bài học của VTV7 đã được giáo viên lắng nghe và tiếp thu.

Nhà trường cũng có chương trình thay đổi việc sinh hoạt hàng tuần, hàng tháng của học sinh. Thay bằng kiểm điểm, đánh giá nhận xét hoặc phê bình thì học sinh sẽ lên nói về mình, nói về các bạn, tự tạo ra một sân chơi để học sinh được thể hiện mình.

Công việc, nội dung cần trao đổi, phổ biến sẽ chuyển bằng văn bản, qua email, do đó, trong những buổi sinh hoạt hội đồng giáo viên hàng tháng, thầy cô sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm… Những giải pháp đó được nhà trường thực hiện từ nhiều năm nay có hiệu quả.

Để giải quyết bạo lực học đường, chúng ta đang chuyển từ giáo dục chỉ cung cấp kiến thức sang giáo dục để phát triển con người, thì những quy chế, quy định về giáo dục, dạy học không còn phù hợp cần phải thay đổi. Cần thay đổi nhất là quy chế về đánh giá học sinh. Việc nhìn nhận học sinh không phải dưới lăng kính điểm số, không phải theo con mắt đánh giá “dán tem, dán nhãn”. - thầy Nguyễn Văn Hoà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ