Phòng chống bạo lực học đường: Lấy giáo dục, nêu gương làm chính

Điểm cầu trụ sở Bộ GD&ĐT
Điểm cầu trụ sở Bộ GD&ĐT

Chú trọng “phòng” là chính

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: thời gian qua đã có nhiều văn bản quy định của pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Riêng Bộ GD&ĐT cũng có nhiều Thông tư liên quan cũng như những văn bản cá biệt, chỉ thị về nội dung này, mà mới đây nhất là Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, bạo lực học đường có xu hướng lan rộng. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do đặc điểm lứa tuổi, tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các tác động khác từ môi trường gia đình, xã hội…

Xem nhẹ bất cứ một khâu nào trong nguyên lý nhà trường – gia đình – xã hội thì hiệu quả công tác phòng chống bạo lực học đường sẽ không cao 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là ngành Giáo dục cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng” bạo lực học đường là chính. Ngành Giáo dục phải tiên phong, chủ động để thực hiện nhiệm vụ này.

Cho biết hội nghị trực tuyến hôm nay không chỉ dừng lại ở 63 điểm cầu tại sở GD&ĐT mà cố gắng mở rộng đến điểm cầu cấp phòng GD&ĐT, Bộ trưởng nhấn mạnh: phòng chống bạo lực học đường là trách nhiệm của không chỉ các bộ ngành, địa phương, ban giám hiệu nhà trường… mà là trách nhiệm của từng thầy cô giáo, từng cán bộ, viên chức, người lao động và HSSV trong nhà trường; trách nhiệm của phụ huynh và toàn xã hội. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

Thầy cô phải là nhà giáo dục, không phải “thợ dạy”

Cũng theo Bộ trưởng, Hội nghị hôm nay nhằm tập trung trao đổi, thảo luận, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, trước hết trong thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thận thiện, an toàn, phòng chống bạo lực học đường; thống nhất các biện pháp, giải pháp và trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ này; hướng tới thực hiện căn cơ, bài bản, lấy “phòng” làm chính bằng các giải pháp “tháo”, “hóa giải” nguyên nhân, dẫn đến bạo lực.

Vai trò của nhà trường, nhất là thầy cô giáo chủ nhiệm, thầy cô giáo phụ trách đoàn, hội, đội, trách nhiệm của không chỉ hiệu trưởng mà cả lãnh đạo nhà trường cần phải được nâng cao.

“Các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục, không phải “thợ dạy”. Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe.” – Bộ trưởng nêu quan điểm.

Cho biết Công đoàn Giáo dục cũng phải vào cuộc sâu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đặc biệt nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong đẩy lùi bạo lực học đường. Cùng với đó là vai trò các trường sư phạm mà theo Bộ trưởng là phải chú trọng ngay từ khâu đào tạo giáo viên, thầy cô phải có năng khiếu sư phạm, yêu nghề mến trẻ; chương trình đào tạo cho giáo viên cũng phải thay đổi để từng thầy cô phải coi đây là nhiệm vụ của mình trong công tác giáo dục.

Trường sư phạm cũng phải có trách nhiệm với các cựu sinh viên của mình; có chương trình bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kĩ năng, kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ