Triển khai quyết liệt kế hoạch phòng chống bạo lực học đường 2019

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.
Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.

Nhiều giải pháp, bạo lực học đường vẫn gia tăng

Theo ông Bùi Văn Linh, thời gian qua, công tác xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo ban hành khá đầy đủ: Luật Giáo dục 2005, Luật trẻ em 2016 quy định các quyền của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ khỏi bạo lực học đường (BLHĐ),…

Chính phủ ban hành: Nghị định 80 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 Quyết định, 1 Chỉ thị. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ban hành theo thẩm quyền 25 văn bản, gồm các thông tư, quyết định, chỉ thị, các văn bản chỉ đạo điều hành và văn bản hành chính khác.

Với hệ thống văn bản quy phạm, chỉ đạo chặt chẽ, đầy đủ, kịp thời này, đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường…

Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp ở 1 số địa phương, cơ sở giáo dục; cá biệt có một số vụ việc bạo lực học đường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Việc xảy ra tình trạng bạo lực học đường, theo ông Bùi Văn Linh, xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu: Tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập; sự bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội; giáo dục trong một số gia đình chưa thực sự lành mạnh, nhiều bậc cha mẹ còn khoán trắng việc quản lý, giáo dục con em cho nhà trường; sự thay đổi nhanh chóng về tâm sinh lý của học sinh...

Ngoài ra, để xảy ra bạo lực học đường còn bởi một số địa phương chưa thường xuyên chỉ đạo thực hiện các quy định về bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường.

Công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho học sinh; hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm sáng tạo, hoạt động của Đoàn, Hội, Đội chưa hiệu quả để tạo ra môi trường an toàn, phòng, chống bạo lực học đường.

Việc thực hiện dân chủ cơ sở trong một số trường học còn hạn chế. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống chưa thực sự được quan tâm và hiệu quả chưa cao. Phối hợp giáo dục nhà trường, gia đình, xã hội chưa thường xuyên, chặt chẽ, đồng bộ trong việc quản lý, giáo dục học sinh. Nhất là đối với các học sinh có hoàn cảnh éo le, khó khăn, có vướng mắc mâu thuẫn chưa được hỗ trợ, xử lý kịp thời.

Một số nhà giáo và CBQL chưa đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực, cá biệt vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đôn đốc thực hiện ở cơ quan quản lý cấp trên chưa thường xuyên, kịp thời.

Công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành tại các địa phương thiếu chặt ché; Vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" như ở trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai những vấn đề nóng, bức xúc của dư luận xã hội, tuy nhiên ở cơ sở vẫn còn tình trạng thờ ơ, bàng quan, không quan tâm triển khai thực hiện.

Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.
Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường.  

Những giải pháp quan trọng

Để khắc phục tình trạng bạo lực học đường, ông Bùi Văn Linh cho biết, Bộ GD&ĐT triển khai quyết liệt kế hoạch phòng chống bạo lực học đường 2019; trong đó chú trọng công tác truyền thông; xây dựng môi trường giáo dục; tích hợp nội dung giáo dục phòng chống bạo lực học đường và chương trình và các hoạt động giáo dục; hoàn thiện các văn bản; bồi dưỡng nâng cao năng lực phẩm chất nhà giáo; tăng cường kiểm tra, giám sát...

Riêng về kiểm tra, giám sát, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức chuyên đề thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục về việc quán triệt nội dung Chỉ thị, Thông tư quy định quy tắc ứng xử của Bộ trưởng; làm việc với giáo viên chủ nhiệm, thông báo cho học sinh; dán tài liệu tại các vị trí dễ thấy; thành lập đường dây nóng (cả di động, cố định) để tiếp nhận phản ánh của học sinh, giáo viên khi có vụ việc xảy ra…

Đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ sẽ xử lý nghiêm ngay tại hiện trường, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng (tháng 6-7/2019)...

Hiệu trưởng các nhà trường cần ban hành kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường 2019 tại địa phương. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng, chống bạo lực học đường; phân công, quán triệt đến toàn thể học sinh, phụ huynh học sinh; tổ chức ký cam kết phối hợp giáo dục, quản lý giữa gia đình với nhà trường trong quản lý, giáo dục học sinh; tổ chức học sinh ký cam kết không vi phạm tệ nạn xã hội, bạo lực học đường...

Với các sở GD&ĐT cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai Chỉ thị 993 và Thông tư số 06/2019; bổ sung, hoàn thiện, xây dựng Bộ quy tắc ứng xử để sử dụng trong cơ sở giáo dục (theo qui định của Bộ Thông tư 06) phù hợp với lứa tuổi, cấp học, đặc trưng văn hóa của địa phương để thực hiện ngay.

Đồng thời, phối hợp các cơ sở đào tạo giáo viên hoàn thành tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho toàn bộ đội ngũ cán bộ giáo viên kiêm nhiệm tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát, tổng hợp các học sinh có hoàn cảnh éo le, khó khăn, vướng mắc trong học tập, cuộc sống và xây dựng chương trình hỗ trợ cụ thể báo cáo Sở để theo dõi, kiểm tra. Tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục về triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn trường học; phòng, chống bạo lực học đường và xử lý, công bố công khai kết quả xử lý để xã hội giám sát...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ