Mẹo ra câu hỏi trắc nghiệm môn Ngữ văn

GD&TĐ - Thạc sĩ Lê Thị Minh Nguyệt (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ về cách xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường THPT.

Ảnh: MH
Ảnh: MH

Với môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT đã đưa ra những định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá tương đối rõ ràng. Trong đó, nhấn mạnh đến định hướng: đa dạng hóa các hình thức và công cụ đánh giá, mạnh dạn thử nghiệm và áp dụng hình thức trắc nghiệm khách quan (TNKQ), tìm kiếm các hình thức ra đề phù hợp với đặc trưng môn học và thực tiễn dạy học ở địa phương.

Câu hỏi TNKQ trong việc kiểm tra đánh giá tất cả các môn học trong đó có môn Ngữ văn đang rất được quan tâm. Tuy nhiên, phần nhiều câu hỏi TNKQ không đạt được hiệu quả có nguyên do từ những hạn chế của cách ra đề.

Cách “gây nhiễu” phương án trả lời

Trong phần lựa chọn, cái khó không phải là đưa ra đáp án đúng mà là xây dựng được các phương án nhiễu hợp lí và thông minh.

Phương án nhiễu trong môn Ngữ văn được đánh giá là khó xây dựng vì nó rất dễ bị “lộ” và vì thế kéo theo khả năng không “đo” được năng lực của người làm bài.

Các nhà khoa học đã khẳng định: nếu một trong các câu nhiễu không hấp dẫn được ai thì thêm câu lựa chọn ấy vào cũng chỉ vô ích mà thôi.

Ví dụ: Đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây kể về đề tài gì?

A. Tình bạn/ B. Lòng hận thù/ C. Chiến tranh/ D. Thể thao

Trong ba phương án nhiễu trên (A, B, D), phương án nhiễu D quá lộ liễu và xa lạ với đề tài của một tác phẩm sử thi. Vì thế hầu hết người làm không lựa chọn câu đó.

Trường hợp các phương án nhiễu không có tác dụng gây nhiễu mà chỉ gợi ý, hướng người làm đi đến đáp án đúng.

Ví dụ: Dòng nào sau đây nêu đầy đủ nhất các thành phần của phép so sánh?

A. Hình ảnh được so sánh, phương diện so sánh./ B. Hình ảnh được so sánh, từ so sánh./ C. Hình ảnh được so sánh, phương diện so sánh, từ so sánh./ D. Hình ảnh được so sánh, phương diện so sánh, từ so sánh, hình ảnh so sánh.

Trong 4 phương án đó, học sinh thường không chọn 3 phương án nhiễu A, B, C. Vì trong lời dẫn của câu hỏi có từ “đầy đủ nhất” nên học sinh sẽ chọn phương án dài nhất.

Kiểm tra TNKQ là một lĩnh vực đo lường phức tạp. Nếu không có hiểu biết đầy đủ sẽ mắc phải những sai sót đáng tiếc thậm chí rất nực cười. 

Người ra câu hỏi cần thiết kế được các phương án sai có vẻ hợp lí. Nó phải đánh vào những “chướng ngại” mà người làm bài TNKQ thường gặp.

Chướng ngại về nhận thức

Chướng ngại lớn nhất mà người ra đề muốn “đo” được chính là những chướng ngại trong nhận thức. Do đó các phương án nhiễu phải được xây dựng trên những sai sót hay mắc của học sinh.

Các nhà tâm lí đã chỉ ra rằng trong bộ não người có hai loại trí nhớ: trí nhớ ngắn và trí nhớ dài. Nhưng học sinh sẽ càng nhẫm lẫn trong trí nhớ trước những kiến thức gần nhau, có mối quan hệ với nhau.

Ở môn Ngữ văn, với những kiến thức về tác giả, tác phẩm trong một giai đoạn văn học hoặc ở các bài học gần nhau thì học sinh thường nhầm lẫn nhất. VD: Dòng nào sau đây đúng nhất đặc điểm sáng tác của Tản Đà?

A. Tư duy nhạy bén, bầu nhiệt huyết sục sôi với giọng điệu thơ hào hùng.

B. Có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển Đường thi và thơ Pháp.

C. Đem đến cho thơ ca đương thời một sức sống mới với những cách tân nghệ thuật đầy sáng tạo.

D. Vừa tìm về cội nguồn sáng tác dân gian vừa có những sáng tác tài hoa độc đáo.

Phương án nhiễu A là đặc điểm sáng tác của Phan Bội Châu, phương án B là đặc điểm sáng tác của Huy Cận, phương án C là đặc điểm sáng tác của Xuân Diệu. Rõ ràng các tác giả này, học sinh đều được học ở các bài gần nhau trong chương trình Ngữ văn 11, trong óc học sinh đều có ấn tượng về tất cả các đặc điểm đó nhưng “chướng ngại” ở đây là tách và ghép đúng đặc điểm với từng tác giả.

Tuy nhiên những câu hỏi gặp chướng ngại về trí nhớ lại chỉ kiểm tra được năng lực tư duy ở mức độ nhớ - mức độ tư duy thấp nhất trong thang phân loại các kĩ năng tư duy ở mức độ cao của Bloom.

Chướng ngại khác trong nhận thức của học sinh là sự nhầm lẫn trong kiến thức, sự thiếu hụt về kiến thức tức là học sinh nắm kiến thức chưa đầy đủ. VD: Dòng nào chứa các từ láy trong khổ cuối bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận?

A. lớp lớp, hoàng hôn./ B. lớp lớp, dợn dợn. C. dợn dợn, hoàng hôn./D. dợn dợn, nhớ nhà.

B. Câu hỏi này vừa yêu cầu học sinh phải nhớ lại khổ thơ cuối bài thơ “Tràng giang” (Ngữ văn 11), đồng thời lại đánh vào chỗ thường sai lầm trong nhận thức của học sinh.

Học sinh thường kết luận vội vàng về từ láy khi chỉ dựa vào những dấu hiệu hình thức về mặt ngữ âm. Nhưng trong tất cả các phương án trên, các từ đều có dấu hiệu hình thức là từ láy. Vì thế học sinh rất dễ sai lầm nếu không phân biệt được một cách rõ ràng: từ láy, từ ghép (hoàng hôn), cụm từ (nhớ nhà).

Với những câu hỏi nhiều lựa chọn đánh giá thang bậc tư duy ở cấp độ cao của người học thì các phương án nhiễu cần đi vào việc học sinh gặp chướng ngại trong việc suy nghĩ sâu sắc một vấn đề nào đó hoặc gặp khó khăn trong việc tổng hợp, khái quát một vấn đề.

Với câu hỏi nhiều lựa chọn ở môn Ngữ văn, khi hỏi nội dung của một tác phẩm, các phương án nhiễu nên là: chỉ nêu một khía cạnh nội dung trong tác phẩm hoặc chỉ nêu nghĩa tường minh của tác phẩm. Chỉ có học sinh nào nắm chắc bài học và có hiểu biết sâu sắc mới nhận ra được cái bẫy ấy. VD: Luận điểm nào nêu đúng cảm xúc chủ đạo của tác giả trong bài thơ “Viếng lăng Bác”?

A. Nỗi đau đớn, tiếc thương vô hạn của nhà thơ khi Bác không còn nữa.

B. Tình yêu và lòng biết ơn vô hạn của tác giả khi đến viếng Bác.

C. Những xúc động nghẹn ngào của tác giả khi từ miền Nam ra thăm lăng Bác.

D. Suy nghĩ về quê hương, đất nước của tác giả khi vào lăng viếng Bác.

Các phương án nhiễu A, C, D đều là nội dung cảm xúc của bài thơ. Học sinh sẽ chọn vào các phương án này nếu không có cái nhìn sâu sắc và khái quát về tổng thể bài thơ.

Chướng ngại tâm lí

Học sinh thường gặp một số chướng ngại tâm lí như: khi làm câu hỏi nhiều lựa chọn, học sinh thường có xu hướng chọn những câu dài nhất vì học sinh cảm thấy những câu đó sẽ đầy đủ hơn.

Học sinh cũng có tâm lí chọn phương án khác biệt nhất so với các phương án còn lại. Khi không thể tìm ra đáp án đúng, tâm lí học sinh thường chọn đáp án B, C để hi vọng vào sự may rủi, hú họa.

Học sinh thường có xu hướng loại ra những câu ở trên và dưới để tập trung vào những câu ở giữa.

Khi xuất hiện kiểu phương án “Cả A, B, C đều đúng”, học sinh rất lưu tâm và thường lựa chọn phương án này. Vì vậy, các chuyên gia đánh giá có lời khuyên khi viết câu hỏi này là: tất cả các câu trả lời phải được viết theo cùng một lối hành văn, cùng một cấu trúc ngữ pháp, tức là tương đương về mặt hình thức và chỉ khác nhau về nội dung.

Yêu cầu của câu hỏi TNKQ là phải được đưa đi thử nghiệm và xử lí theo các kĩ thuật xây dựng test để đánh giá xem những câu hỏi này có đủ tiêu chuẩn là một câu hỏi TNKQ có giá trị đo lường hay không.

Để việc ra đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan các môn học nói chung và môn Ngữ văn nói riêng, người thiết kế phải nắm vững được chuyên môn giảng dạy, phải có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và khả năng dự đoán những sai sót thường xảy ra của học sinh với vấn đề đang khảo sát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lửa cháy đổ dầu thêm

GD&TĐ - Tổng giá trị gói viện trợ mới nhất Mỹ dành cho Ukraine được Hạ viện nước này phê chuẩn hôm 20/4 vừa qua là 60,84 tỷ USD.