Văn bản văn học chưa được coi là nguồn tài nguyên và giáo viên chưa quan tâm đến việc giúp học sinh học những kiến thức văn học để giúp học sinh phát triển khả năng cảm thụ, tự ý thức và hiểu hơn về thế giới xung quanh.
Trong lớp học, dù đã có nhiều sự trao đổi, thảo luận sinh động nhưng giáo viên vẫn là trung tâm, là người quyết định tất cả. Học sinh vẫn chỉ hoạt động một cách “tích cực” theo yêu cầu của giáo viên.
Trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông ở Việt Nam hiện nay, để đổi mới việc dạy học văn nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại, theo TS Dương Thị Hồng Hiếu, phải thay đổi đồng bộ từ quan niệm về mục tiêu môn học, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học và cách thức kiểm tra đánh giá.
Đứng từ góc độ bản chất của hoạt động đọc văn, TS Dương Thị Hồng Hiếu đề xuất:
Về quan niệm dạy đọc văn bản văn học: Hiểu “đọc” là kiến tạo nghĩa thì việc dạy đọc văn trong nhà trường chính là quá trình tương tác giữa cá nhân học sinh với chính mình, với văn bản và với xung quanh (bao gồm giáo viên, các học sinh khác và những người khác (hiện diện thông qua các ý kiến của họ được trình bày trong các kênh thông tin khác nhau).
Thông qua quá trình này, học sinh dựa trên kiến thức nền tự kiến tạo nghĩa cho tác phẩm. Qua đó, học sinh phát triển năng lực cảm thụ, giao tiếp, tự ý thức và hiểu hơn về thế giới xung quanh.
Ngoài ra, qua quá trình dạy đọc Văn, giáo viên còn cần giúp học sinh yêu thích đọc tác phẩm văn học hơn và biết dùng những kinh nghiệm có từ việc đọc này để giúp cho cuộc sống của chính học sinh trở nên tốt hơn.
Chương trình học phải có độ mở nhất định lấy kĩ năng chứ không phải nội dung kiến thức làm chính. Nên có nhiều bộ sách giáo khoa hoặc có một bộ gồm những văn bản bắt buộc, phần còn lại để giáo viên và học sinh tự chọn.
Về phương pháp giảng dạy: Giáo viên cần hiểu vai trò của mình không phải là người truyền đạt kiến thức mà là giúp tạo ra một môi trường thân thiện phù hợp để học sinh cảm thấy thoải mái tự do kiến tạo nghĩa cho văn bản.
Do vậy, giáo viên cần quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động nhằm khơi gợi, tạo hứng thú đọc cho học sinh. Giáo viên cần giúp cho học sinh cảm thấy tự tin về khả năng “đọc” của mình để học sinh có thể tự nhiên phát biểu những suy nghĩ về văn bản.
Học sinh phải hiểu được rằng việc hiểu không đúng hay mắc lỗi khi đọc cũng như việc có nhiều ý kiến trái ngược hoặc khác nhau về cùng một văn bản là điều hoàn toàn tự nhiên.
Ý kiến của giáo viên chỉ là ý kiến của một bạn đọc có kinh nghiệm hơn và không tồn tại cái gọi là “hiểu đúng”.
Việc học văn bản trong nhà trường chỉ là những khơi gợi đầu tiên và học sinh cũng như những người khác vẫn có thể tiếp tục suy nghĩ và có những khám phá tiếp theo về văn bản. Giáo viên có thể sử dụng bất cứ phương pháp giảng dạy nào miễn là đáp ứng những yêu cầu nêu trên.
Về kiểm tra đánh giá: Cần phải chú ý cả đánh giá tổng kết và đánh giá quá trình. Người ra đề thi có thể chọn bất cứ văn bản nào để ra đề, không nhất thiết phải là văn bản học sinh đã được học. Đề thi không nên chú trọng kiểm tra ghi nhớ kiến thức mà cần phải đánh giá được năng lực đọc văn của học sinh.
TS Dương Thị Hồng Hiếu cho rằng, những thay đổi này nếu được thực hiện sẽ trả việc dạy đọc văn về đúng với bản chất của hoạt động đọc, giúp học sinh thấy được ý nghĩa của việc đọc văn, từ đó yêu văn học và đồng thời giúp học sinh thực sự biết dùng những điều đã học để làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn.