Học phí mùa dịch: Kiểm soát thế nào?

GD&TĐ - Nhiều trường học ngoài công lập thông báo tăng học phí nhưng không đưa ra lý do cụ thể.

Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học giữ ổn định mức học phí của năm học 2021 - 2022 như năm học 2020 - 2021. Ảnh minh họa: Internet
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học giữ ổn định mức học phí của năm học 2021 - 2022 như năm học 2020 - 2021. Ảnh minh họa: Internet

Việc tăng học phí hàng năm dẫn đến những xung đột, thậm chí là kiện cáo. Từ sự việc này, bà Tăng Thị Ngọc Mai – đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh đặt vấn đề: Cần tính đến trách nhiệm giải trình của các trường trước người học, đồng thời kiểm tra giám sát các khoản thu, chi và lộ trình tăng học phí của các trường.

Không thể thích là tăng

- Nhiều trường tư điều chỉnh tăng học phí hằng năm mà không đưa ra lý do cụ thể. Điều này dẫn đến những xung đột, thậm chí là kiện cáo. Bà đánh giá như thế nào về việc này?

- Tôi có trao đổi với một số cơ sở giáo dục và đào tạo về việc này, thì được giải thích là: Họ tăng thu để đảm bảo bù chi. Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định, các trường ngoài công lập không được tăng học phí hàng năm. Khi đã tăng học phí rồi, hầu hết các trường sẽ không giảm, cho dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có kinh tế, chi tiêu của người học.

Bên cạnh đó, người học và phụ huynh thường có tâm lý: “Đâm lao, phải theo lao”, nên đã cho con vào học rồi, thì cố gắng khắc phục khó khăn để không bị lỡ dở học hành. Nắm bắt được tâm lý này, một số trường có chính sách tăng học phí hàng năm. Đến khi vượt ngưỡng, người học, phụ huynh mới phản ứng gay gắt, dẫn đến xung đột.

Vẫn biết, mọi chủ trương, chính sách, việc làm đều có lý do. Việc tăng học phí cũng vậy, các trường đều có lý do riêng, nhưng cái mà phụ huynh và người học cần là: Công khai, minh bạch và giải thích rõ ràng vì sao tăng học phí. Việc tăng này có đi kèm với tăng chất lượng hay không?

Tôi cho rằng, nếu làm giáo dục chân chính, việc tăng học phí cũng cần cân nhắc và phải có lộ trình. Việc tăng học phí phải có lý do và công khai. Tăng học phí phải đi kèm với tăng chất lượng giáo dục, đào tạo và dịch vụ. Còn nếu tăng chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu bù chi của các trường thì không bảo đảm tính bền vững. Đó là cách làm “ăn xổi”, dần dần nhà trường sẽ không thu hút được người học.

- Có ý kiến cho rằng, tăng học phí cũng là hình thức xã hội hóa giáo dục. Bà nghĩ sao về ý kiến này?

- Chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích xã hội hóa giáo dục. Nhưng xã hội hóa như thế nào để bảo đảm sự công bằng trong giáo dục và mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chính vì vậy, giáo dục cần nhiều nguồn lực, Nhà nước và nhân dân cùng có trách nhiệm chăm lo cho giáo dục. Nên việc có nhiều doanh nghiệp tham gia làm giáo dục là điều đáng quý. Tuy nhiên, làm giáo dục như thế nào đã có luật quy định, dù vậy vẫn còn thiếu nhiều về mảng học phí và chất lượng.

Tôi không đồng tình với ý kiến xã hội hóa giáo dục bằng cách tăng học phí. Khi chiêu sinh, các trường cần nêu mức giá phù hợp và phải giải thích được vì sao đưa ra mức giá đó. Nhân đây, tôi thiết nghĩ cần có sự kiểm soát bằng các văn bản quy định về mức trần học phí, để các trường không tăng học phí tràn lan. Tức là phải có sự quản lý, giám sát; làm giáo dục không thể thả nổi giống như giá cả thị trường.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai. Ảnh: TG
Bà Tăng Thị Ngọc Mai. Ảnh: TG

Cần hành lang pháp lý

- Có cần tính đến trách nhiệm giải trình của các trường trước người học?

- Điều này là đương nhiên! Nên có quy định các trường ngoài công lập thu chi như thế nào và việc tăng học phí cũng phải có lộ trình rõ ràng. Các trường cũng phải có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về mức thu của mình, để công khai, minh bạch và hài hòa lợi ích giữa các bên.

- Theo bà, làm thế nào để có thể giám sát các khoản thu, chi và lộ trình tăng học phí của các trường?

- Thực tế, công tác này đang gặp vướng mắc. Hiện nay, các trường ngoài công lập được coi như doanh nghiệp. Việc thành lập trường do ngành Kế hoạch và Đầu tư cấp phép hoạt động. Về nguyên tắc, nơi nào cấp giấy phép nơi đó có trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Nhiều cơ sở giáo dục dục được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép, Sở GD&ĐT rất khó vào kiểm tra vì không có cơ sở pháp lý.

Vì thế, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan. Bộ, ngành cơ quan Trung ương cũng cần có văn bản với những quy định khung để địa phương có cơ sở phối hợp làm việc, từ đó giải quyết thấu tình, đạt lý việc tăng học phí.

- Bà có kiến nghị gì về chế tài xử lý vi phạm tăng học phí?

- Tăng không có lý do, không giải thích tường minh có thể coi là bất hợp lý. Điều này, trước hết bản thân các trường sẽ dần mất đi uy tín, thương hiệu. Khi đó, việc tuyển sinh sẽ ngày càng khó khăn.

Ngoài ra, cũng cần có quy định rõ ràng về việc này và phải được biểu đạt bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Đó chính là hành lang pháp lý để có thể xử lý nếu các trường vi phạm về mức thu học phí.

Tùy theo mức độ, có thể xử phạt hành chính, thậm chí là chấm dứt hoạt động. Ở đây, vai trò của các địa phương rất quan trọng, nhưng muốn làm được thì phải hỗ trợ địa phương “công cụ”, đó là hành lang pháp lý và các quy định cụ thể về thẩm quyền xử lý.

- Trân trọng  cảm ơn bà!

“Nhiều người có tâm lý: Làm giáo dục “một vốn bốn lời” nên mục đích của họ là lợi nhuận, chứ không phải giáo dục, đào tạo. Tôi không đồng tình với quan điểm này. Nếu vì lợi nhuận và đặt lợi nhuận lên trên thì cần xem lại có nên làm giáo dục, đào tạo hay không?”. - Bà Tăng Thị Ngọc Mai
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.