Học phí mùa Covid-19: Nhà giàu cũng lo

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống, nhiều gia đình đang phải “vật lộn”, xoay xở để có đủ tiền học phí cho con.

Mỗi sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ được giảm 1 triệu đồng. Ảnh: NTCC
Mỗi sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ được giảm 1 triệu đồng. Ảnh: NTCC

Thế nhưng, với mức học phí hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu/năm, đây không phải là bài toán dễ.

Lập lại kế hoạch chi tiêu

2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến công việc kinh doanh của vợ chồng anh Nguyễn Đức Tuấn – phường Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn trong tình trạng bấp bênh. Trước đây, ngoài kinh doanh trong nước, anh có thêm mối làm ăn với các đối tác bên Nga, nên kinh tế gia đình thuộc hàng khá giả. Vì thế, ngoài việc chu cấp cho hai con học trường quốc tế, anh chị cũng không phải lo lắng về kinh tế hay chi phí sinh hoạt của gia đình. Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện khiến việc xuất - nhập khẩu bị gián đoạn, công việc kinh doanh trong nước cũng gặp khó khăn, vợ chồng anh đang tính phương án chuyển con trai út sang học trường công lập.

“Nếu cứ đà này, chắc gia đình không thể lo chu toàn cho 2 cháu học trường quốc tế. Gia đình tôi đang thiết lập lại kế hoạch chi tiêu. Tinh thần là tiết kiệm, hạn chế mua sắm những thứ không cần thiết để không bị thâm hụt vào các khoản cố định như: Chi phí học tập, trong đó có học phí của con cái. Dịch bệnh còn kéo dài, hơn nữa khi khống chế được dịch, kinh tế cũng khó có thể phục hồi lại ngay. Vì thế, cần tính toán trên mọi phương diện, tránh tình trạng “nợ” học phí” - anh Tuấn chia sẻ.

Theo học chương trình đào tạo chất lượng cao của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), em Nguyễn Tuấn Long chia sẻ: Bố mẹ mở 3 nhà hàng ăn uống ở Hà Nội nên thu nhập của gia đình cũng khá. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện, khiến việc kinh doanh nhà hàng của gia đình “thất thu”.

“Hiện, công việc kinh doanh của gia đình gần như đóng cửa, trong khi mỗi năm bố mẹ phải chi hơn 200 triệu tiền học cho hai anh em” – Long chia sẻ và cho biết: Em rất thương và không muốn trở thành gánh nặng của bố mẹ. Em đang tính đi làm thêm để phụ giúp gia đình. Thế nhưng dịch bệnh Covid-19 nên việc đi làm thêm cũng không hề dễ. Hiện, em nhận dịch tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt, mỗi tháng cũng được 2 - 3 triệu đồng, đủ chi tiêu cho cá nhân, nên không phải xin bố mẹ tiền tiêu vặt. Chỉ mong dịch Covid-19 sớm qua đi, để kinh tế của gia đình sớm bình ổn.

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh Covid-19, Trường ĐH FPT sẽ có kế hoạch để hỗ trợ sinh viên. Ảnh: Internet
Căn cứ vào tình hình dịch bệnh Covid-19, Trường ĐH FPT sẽ có kế hoạch để hỗ trợ sinh viên. Ảnh: Internet

Chủ động đề phòng rủi ro

Trước khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục đại học có chính sách hỗ trợ sinh viên. Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) thông báo giảm học phí cho toàn bộ sinh viên chính quy đang học online tại thời điểm 31/5, không tính những em đã dừng học. Mỗi sinh viên được giảm một triệu đồng, tổng số tiền hỗ trợ 23 tỷ đồng. Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) cũng thông báo giảm 7% học phí và hỗ trợ chi phí mạng 4G trong suốt thời gian SV học online. Theo đó, căn cứ vào số lượng tín chỉ, học phí và chi phí mạng 4G sẽ được nhà trường chuyển tới tài khoản của sinh viên.

Năm học 2020 - 2021, Trường ĐH FPT cũng trích hàng chục tỷ đồng từ Quỹ đầu tư phát triển để hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, nhà trường giảm tối đa 20% tổng học phí phải đóng các tháng kỳ hè. TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT khẳng định: Nhà trường luôn đồng hành và tạo điều kiện tối đa cho các em hoàn thành kế hoạch học tập, trong đó có việc hỗ trợ tài chính. Trong thời gian tới, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, nhà trường sẽ có kế hoạch hỗ trợ sinh viên, giúp các em yên tâm học tập và giảm áp lực về tài chính. TS Lê Trường Tùng khuyến nghị: Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều gia đình gặp khó khăn. Vì thế, các em cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý, nhằm ứng phó nếu đại dịch Covid-19 kéo dài.

Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Ngần – Giám đốc đào tạo Novaedu chia sẻ: Phụ huynh nên cân đối chi tiêu, sinh hoạt trong giai đoạn này. Có thể xây dựng kế hoạch tài chính gồm những mục cần chi, trong đó dành riêng một phần về chi phí học tập cho con cái để không rơi vào cảnh chi tiêu “quá tay” hoặc mất cân đối trong chi phí thường xuyên của gia đình. Coi các khoản chi phí học tập của con cái là một phần cố định, không được “lẹm vào”.

“Chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022, các gia đình cần tìm hiểu kỹ môi trường học tập, chi phí, nhất là trường quốc tế, trường chất lượng cao để chủ động về kinh tế, tránh tình trạng “đẽo cày giữa đường” - bà Ngần trao đổi.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, khi tìm hiểu mức học phí của trường ĐH, chẳng hạn là 100 triệu đồng/năm, phụ huynh không nên chỉ chuẩn bị “cứng” 100 triệu, mà tính đến nhiều yếu tố khác, trong đó có chi phí rủi ro có thể xảy ra. Vì thế số tiền gia đình chuẩn bị phải hơn 100 triệu. Ngoài ra, gia đình cần xác định cho con học trong môi trường nào, với mức chi phí là bao nhiêu; từ đó chủ động chuẩn bị tiền bạc. Khi đã có kế hoạch tổng thể và kế hoạch chi tiết, việc tiếp theo là quản lý chi tiêu như thế nào cho hợp lý.

“Dịch Covid-19 cho em bài học lớn về chi tiêu. Trước đây, em thích gì mua nấy, không phải lăn tăn, suy nghĩ. Nay kinh tế gia đình eo hẹp nên trước khi mua sắm bất cứ cái gì, em cũng tính toán trước sau. Em học được cách chi tiêu hợp lý hơn, biết dự phòng một khoản nho nhỏ để xử lý tình huống cần thiết” – Tuấn Long nói.
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.