Trao cơ hội, tạo động lực…

GD&TĐ - Theo thống kê, 5 tháng đầu năm nay, cả nước có 97.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Như vậy, bình quân mỗi tháng có 19.500 doanh nghiệp đóng cửa. Con số này chỉ thấp hơn rất ít so với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động mỗi tháng từ đầu năm.

Như vậy có thể thấy, “sức khỏe” của các doanh nghiệp dù đã được cải thiện phần nào nhưng thực tế vẫn còn “yếu”. Thậm chí, như đánh giá của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì doanh nghiệp trong nước đang rất khó khăn, không đủ sức để “lớn”, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của FDI.

Nguyên nhân khách quan là bởi nước ta là một trong những nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc vào nhu cầu thương mại của những nước nhập khẩu. Mặt khác, trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, hậu quả của dịch Covid-19 và các biến động phức tạp về địa chính trị kinh tế thế giới cũng đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nước ta, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ quan là do năng lực nội tại của không ít doanh nghiệp còn hạn chế. Cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư, thuế, đất đai còn vướng mắc, bất cập, nhất là các thủ tục hành chính rườm rà, nhiều tầng nấc.

Khả năng tiếp cận vốn tín dụng và các chính sách hỗ trợ còn khó khăn. Công tác dự báo tình hình, khảo sát, đánh giá thực trạng về những hạn chế, khó khăn chưa được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, còn có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ khi thực thi nhiệm vụ. Những rào cản này đã dẫn đến việc công tác phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính kéo dài, làm gia tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, giảm cơ hội thu hút đầu tư…

Còn theo đại diện Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, doanh nghiệp hiện đối mặt với ba vấn đề lớn là thị trường, vốn và pháp lý. Một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để. Một số bộ, ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự theo sát doanh nghiệp, chưa coi khó khăn của doanh nghiệp là của mình để đồng hành.

Một đại biểu Quốc hội đã từng nhấn mạnh rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, doanh nghiệp vẫn luôn là nền tảng vật chất quan trọng của nền kinh tế. Do đó, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn hay nhỏ cũng cần phải được quan tâm, bảo vệ và trao cơ hội, động lực để yên tâm, vững tin phát triển.

Vậy nên, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ, phục hồi và phát triển nhanh, bền vững, tạo động lực phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Có chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng cần hướng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, đơn giản hóa thủ tục cho vay, giảm mặt bằng lãi suất, có giải pháp gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật. Đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh nhằm tạo thuận lợi, giảm chi phí cho doanh nghiệp, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu khả thi... Có như vậy, doanh nghiệp mới có đủ điều kiện, động lực để phục hồi, phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.