Doanh nghiệp than khó tiếp cận vốn vay

GD&TĐ - Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM vẫn gặp không ít khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn, kể cả vốn tín dụng hay vốn tín chấp.

Khách hàng vay vốn tại HDBank. Ảnh: NHCC
Khách hàng vay vốn tại HDBank. Ảnh: NHCC

Khó vay vốn, vì sao?

Ông Lê Quyết Tâm, nhà sáng lập thương hiệu Anni Coffee cho hay, giá cà phê thời gian qua tăng cao nhưng nhờ doanh nghiệp mình “chịu lỗ” giữ giá hoặc chỉ tăng chút ít nên vẫn giữ được lượng khách hàng.

Tuy nhiên, thời điểm này việc tiếp cận vốn rất khó khăn. Nguyên nhân, doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, cùng với việc cho vay của các ngân hàng hiện nay cũng rất khó.

“Chúng tôi tìm nguồn vốn khác từ vay mượn của người quen trong gia đình hoặc từ tích lũy lâu nay. Nói chung là giai đoạn này phải giảm đối đa chi phí đầu vào để tăng nguồn vốn nhập hàng, đẩy mạnh bán lẻ, xây dựng website thương mại điện tử để tăng doanh số bán lẻ và chăm sóc khách hàng tốt hơn”, ông Tâm nói.

Ông Nguyễn Toại, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân về thực phẩm ở huyện Bình Chánh (TPHCM) cho rằng, câu chuyện khó vay vốn hiện nay của doanh nghiệp phần nào đó là do có vướng mắc từ chính doanh nghiệp. Song, điều ông Toại quan tâm là câu chuyện cơ cấu cấu nợ, giãn nợ cũng đang gặp khó.

Cụ thể, ông Toại cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn tới hết năm 2024 theo Thông tư 02/2022/TT-NHNN. Điều này là rất kịp thời, giúp doanh nghiệp đỡ vất vả trong bối cảnh sức mua vẫn đang khá yếu như hiện nay.

“Tôi cũng đang nợ khoảng 3 tỷ đồng, nhưng vài tháng qua thì không đủ dòng tiền do hàng bán không được. Vì vậy, tôi phải vay ngoài để đảo nợ rất vất vả. Nhưng nếu không trả nợ đúng hạn thì bị nợ xấu, mai mốt sẽ khó vay nếu muốn mở rộng sản xuất”, ông Toại nói.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, nhiều ngân hàng vẫn khẳng định, lãi suất cho vay hiện nay không còn là rào cản với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế, đã gần 1/2 quãng thời gian của năm 2024 qua đi mà con số tăng trưởng tín dụng cũng còn khá xa so với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm là 15%.

Chỉ tính riêng tại TPHCM, tính đến cuối tháng 5/2024, tín dụng trên địa bàn mới đạt trên 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 1,93% so với cuối năm 2023 và tăng 9,83% so với cùng kỳ…

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM đánh giá, con số này không cao như kỳ vọng, nhưng đặt trong cùng kỳ năm 2023 thì tăng trưởng đang tốt hơn, là cơ sở cho tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.

Đây là điểm sáng ngành ngân hàng đang tiếp tục phát huy, với phương châm nếu doanh nghiệp tốt, hỗ trợ để họ tiếp tục phát triển; nếu doanh nghiệp khó khăn, hỗ trợ để giúp họ vượt qua khó khăn.

Nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm do nền kinh tế vẫn còn đối mặt với những khó khăn, nhiều ngành hàng vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, đặc biệt việc vay vốn của các cá nhân, tiểu thương và hộ kinh doanh vẫn còn nhiều “nút thắt” khi tiếp cận nguồn vốn.

Chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương đánh giá, thực ra ở toàn bộ hệ thống ngân hàng, các chính sách cho vay đang rất thông thoáng, trên khuynh hướng hỗ trợ cho các doanh nghiệp rất nhiều.

“Một số doanh nghiệp không vay được là do họ có câu chuyện riêng của họ. Đó là họ không đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chí về chất lượng tài sản đảm bảo. Hoặc, tính khả thi của các dự án dùng để làm mục đích vay không đảm bảo. Ngoài ra, có thể các doanh nghiệp này có lịch sử nợ xấu thời gian qua”, ông Phương nói.

Theo chuyên gia này, có thể các doanh nghiệp này cũng được vay vốn nhưng lãi suất sẽ bị đánh cao hơn mặt bằng chung nên họ chần chừ không muốn vay. “Thường các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay đều rơi vào các trường hợp trên”, ông Phương nói.

Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính thuộc (Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang tăng nhanh, tiến gần tới ngưỡng 3%, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm xuống dưới 100% thay vì luôn ở trên 100% như trước đây. Như vậy, các ngân hàng cũng sẽ phải chịu áp lực tăng trích lập dự phòng để bù đắp cho chỉ số an toàn tài chính đang có dấu hiệu sụt giảm.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TPHCM vẫn khó vay vốn. Ảnh: Quốc Hải

Doanh nghiệp nhỏ và vừa ở TPHCM vẫn khó vay vốn. Ảnh: Quốc Hải

Để doanh nghiệp đỡ vất vả

Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%, theo tờ trình của Chính phủ. Thời hạn áp dụng chính sách này từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2024.

Trước tình hình nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn vay, các chuyên gia kinh tế cho rằng sắp tới nếu đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp sẽ đỡ vất vả hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), đánh giá việc giảm thuế GTGT là cần thiết. Nếu chính sách này được xem xét kéo dài thời gian áp dụng đến sau Tết Nguyên đán 2025, có thể phát huy tối đa hiệu quả kích cầu trong mùa cao điểm mua sắm của cả nước.

Đặc biệt, Chủ tịch HUBA cũng đề xuất, thay vì giảm đều ở mức 2% cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, nên chăng tăng mức giảm thuế suất thuế GTGT cho những sản phẩm thiết yếu, gắn với đời sống hằng ngày của người dân…

Chuyên gia tài chính Trương Hiền Phương kiến nghị, cần phải thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước thông qua việc giảm 2% thuế suất thuế GTGT song song với bảo đảm việc làm và thu nhập của người dân.

“Nhà nước cần triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính căn cơ, chiến lược để tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi, thông thoáng hơn; cân đối, hài hòa giữa chính sách tỷ giá và lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn…”, ông Phương kiến nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa đề xuất song song với chính sách tài khóa, cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp kích cầu đầu tư, sản xuất. “Chậm nhất là cuối tháng 6, đầu tháng 7/2024, TPHCM phải ban hành các quyết định về kích cầu đầu tư để doanh nghiệp đầu tư sản xuất, nhập máy móc, thiết bị, triển khai dự án..., từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, TPHCM cũng phải quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công để tạo lực đẩy cho tổng cầu”, ông Hòa kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Lệnh (NHNN Chi nhánh TPHCM) cho hay, để duy trì mức tăng trưởng ổn định đến cuối năm, thành phố cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tạo lập dòng tiền, luân chuyển vốn tháo gỡ điểm nghẽn tín dụng; duy trì xu hướng tăng trưởng tín dụng; thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp gắn với cơ chế chính sách hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương về tín dụng, lãi suất, dịch vụ và cải cách hành chính…

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên địa bàn về những khó khăn khi tiếp cận vốn. Doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, có thể gọi ngay số điện thoại: (028) 38.211.230.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ