Trang bị kỹ năng 'lọc rác' trên mạng cho học sinh

GD&TĐ - Giáo dục kỹ năng sống, sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh là vấn đề cấp thiết...

Tiết học Google của học sinh Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM). Ảnh: M.A
Tiết học Google của học sinh Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TPHCM). Ảnh: M.A

Internet, mạng xã hội đã đem lại cho học sinh những lợi ích to lớn trong việc tiếp nhận thông tin, kiến thức phục vụ học tập cũng như kết nối, giao tiếp và chia sẻ dễ dàng. Bên cạnh mặt tích cực cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, do đó, giáo dục kỹ năng sống, sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh thời gian qua luôn được các trường học đặc biệt quan tâm.

Cẩn trọng tin giả, xấu độc

Tháng 10/2024, trên một số Fanpage, mạng xã hội lan truyền thông tin nam sinh một Trường THPT ở huyện Bình Chánh (TPHCM) đặt thiết bị, camera quay lén trong nhà vệ sinh nữ. Hàng nghìn hình ảnh và video được phát tán và buôn bán trên những web đen. Thông tin trên làm giáo viên, học sinh, phụ huynh hoang mang.

Tuy nhiên, sau khi vào cuộc xác minh, Công an huyện Bình Chánh khẳng định không có camera quay lén trong nhà vệ sinh ở ngôi trường này. Đồng thời đề nghị phụ huynh bình tĩnh, động viên học sinh yên tâm học tập, đăng tải thông tin thận trọng, có kiểm chứng khi sử dụng mạng xã hội. Mọi hành vi bịa đặt, vu khống, đăng tin sai sự thật sẽ bị xử lý theo pháp luật.

Trong kỷ nguyên số, nhiều trang Facebook của các trường học TPHCM được thành lập, hoạt động với mục đích trao đổi về tình hình học tập cũng như chia sẻ các chương trình của nhà trường. Tuy nhiên, một số thành viên lại đăng tải thông tin ở chế độ “người tham gia ẩn danh”, trong đó có nội dung không đúng thực tế.

Từ những thông tin đó, dưới các dòng trạng thái đều xuất hiện nhiều bình luận, ngôn ngữ không chuẩn mực. Thậm chí nhiều tài khoản Facebook không nắm rõ độ chính xác của thông tin lại chia sẻ các bài viết trên trang cá nhân hay trong các hội, nhóm khác.

Theo chia sẻ của Hiệu trưởng một trường THPT tại TPHCM, học sinh THPT sử dụng điện thoại di động ngày càng nhiều. Do yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, các em cần công cụ tìm kiếm thông tin, trao đổi nhóm. Tuy nhiên, bên cạnh mục đích tích cực, nhiều em đã lạm dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng hay công kích, nói xấu nhau.

Đặc biệt, việc học sinh nhanh chóng chia sẻ và lan truyền tin tức, kể cả khi chưa được kiểm chứng, xuất phát từ mong muốn thể hiện bản thân, gây sự chú ý. Mặt khác, phụ huynh cho con em dùng điện thoại, nhưng ít người để tâm hướng dẫn cách dùng Internet, mạng xã hội đúng cách.

Theo ThS Võ Minh Thành - giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học sư phạm TPHCM, người trẻ có nhu cầu giao tiếp, kết nối bạn bè rất lớn, trong khi truy cập Internet lại dễ dàng, mạng xã hội hấp dẫn và miễn phí.

Ngoài ra, không ít học sinh thiếu kỹ năng thẩm định thông tin, không có mục tiêu dùng mạng xã hội rõ ràng, nên dễ bị cuốn theo những thông tin tiêu cực. Mặt khác, lạm dụng mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc học và sự phát triển nhận thức của các em. Với học sinh ở độ tuổi lớn hơn, lạm dụng mạng xã hội sẽ ảnh hưởng quỹ thời gian học tập.

trang-bi-ky-nang-loc-rac-tren-mang-cho-hoc-sinh-2.jpg
Học sinh Trường THPT Linh Trung (TP Thủ Đức, TPHCM) tham gia chuyên đề ứng xử thông minh với mạng xã hội. Ảnh: M.A

Nâng cao nhận thức cho học sinh

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm 73,3% dân số; trong số đó, có 7,1% thuộc độ tuổi từ 13 - 17 và 9,7% độ tuổi từ 18 - 24. Khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet hằng ngày, con số này ở lứa tuổi 14 - 15 là 93%.

Số liệu thống kê từ Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cho thấy, thời gian trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội trung bình 5 - 7 giờ/ngày. Tham gia hoạt động trên mạng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều rủi ro như tiếp cận với nội dung độc hại, bị phát tán thông tin riêng tư, nhạy cảm; bị bắt nạt trực tuyến hoặc rơi vào tình trạng nghiện Internet.

Nhằm giúp học sinh nhận biết vai trò, tầm quan trọng cũng như mặt trái của mạng xã hội trong đời sống hiện nay, quy định của pháp luật, các trường học thường xuyên tổ chức chuyên đề về “Kỹ năng ứng xử trên không gian mạng cho học sinh”, “Phiên tòa giả định”, hay các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng và bảo vệ trẻ em trên không gian mạng...

Cô Nguyễn Thị Tường Minh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TPHCM) cho biết, nhà trường luôn quan tâm xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học, theo đó có định hướng học sinh sử dụng mạng xã hội phù hợp. Việc giáo dục học sinh kỹ năng sử dụng mạng xã hội thông qua các chuyên đề, lồng ghép trong hoạt động giáo dục nhằm giúp trò hiểu được lợi, hại và cách sử dụng hiệu quả được nhà trường tổ chức hằng tháng. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm cũng thường xuyên tuyên truyền về các kỹ năng cho học sinh.

“Thông qua các hoạt động đã giúp học sinh nhận diện những hành vi không chuẩn mực, biết cách hành xử phù hợp, tôn trọng quyền riêng tư của thành viên khác. Đặc biệt, mỗi chuyên đề, thầy cô đều có những câu chuyện thời sự, ví dụ trực quan; từ đó hướng dẫn học sinh rút kinh nghiệm từ cách bình luận, bấm thích, chia sẻ thông tin”, cô Minh cho hay.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11, TPHCM) Nguyễn Tấn Tài cho biết, thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng khi học sinh sử dụng mạng xã hội. Do đó ngoài tổ chức nhiều sân chơi giáo dục kỹ năng giúp các em nâng cao hiểu biết về pháp luật, nhận thức được hành vi ứng xử phù hợp, văn minh… nhà trường còn phối hợp Chi hội Luật sư (Hội Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM) tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “Phòng, chống bạo lực học đường”.

“Tình huống đưa ra xét xử là do mâu thuẫn trên mạng xã hội nên học sinh đã hẹn nhau để giải quyết và cuối cùng xảy ra hậu quả khôn lường, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Qua “Phiên tòa giả định” đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn các em nhận biết các hành vi sai trái và quy định nghiêm minh của pháp luật cũng như việc sử dụng mạng xã hội sai cách, thông tin thế giới ảo thành hệ lụy thật”, thầy Tài cho hay.

ThS Võ Minh Thành nhấn mạnh: “Ngoài nỗ lực của các trường học, vai trò của gia đình trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh rất quan trọng. Các bậc cha mẹ cần quan tâm, quản lý hoạt động của con em trên không gian mạng. Thay vì cấm đoán, hãy đồng hành cùng trẻ trong việc sử dụng, dạy cách sử dụng Internet an toàn, hợp lý. Bên cạnh đó, cha mẹ hãy dạy trẻ những kỹ năng xử lý giải quyết tình huống trên mạng xã hội, cách bảo vệ mình trên Internet, bảo mật thông tin…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ