Học sinh được tuyên truyền về kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn

GD&TĐ - Thông qua hình thức trực tuyến, các em học sinh đã được chuyên gia chia sẻ về những lưu ý cơ bản khi sử dụng mạng xã hội để không vi phạm pháp luật.

Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.
Ảnh minh họa: Khôi Nguyên.

Kỹ năng sử dụng mạng xã hội

Ngày 2/11, Trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội) đã tổ chức chương trình hưởng ứng "Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021" dưới hình thức trực tuyến. Tham dự sự kiện có đại diện từ Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội, Phòng GD&ĐT, Phòng Tư pháp huyện cùng một số ban ngành khác. Nội dung chính được chia sẻ tại chương trình là kỹ năng sử dụng mạng xã hội (MXH) an toàn. 

Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học, Bộ Công an khẳng định, vai trò của MXH trong đời sống con người hiện nay là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, MXH nếu không được sử dụng đúng cách cũng đem đến nhiều hiểm họa. Có những thông tin trên MXH thiếu kiểm chứng, sai sự thật gây ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức. 

"Trong bối cảnh phải học trực tuyến, việc trang bị cho học sinh thiết bị kết nối mạng là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần trang bị cho các em các kỹ năng sử dụng MXH như đã phân tích ở trên để hạn chế tối đa những mặt trái của MXH với các em", chuyên gia Tội phạm học Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

Đây cũng có thể được kẻ xấu dùng làm công cụ phát tán, tuyên truyền những thông tin sai sự thật để phục vụ cho những mục đích khác nhau. Người dùng dễ bị lôi kéo vào những hành động vi phạm pháp luật nếu nhận thức kém, thiếu phông văn hóa và kiến thức xã hội. 

Đối với học sinh trung học, nếu không tỉnh táo cũng sẽ bị kẻ xấu lôi kéo vào những hành vi vi phạm pháp luật trên MXH. Do vậy, việc trang bị những kiến thức cơ bản khi sử dụng MXH là vô cùng cần thiết để các em có thể tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. 

Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, việc trang bị các kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh là cần thiết. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, việc trang bị các kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho học sinh là cần thiết. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trung tá Đào Trung Hiếu chia sẻ, điều đầu tiên các em cần lưu ý khi tham gia sử dụng MXH là ở khâu kết bạn. MXH là thế giới ảo, học sinh không nên kết bạn một cách tùy hứng, bừa bãi hay chấp nhận mọi lời mời từ người lạ. Chỉ nên đồng ý kết bạn với những người có sự tin cậy nhất định thông qua việc đánh giá thông tin trên trang cá nhân của họ. Không dùng chung trang cá nhân hay mật khẩu với người khác. 

Học sinh không đưa lên mạng những thông tin cá nhân của mình lên một cách quá chi tiết như: Số Căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ nhà hay tài khoản ngân hàng...

Những hình ảnh có tính chất khoe của cũng không nên đưa lên mạng vì sẽ kích thích lòng tham của kẻ xấu. Và quan trọng nhất, trước khi đưa thông tin hay hình ảnh gì lên mạng, các em hãy tự phán đoán xem điều đó có gây ra hậu quả gì. Nếu còn băn khoăn thì không nên đưa. 

Đưa tin giả lên mạng xã hội là phạm pháp

Đây là chương trình làm điểm cho toàn huyện Hoài Đức. Tại đây, các em học sinh của Trường THCS Đông La đã xem một clip tiểu phẩm ngắn nói về một nữ sinh lớp 6 được nhận quà từ chương trình "Sóng và máy tính cho em" của nhà trường nhưng không tập trung việc học mà dùng điện thoại để lên mạng bình luận ở một bài viết nói rằng, gần nhà mình có tới gần chục F0 nên sắp phải đi "trốn". Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn không có ca F0 nào cả. 

Ngay sau đó, em này đã được bố và bác hàng xóm đưa đến nhà một luật sư. Tại đây, luật sư phân tích rõ cái sai của em và yêu cầu tự thoát ra khỏi những hội nhóm trên MXH không chính thống. Các em tuyệt đối không đăng thông tin, hình ảnh hay bình luận nào sai sự thật, nhất là liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 của địa phương. Trong quá trình giao lưu, chủ giảng và các em học sinh thường xuyên có sự trao đổi hai chiều. Nhà trường dùng các phần mềm Padlet để học sinh tương tác và trò chơi Quizizz để học sinh trả lời các câu hỏi tìm hiểu về pháp luật.

Chương trình hưởng ứng "Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021" được Trường THCS Đông La tổ chức bằng hình thức trực tuyến.
Chương trình hưởng ứng "Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2021" được Trường THCS Đông La tổ chức bằng hình thức trực tuyến.

Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Đông La nhấn mạnh: Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được nhà trường lồng ghép trong nhiều hoạt động khác nhau như sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, giờ học môn Giáo dục công dân, nếp sống văn minh thanh lịch của người Hà Nội, kỹ năng sống.

Bằng những bài học cụ thể, tình huống thực tế của đời sống liên quan, các em đã được trang bị những kiến thức cơ bản như sử dụng mạng xã hội như thế nào, tránh xa những trang mạng không lành mạnh, tránh bị lôi kéo, kích động đi theo các phần tử xấu gây hại tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội...

Trong những năm qua, Trường THCS Đông La cùng với toàn ngành giáo dục Hoài Đức luôn làm tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11; bảo vệ an toàn trường học, an toàn giao thông; phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, phòng chống tác hại của rượu bia, thuốc lá, ma túy; xây dựng nếp sống văn hóa, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.