Kỹ năng sử dụng mạng xã hội: Thầy, trò đều phải học

GD&TĐ - Học sinh sử dụng Internet, mạng xã hội để học tập, giao lưu, giải trí đã trở nên phổ biến.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tham gia chuyên đề “Kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội”. Ảnh: TG
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa tham gia chuyên đề “Kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội”. Ảnh: TG

Do đó, các trường học ở TPHCM đặc biệt quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống, sử dụng mạng xã hội an toàn cho các em.

Hiểm nguy rình rập

Cuối tháng 10 vừa qua, mạng xã hội lan truyền một đoạn video clip ghi lại cảnh một nam học sinh Trường THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh) bị bạn trong lớp đánh tới tấp vào mặt và đầu. Vụ việc có sự chứng kiến của nhiều em khác.

Sau khi xác minh, hội đồng kỷ luật nhà trường không chỉ đưa ra hình thức kỷ luật đối với 2 học sinh trực tiếp xô xát, mà còn đình chỉ học tập 1 tuần, hạ mức đánh giá kết quả rèn luyện học kỳ I xuống loại trung bình đối với học sinh quay clip. Đây là lần đầu tiên trường học đưa ra hình thức kỷ luật đối với học sinh quay clip vụ bạo lực học đường nhằm tăng cường giáo dục các em.

Thời gian qua, nhiều trang Facebook của trường hoạt động với mục đích trao đổi về tình hình học tập cũng như chia sẻ về các chương trình của nhà trường. Tuy nhiên, một số thành viên lại đăng tải thông tin ở chế độ “người tham gia ẩn danh” nên dưới các dòng trạng thái đều xuất hiện nhiều bình luận, ngôn ngữ không chuẩn mực. Hàng loạt chủ đề từ chất lượng bữa ăn bán trú, lịch thi của nhà trường kế hoạch tham gia các hoạt động ngoại khóa, phương pháp dạy học của giáo viên… cũng được đăng lên.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Tường Minh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3), tỷ lệ học sinh THPT sử dụng điện thoại di động ngày càng nhiều. Do yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, các em cần công cụ tìm kiếm thông tin, trao đổi nhóm, thực hiện các tiểu luận học tập.

Tuy nhiên, bên cạnh mục đích tích cực, nhiều em đã lạm dụng mạng xã hội để công kích, nói xấu học sinh, thậm chí là cả giáo viên. Không dừng lại ở đó, nhiều em kêu gọi bạn bè tẩy chay một thành viên trong lớp, quay video đăng lên mạng xã hội.

“Sử dụng trang cá nhân trên mạng xã hội đối với nhiều học sinh đã trở thành thói quen, thậm chí gây “nghiện”. Không ít em coi mạng xã hội, trang Facebook cá nhân như một phương tiện để giải trí, giết thời gian, tán ngẫu và thể hiện các hành vi xấu của mình.

Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc xảy ra ở các trường phổ thông chủ yếu liên quan đến mạng xã hội, điển hình như bạo lực học đường. Từ việc quen biết trên mạng, lời qua tiếng lại trên thế giới ảo dẫn đến ẩu đả ngoài thế giới thực. Tình trạng sống ảo, a dua, đua đòi và lối sống thiên về hưởng thụ đã xuất hiện nhiều ở giới trẻ, trong đó có học sinh”, cô Minh cho hay.

TS Bùi Hồng Quân - giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho rằng, nếu cha mẹ không quan tâm, việc lạm dụng mạng xã hội có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc học và sự phát triển nhận thức của các em. Với học sinh ở độ tuổi lớn hơn, lạm dụng mạng xã hội sẽ ảnh hưởng quỹ thời gian học tập, tăng nguy cơ bị lừa đảo, lợi dụng, bắt nạt trực tuyến.

Thầy Võ Kim Bảo luôn quan tâm đến việc giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống và kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh. Ảnh: TG

Thầy Võ Kim Bảo luôn quan tâm đến việc giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống và kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh. Ảnh: TG

Phối hợp gia đình, nhà trường

Để học sinh có kỹ năng ứng xử và sử dụng mạng xã hội đúng cách, các trường học tại TPHCM đã tổ chức nhiều chuyên đề, hoạt động. Gần đây nhất, cuối tháng 10 vừa qua, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Quận 1) tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội”. Hoạt động đã giúp học sinh nhận diện những hành vi không chuẩn mực khi sử dụng mạng xã hội, qua đó giáo dục các em cách hành xử phù hợp, tôn trọng quyền riêng tư của thành viên khác.

Theo thầy Võ Kim Bảo - Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), thầy cô chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục học sinh về đạo đức, lối sống và kỹ năng sử dụng mạng xã hội văn minh. Tuy nhiên, học sinh ở nhà nhiều hơn ở trường nên cần sự hợp tác của gia đình trong định hình nhân cách, lối sống cho trẻ. Để nâng cao hiệu quả giáo dục, trước tiên giáo viên phải đồng hành được với học trò, giúp các em có thể mở lòng, chia sẻ với thầy, cô, từ đó tìm ra hướng giải quyết vấn đề đang gặp phải.

“Theo tôi, giáo viên cũng cần học cách sử dụng mạng xã hội. Thầy cô cần chủ động tạo sự liên kết với học sinh trên mạng xã hội như lập nhóm chat hay trang Facebook cho lớp, từ đó định hướng cách dùng cho học sinh cũng như can thiệp, xử lý kịp thời các tình huống ngoài ý muốn. Nhà giáo cần xử lý mềm mỏng, linh hoạt trước tình huống học sinh vi phạm nội quy, đạo đức trên mạng xã hội, đồng thời kết hợp chặt chẽ với gia đình trong quản lý học sinh sử dụng mạng xã hội”, thầy Võ Kim Bảo chia sẻ.

Học sinh sử dụng mạng xã hội không chỉ ở trường học mà phần nhiều thời gian tại gia đình. Chia sẻ thông tin, TS Bùi Hồng Quân nhìn nhận, phụ huynh hoặc những người thân trong gia đình đặt ra quy định về thời gian sử dụng mạng xã hội thế nào cho phù hợp. Bên cạnh đó, nhà trường cần giáo dục học sinh kỹ năng sử dụng mạng xã hội thông qua các chuyên đề, lồng ghép trong hoạt động giáo dục nhằm giúp trò hiểu được cái lợi, cái hại và cách sử dụng sao cho hiệu quả.

“Trong những năm gần đây, tình trạng học sinh sử dụng mạng xã hội không đúng mục đích đã và đang gây ra những hậu quả đáng tiếc. Nhà trường luôn quan tâm xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó có việc định hướng học sinh sử dụng mạng xã hội phù hợp. Đơn vị đồng thời tổ chức nhiều sân chơi giáo dục kỹ năng, qua đó giúp các em nâng cao hiểu biết về pháp luật, nhận thức được hành vi ứng xử phù hợp, văn minh, góp phần phòng ngừa bạo lực học đường”, cô Tường Minh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...