Đến năm học 2024 - 2025, chương trình được thực hiện tại 100% trường tiểu học.
Nhiệm vụ chuyển đổi số
Giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học tại TPHCM được thực hiện qua 4 hình thức: Dạy học môn Tin học theo Chương trình GDPT năm 2018; giáo dục kỹ năng công dân số tích hợp trong dạy học các môn học ở tiểu học; dạy học tăng cường nội dung giáo dục kỹ năng công dân số; tổ chức câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số.
Theo đại diện Sở GD&ĐT TPHCM, đưa giáo dục kỹ năng công dân số vào chương trình giảng dạy là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong giáo dục tiểu học, đó cũng là mục tiêu của chương trình mới nhằm hình thành kỹ năng cần thiết cho công dân số.
Bà Nguyễn Vĩnh Bảo Châu - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 chia sẻ, trong bối cảnh 4.0 hiện nay, chắc chắn phụ huynh không thể cấm cản trẻ tiếp xúc với công nghệ thông tin - truyền thông. Ở lứa tuổi này, các em không chỉ tò mò, mong muốn khám phá và sử dụng công nghệ thông tin còn học hỏi rất nhanh, nhạy bén khi ứng dụng vào đời sống. Do đó, nếu không định hướng rõ ràng, học sinh dễ vướng phải rủi ro, nguy hiểm trực tuyến.
“Căn cứ vào kế hoạch của Sở GD&ĐT TPHCM, Phòng GD&ĐT Quận 12 đã chọn 2 trường tiểu học thực hiện thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số, đồng thời ban hành kế hoạch về giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học năm học 2023 - 2024 đến cơ sở giáo dục trên địa bàn quận.
Trong đó, phòng hướng dẫn các trường tích hợp nội dung này trong dạy học môn học ở tiểu học. Cụ thể giáo viên (ngoài giáo viên dạy môn Tin học) sẽ nghiên cứu nội dung chương trình môn học, phương pháp phù hợp để thực hiện tích hợp hiệu quả nội dung giáo dục kỹ năng công dân số. Ngoài ra, tùy nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, trường học có thể tổ chức các câu lạc bộ giáo dục kỹ năng công dân số để tăng cường nội dung giáo dục này…”, bà Châu cho hay.
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, sở cũng yêu cầu giáo viên khi giảng dạy cần kết hợp và trực tiếp phát triển các năng lực chung cho học sinh như: Tự chủ, tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Ngoài ra, sở hướng dẫn các trường áp dụng phương pháp dạy học tích cực trong quá trình giáo dục kỹ năng công dân số.
“Sở khuyến khích giáo viên sử dụng phương pháp dạy học theo dự án để phát huy khả năng làm việc nhóm, tự học và tính chủ động của học sinh; yêu cầu học sinh không chỉ đề xuất giải pháp cho vấn đề mà còn biết kiểm chứng hiệu quả giải pháp thông qua sản phẩm số. Với một số chủ đề liên quan trực tiếp đến lập luận, suy diễn logic, tư duy thuật toán và giải quyết vấn đề không nhất thiết phải sử dụng máy tính...”, ông Nguyễn Bảo Quốc nói.
Giờ học Tin học của học sinh Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Quận 10). Ảnh: TG |
Thuận lợi triển khai
Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) được chọn thí điểm chương trình giáo dục kỹ năng số cho học sinh. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Phan Thị Châu, từ đầu năm học 2023 - 2024, nhà trường đã đưa nội dung này vào giảng dạy đối với khối 1 và 2. Do đó khi được chọn là đơn vị thí điểm trường rất thuận lợi trong triển khai.
Theo cô Phan Thị Châu, trên thực tế việc giúp học sinh có kỹ năng cơ bản về sử dụng công nghệ và truyền thông an toàn, đúng cách sẽ góp phần tránh được rủi ro và nguy hiểm trực tuyến. Có kỹ năng cũng giúp các em phát triển tư duy đa chiều và khả năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số. “Đây cũng là kỹ năng quan trọng để các em bước vào đời trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh chia sẻ.
Là 1 trong 44 trường tham gia thí điểm, cô Lê Huỳnh Diễm Thúy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trung Ngạn, Quận 8 cho hay, học sinh không phải đóng thêm tiền khi tham gia giáo dục kỹ năng công dân số. Thầy cô tích hợp, ứng dụng công nghệ số hay phần mềm vào việc giảng dạy ở các môn học. “Đây là chương trình giáo dục hay. Nếu học sinh ở lứa tuổi này được giáo dục kỹ năng công dân số bài bản sẽ giúp tránh xa những nguy hiểm trong thế giới trực tuyến”, cô Diễm Thúy nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Văn Quyết (TP Thủ Đức), có con học lớp 2 cho rằng: “Học sinh tiểu học thường học hỏi nhanh, nhạy bén việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống hằng ngày. Nếu không được định hướng rõ ràng có thể vướng phải vào những rủi ro, nguy hiểm trực tuyến. Do đó phụ huynh đồng tình việc đưa chương trình này vào giảng dạy”.
Năm học 2023 - 2024, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số cho học sinh tiểu học giai đoạn 1 tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Bến Tre, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ và TPHCM. Với lộ trình dự kiến, năm học 2024 - 2025, tiếp tục triển khai thí điểm 10 tỉnh tiếp theo. Năm học 2025 - 2026 triển khai diện rộng ở 63 tỉnh, thành phố.