Trăn trở thiếu giáo viên thôi thúc người làm báo vào cuộc

GD&TĐ - Trước thực trạng thiếu giáo viên tại nhiều địa phương, nhóm tác giả đã biến đó thành động lực xây dựng Tọa đàm 'Khó khăn khi thiếu giáo viên'.

Hình ảnh về 3 trong nhóm tác giả thực hiện tọa đàm 'Khó khăn khi thiếu giáo viên' đang tác nghiệp.
Hình ảnh về 3 trong nhóm tác giả thực hiện tọa đàm 'Khó khăn khi thiếu giáo viên' đang tác nghiệp.

Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam xuất hiện nhiều nhóm tác giả đặc biệt trong đó có nhóm gần 10 thành viên gồm: Hà Thu Hằng, Phạm Thu Hà, Bùi Thị Bích Ngọc, Nguyễn Võ Đức Hạnh, Hoàng Công Khoa, Nguyễn Tuấn Dương, Trần Trung Nguyên, Phạm Quang Nam đến từ Ban Thời sự VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam).

Thiếu giáo viên thôi thúc những người làm báo phải "hành động"

Nhóm tác giả thực hiện tọa đàm “Khó khăn khi thiếu giáo viên” là các phóng viên, biên tập viên, tổ chức sản xuất, người dẫn, đạo diễn, quay phim, thiết kế đồ họa, thiết kế trường quay… của Ban Thời sự VTV1 (Đài Truyền hình Việt Nam) phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh (VTV9) và Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Tây Nam Bộ (VTV Cần Thơ) sản xuất.

Nội dung của chương trình tập trung vào hiện trạng và những khó khăn về thiếu giáo viên tại nhiều địa phương trên cả nước. Chương trình lên sóng vào thời điểm tháng 10/2022, ngay sau khi năm học mới bắt đầu với rất nhiều câu chuyện cụ thể, sinh động tại nhiều trường học trên khắp 3 miền của đất nước.

Thách thức với ekip sản xuất chương trình là phải chuyển tải tới khán giả những câu chuyện và hình ảnh chân thực, khách quan nhất về tình trạng thiếu giáo viên. Đây là vấn đề không mới nên thu hút khán giả là bài toán hóc búa với cả nhóm.

Khi xây dựng kịch bản, ekip sản xuất chương trình mong muốn thông qua các phóng sự, điểm cầu từ nhiều tỉnh thành, cùng với khách mời bàn luận tại trường quay gợi mở các giải pháp tháo gỡ thiếu giáo viên. Bên cạnh đó, những người trong cuộc, chuyên gia sẽ chia sẻ giải pháp căn cơ cho vấn đề nguồn nhân lực, hướng tới quá trình đổi mới giáo dục căn bản.

Góp tiếng nói giải quyết “chuyện khó” của ngành giáo dục

Theo đại diện nhóm tác giả, việc đạt giải thưởng báo chí vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam lần này là niềm vinh dự cho tất cả thành viên trong ekip thực hiện tọa đàm "Khó khăn khi thiếu giáo viên".

“Điều này không chỉ là một giải thưởng mà còn là sự ghi nhận và động lực cho đội ngũ nhà báo sẽ tiếp tục làm việc nghiêm túc, trách nhiệm hơn nữa. Tiếp tục đóng góp các chương trình truyền hình và sản phẩm báo chí trong lĩnh vực giáo dục với nội dung và hình thức thể hiện tốt hơn nữa, đặc biệt là có sức lan tỏa, đóng góp cho cộng đồng…”, đại diện nhóm tác giả chia sẻ.

Một trong những tác giả thực hiện tọa đàm "Khó khăn khi thiếu giáo viên" đang tác nghiệp.

Một trong những tác giả thực hiện tọa đàm "Khó khăn khi thiếu giáo viên" đang tác nghiệp.

Nhà báo Hoàng Công Khoa - thành viên nhóm bày tỏ, thực tế đời sống kinh tế xã hội còn khó khăn, địa lý bị chia cắt bởi sông ngòi chằng chịt thôi thúc anh thực hiện chương trình. Theo nhà báo, nhiều năm qua, câu chuyện thiếu giáo viên vẫn còn là một bài toán nan giải. Đặc biệt, tại không ít địa phương, vẫn còn tồn tại điểm trường lẻ, đặc biệt là tại những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.

“Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi gặp được rất nhiều thầy cô giáo, qua đó hiểu hơn về những khó khăn, vất vả mà thầy cô đang đối mặt như áp lực công việc, chế độ lương thưởng. Nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm dạy nhiều môn dù chưa đúng trình độ chuyên môn. Điều này dẫn đến việc dạy và học chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Tác phẩm đạt giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là niềm vinh dự và tự hào đối với ekip sản xuất.

Riêng đối với tôi, niềm vui càng được nhân lên khi câu chuyện của miền Tây thiếu giáo viên đã đến được với cả nước. Hy vọng thông qua những câu chuyện nhỏ từ chương trình sẽ góp thêm tiếng nói để tất cả cùng chung tay giải quyết câu chuyện khó của ngành giáo dục…”, Nhà báo Hoàng Công Khoa bộc bạch.

Trong khi đó, nhà báo Phạm Hà tâm sự một câu chuyện đặc biệt về việc dạy và học ở huyện Cát Hải, (TP Hải Phòng).

Một trong những tác giả thực hiện tọa đàm "Khó khăn khi thiếu giáo viên" đang trò chuyện cùng học sinh trong quá trình tác nghiệp.

Một trong những tác giả thực hiện tọa đàm "Khó khăn khi thiếu giáo viên" đang trò chuyện cùng học sinh trong quá trình tác nghiệp.

“Tại trường tiểu học trung tâm của thị trấn, giáo viên tiếng Anh và Tin học phải hỗ trợ cho 4 trường học khác. 11 giờ trưa, chúng tôi cùng giáo viên đi đò từ Cát Hải ra xã đảo Việt Hải. Chuyến đi kéo dài khoảng 1 tiếng.

Đến nơi ăn vội bát cơm để cô giáo vào dạy học sinh, kịp chuyến đò về buổi chiều. Lớp học chỉ có 7 em nhưng vẫn phải duy trì để đảm bảo bình đẳng trong giáo dục. Công cuộc đổi mới giáo dục vô cùng vất vả, và những người trực tiếp thực hiện, quyết định sự đổi mới lần này là các giáo viên…”, nhà báo Phạm Hà cho hay.

Chính từ những câu chuyện thực tế, nhóm tác giả “Khó khăn khi thiếu giáo viên” vượt qua khó khăn, hiện thực hóa ý tưởng, đưa tới các góc nhìn chân thực, giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề muôn thuở này. Qua giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam, mỗi thành viên trong nhóm đều mong muốn góp tiếng nói tới cộng đồng, xã hội, gợi ý tới cơ quan chức năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ