Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), thành viên Hội đồng chung khảo chia sẻ tại buổi họp báo – chiều 16/11.
Các tác phẩm phản ánh những vấn đề lớn, thời sự
Theo đó, Hội đồng Sơ khảo lựa chọn các tác phẩm vào vòng Chung khảo với loại hình Báo in: 22 tác phẩm; Báo Điện tử: 20 tác phẩm; Phát thanh: 21 tác phẩm; Truyền hình: 22 tác phẩm.
Nhìn nhận về Giải năm nay, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, với loại hình báo In, Giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, cộng tác viên từ khá nhiều các cơ quan báo chí lớn ở Trung ương cũng như các địa phương trên cả nước.
Năm nay, số lượng tác phẩm, tác giả của loại hình báo In dự thi tăng nhiều, chất lượng cao hơn cả về nội dung và hình thức. Số đơn vị dự thi năm nay cũng đa dạng, trong đó có nhiều tỉnh thành phố tham gia. Chất lượng tác phẩm của các địa phương cũng đã được nâng cao, cải thiện rất nhiều.
Các tác phẩm phản ánh những vấn đề như: đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển đổi số trong giáo dục, mô hình trường học an toàn, hạnh phúc… đã được phản ánh qua những tác phẩm báo in từ trung ương đến các địa phương.
Nhiều tác phẩm nêu những tấm gương thầy cô, nhà trường có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó, cũng có tác phẩm phản biện các chính sách và hoạt động trong ngành để kiến tạo những giải pháp, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Các tác phẩm có tính phát hiện
Đối với loại hình báo điện tử, ông Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ, năm nay số lượng tác phẩm dự thi khá nhiều; trong đó có các loạt bài công phu từ 3-5 kỳ. Nội dung các tác phẩm không quá chênh lệch với chất lượng khá tốt và tương đối đồng đều.
Các tác phẩm dự thi nêu được những vấn đề về giáo dục đang được dư luận xã hội quan tâm như: "Bất cập ở Phòng giáo dục & đào tạo”; “Vì sao phải thực hiện dạy học tích hợp”; “Xây dựng trường chuẩn quốc gia để nâng cao chất lượng giáo dục"; “Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở vùng dân tộc thiểu số”.
Các tác phẩm có tính phát hiện, thực tiễn, góc khuất; giải quyết các vấn đề về chế độ, chính sách liên quan để đảm bảo quyền lợi; đặt ra các vấn đề như: “thiếu giáo viên”, nhu cầu thiết yếu trong đề nghị giáo viên; vấn đề giảm thu trong học phí; dạy học tích hợp, tấm gương về các thầy, cô giáo.
Bên cạnh đó, nhóm đề tài về sự hỗ trợ của cộng đồng, cách làm giúp học sinh khó khăn, giáo dục truyền thống. “Một số báo địa phương đã thực hiện các loạt bài tốt, đa phương tiện, thể hiện sự đổi mới, sáng tạo trong tác phẩm báo chí” - ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay.
Các nhà báo đặt câu hỏi với Ban tổ chức. |
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, bài viết được trình bày hiện đại, công phu dưới dạng Mega Story, Emagazine, Longform với đầy đủ các loại hình: text, ảnh, video, đồ họa. Nội dung một số tác phẩm được chuyển tải bằng hình thức mới mẻ và hấp dẫn khi kết hợp nhiều loại hình báo chí hiện đại, tương tác trực tiếp, tạo hiệu ứng để thu hút bạn đọc.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, loại hình Phát thanh - Truyền hình, số lượng tác phẩm dự thi năm nay tăng nhiều hơn so với năm trước cả ở loại hình Phát thanh và Truyền hình.
Các tác phẩm dự thi có chất lượng cao hơn mọi năm cả về nội dung và hình thức. Số đơn vị dự thi đa dạng, có nhiều tỉnh thành phố tham gia. Chứng tỏ Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục đã có sức hút mạnh mẽ với các nhà báo.
Về nội dung, ông Nguyễn Văn Hiếu nhận xét, các tác phẩm phản ánh bức tranh toàn cảnh của giáo dục nước nhà. Những vấn đề được dư luận và xã hội quan tâm như: đổi mới chương trình thi tốt nghiệp, vấn đề chất lượng giáo dục, giáo viên, xã hội hoá giáo dục, học tập suốt đời… đã được phản ánh qua những tác phẩm Phát thanh, Truyền hình từ trung ương đến các địa phương.
Nhiều tác phẩm nêu những tấm gương thầy cô, nhà trường có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giáo dục, song cũng có tác phẩm phản biện các chính sách và hoạt động trong ngành để kiến tạo những giải pháp góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
“Năm nay nhiều tác giả đầu tư để các tác phẩm có hình thức thể hiện hấp dẫn như: các tác phẩm của VTV, VOV… cách làm mới đã khiến cho những vấn đề giáo dục gần hơn với công chúng” - ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.
Buổi họp báo diễn ra thành công. |
Theo Thể lệ Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, giải thưởng cho mỗi loại hình gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích. Hội đồng Chung khảo đã lựa chọn 2 nhân vật tiêu biểu và đề xuất giải Đặc biệt. Năm nay, Ban tổ chức sẽ trao Giải Cống hiến dành cho các đơn vị báo chí tham gia tích cực, hiệu quả nhất, cống hiến nhiều nhất.