Người có duyên với giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - Năm nay là năm thứ tư, nữ nhà báo Nguyễn Thị Minh Thúy tham dự giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam và năm nào cũng đoạt giải.

Nhà báo Minh Thúy đi thực tế ở thành phố Dresden, bang Sachsen, Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: NVCC.
Nhà báo Minh Thúy đi thực tế ở thành phố Dresden, bang Sachsen, Cộng hòa Liên bang Đức. Ảnh: NVCC.

Luôn trăn trở với đề tài giáo dục

Chị Nguyễn Thị Minh Thúy (bút danh: An Thư) là nữ nhà báo đang công tác tại Phòng Thời sự - Chính trị, Đài PT-TH Thanh Hóa. Năm nay, nhà báo Minh Thúy tiếp tục được xướng tên tại lễ trao giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2023”, với tác phẩm "Mãi mãi tuổi thanh xuân".

Trò chuyện với GD&TĐ, nữ nhà báo Minh Thúy cho rằng; Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam, là một cuộc thi rất ý nghĩa, có vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam.

Khi được hỏi, vì sao chị chọn đề tài về giáo dục? Nữ nhà báo Minh Thúy, chia sẻ: “Trong một lần tìm kiếm thông tin trên Internet, tôi tình cờ đọc được câu chuyện về thầy giáo Đỗ Quang Bằng, quê ở xã Quảng Yên (Quảng Xương, Thanh Hóa). Năm 1992, thầy Bằng là một trong những giáo viên miền xuôi tình nguyện lên với vùng cao Thanh Hóa dạy học.

Thời ấy, các huyện miền núi xứ Thanh như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh… vẫn bị xem là nơi thâm sơn, cùng cốc. Việc đi lại cũng như điều kiện sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn, thiếu thốn và gian khổ.

Nạn sốt rét rừng, tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là mối nguy thường trực, đe dọa cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt là các giáo viên miền miền xuôi lên miền núi công tác. Nhiều thầy cô, trong hành trình "cõng chữ lên non" đã không may gặp nạn qua đời.

Quay phim Nguyễn Thanh Sơn - Đài PT-TH Thanh Hóa, cùng ekip làm việc với nhà báo Minh Thúy. Ảnh: NVCC.

Quay phim Nguyễn Thanh Sơn - Đài PT-TH Thanh Hóa, cùng ekip làm việc với nhà báo Minh Thúy. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo Đỗ Quang Bằng là một trường hợp như vậy. Lên Mường Lát mới hơn 1 tháng, thầy Bằng được phân công vào dạy học tại bản Co Cài, xã Trung Lý. Một lần, thầy cùng các đồng nghiệp ngồi trên thuyền độc mộc, chở sách vở, dụng cụ học tập vượt sông Mã vào điểm lẻ cho học trò, chuẩn bị năm học mới.

Mùa lũ, nước sông dâng cao, chảy xiết, thầy Bằng dũng cảm nhảy xuống đẩy thuyền cho đồng nghiệp vào bờ an toàn, còn thầy không may bị lũ cuốn trôi…”.

Cũng theo nữ nhà báo Minh Thúy, câu chuyện về thầy giáo Đỗ Quang Bằng đã để lại trong chị sự ám ảnh và niềm cảm phục sâu sắc dành cho một thế hệ giáo viên không chỉ yêu nghề, mà còn dũng cảm, dám đem tri thức, bầu nhiệt huyết, tuổi thanh xuân của mình lên những miền đất dữ để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Vì vậy, chị đã quyết định thực hiện phim tài liệu về đề tài này.

Gặp khó khi thực hiện tác phẩm

Ngay từ khi bắt tay tìm kiếm nhân vật cho phim tài liệu "Mãi mãi tuổi thanh xuân" tôi đã gặp khó khăn. Thời gian đã quá lâu, ngành giáo dục hầu như không còn lưu hồ sơ về các giáo viên gặp nạn tại vùng cao cách đây vài ba thập kỷ. Ngoài thầy Bằng, tôi gần như không tìm thêm được nhân vật nào nữa.

Quay phim Nguyễn Mạnh Tuấn - Đài PT-TH Thanh Hóa, cùng ekip làm việc với nhà báo Minh Thúy. Ảnh: NVCC.

Quay phim Nguyễn Mạnh Tuấn - Đài PT-TH Thanh Hóa, cùng ekip làm việc với nhà báo Minh Thúy. Ảnh: NVCC.

Rất may, sau này, nhờ sự giúp đỡ của một số cán bộ ngành giáo dục đã nghỉ hưu, tôi tìm được số điện thoại của các giáo viên từng dạy học tại vùng cao. Nhờ sự giới thiệu của các thầy, các cô, tôi có thêm một số câu chuyện về những giáo viên đã "bỏ lại thanh xuân" nơi núi rừng miền Tây Thanh Hóa.

Cuối cùng, tôi cũng chọn được hai nhân vật cho phim của mình, là thầy giáo Đỗ Quang Bằng, và thầy giáo Hà Văn Hùng (quê phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn).

Tuy nhiên, khi thực hiện phim, ekip chúng tôi lại gặp khó khăn khác. Bà Nguyễn Thị Viết, mẹ của thầy giáo Đỗ Quang Bằng, năm nay đã ngoài 70, đang sống tại quê nhà Quảng Yên, Quảng Xương.

Vì quá đau buồn trước sự ra đi của con, nên ban đầu, bà kiên quyết không đồng ý cho chúng tôi ghi hình. Tôi phải nhờ đến sự tác động của các đồng nghiệp của thầy Bằng - những người vẫn thường xuyên lui tới thăm nom bà, nhưng bà vẫn không đồng ý.

Quay phim Nguyễn Minh Tâm - Đài PT-TH Thanh Hóa, cùng ekip làm việc với nhà báo Minh Thúy. Ảnh: NVCC.

Quay phim Nguyễn Minh Tâm - Đài PT-TH Thanh Hóa, cùng ekip làm việc với nhà báo Minh Thúy. Ảnh: NVCC.

Hôm chúng tôi về Quảng Yên ghi hình, các đồng nghiệp từng lên Mường Lát công tác cùng thầy Bằng, cũng từ khắp nơi về thăm bà. Thuyết phục thêm gần 3 giờ đồng hồ, cuối cùng, bà Viết cũng cho phép chúng tôi ghi hình và phỏng vấn.

Còn người mẹ của thầy giáo Hà Văn Hùng, sức khỏe đã quá yếu. Do mắc chứng Alzheimer, bà đi lại, nói năng rất khó khăn. Toàn bộ các phân cảnh về người mẹ ấy được chúng tôi ghi hình rất gấp gáp, chỉ trong vỏn vẹn 30 phút đồng hồ …

Tuy vậy, cuối cùng, chúng tôi cũng hoàn thành được thước phim của mình. Tôi đặt tên phim là "Mãi mãi tuổi thanh xuân", như một cách để tưởng nhớ, tri ân những người thầy, những người cô đã cống hiến tuổi trẻ và cả sinh mạng của mình cho giáo dục vùng cao.

Cảm nhận về giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam

Sau khi tác phẩm được phát sóng trên đài Truyền hình Thanh Hóa (TTV), được sự động viên của lãnh đạo phòng, lãnh đạo cơ quan, chị quyết định gửi phim tài liệu "Mãi mãi tuổi thanh xuân" tham dự Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2023.

Kỹ thuật viên Nguyễn Nhật Anh - Đài PT-TH Thanh Hóa, cùng ekip làm việc với nhà báo Minh Thúy. Ảnh: NVCC.

Kỹ thuật viên Nguyễn Nhật Anh - Đài PT-TH Thanh Hóa, cùng ekip làm việc với nhà báo Minh Thúy. Ảnh: NVCC.

“Đây đã là lần thứ tư tôi tham dự giải báo chí này. Kể từ lần đầu tiên, khi được cơ quan khuyến khích gửi bài và may mắn đoạt giải thưởng, những năm sau, mỗi khi có tác phẩm ưng ý, tôi đều gửi dự thi.

Tôi nghĩ rằng, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là một cuộc thi rất ý nghĩa, có vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam. Đây cũng là giải thưởng báo chí uy tín đối với những người làm báo.

Không chỉ tạo cho những nhà báo như chúng tôi cơ hội giao lưu, gặp gỡ các đồng nghiệp ở mọi miền Tổ quốc, mà còn giúp chúng tôi xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng nền giáo dục, thông qua các tác phẩm báo chí.

Và tôi nghĩ rằng, mình sẽ tiếp tục gắn bó với giải báo chí này trong những năm tiếp theo”, nhà báo Minh Thúy tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ