Trăn trở hướng nghiệp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cẩm nang tư vấn hướng nghiệp học sinh trung học do các chuyên gia Trường ĐH Giáo dục biên soạn chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến hướng nghiệp.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo đó, sai lầm thường gặp của học sinh khi chọn nghề là dựa vào năng lực học tập, trào lưu, kinh tế, nghề được xã hội trọng vọng và dành ít thời gian tìm hiểu nghề nghiệp, tư tưởng học gì cũng được miễn là đại học...

Những bậc làm cha mẹ cũng gặp sai lầm khi thiếu tôn trọng mong muốn của con, sắp đặt toàn bộ lộ trình; coi trọng hình thức hơn giá trị nghề; hướng nghề nhưng không căn cứ vào khả năng; sử dụng tài chính để giúp con có việc làm; chú ý đến cơ hội xin việc hơn cơ hội phát huy sở trường…

Khi định hướng nghề nghiệp, khó khăn thường gặp của người học là không biết bản thân phù hợp với nghề nào; không có người am hiểu nghề để tư vấn; thiếu thông tin trường đào tạo; không nắm được ngành nghề xã hội, địa phương cần… Trong khi đó, tình trạng sinh viên bỏ học, bị cảnh báo học vụ được công khai trên website các trường đại học với số lượng không nhỏ, trong đó có nhiều sinh viên năm thứ nhất.

Một nghiên cứu cũng đưa ra con số 65% sinh viên năm nhất trong số được khảo sát cho biết chưa hiểu ý nghĩa ngành học mình đăng ký; 50,8% không biết học xong ra làm gì và trên 75,6% sinh viên cảm thấy không thỏa mãn với ngành học… Điều này cho thấy vai trò quan trọng của công tác hướng nghiệp cũng như tính hiệu quả của hoạt động này còn nhiều điều đáng suy ngẫm.

Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT nêu rõ yêu cầu “tăng cường giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp”. Luật Giáo dục 2019 dành hẳn 1 điều về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục. Năm 2018, Chính phủ phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018 - 2025”…

Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp (cấp THCS, THPT) là hoạt động giáo dục bắt buộc. Theo đó, cấp THPT, ngoài các hoạt động hướng đến cá nhân, xã hội, tự nhiên, nội dung Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp tập trung hơn vào giáo dục hướng nghiệp nhằm phát triển năng lực định hướng nghề nghiệp. Thông qua hoạt động hướng nghiệp, học sinh được đánh giá và tự đánh giá về năng lực, sở trường, hứng thú liên quan đến nghề nghiệp, làm cơ sở để tự chọn cho mình ngành nghề phù hợp, rèn luyện phẩm chất, năng lực để thích ứng với nghề nghiệp tương lai.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường hiện nay còn nhiều hạn chế. Không ít trường chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng. Giáo viên phụ trách hướng nghiệp chủ yếu kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản, thiếu kiến thức chuyên môn nên tổ chức giáo dục, tư vấn hướng nghiệp chưa hiệu quả, thiếu chiều sâu. Đầu tư cho hoạt động hướng nghiệp, kể cả cơ sở vật chất, thời gian và kinh phí còn hạn chế…

Để thực hiện đúng như định nghĩa này trong Luật Giáo dục 2019, điều quan trọng đầu tiên có lẽ là nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và phát triển đội ngũ làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường. Cùng đó, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp; bổ sung, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường quản lý giáo dục hướng nghiệp…

Cũng cần nhấn mạnh, hướng nghiệp còn có vai trò không thể thiếu của gia đình. Gia đình thực sự hiểu biết, quan tâm, đồng hành sẽ là yếu tố quan trọng giúp học sinh được hướng nghiệp đúng đắn, kịp thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ