Chủ động tìm đầu ra
Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội) có 425 học sinh theo học ở 27 lớp, trong đó có 280 em là học sinh khuyết tật chủ yếu ở dạng khiếm thính. Hiệu trưởng Phạm Văn Hoan thông tin, nhà trường hiện có 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và THCS.
Mầm non có 3 lớp, tiểu học có 15 lớp và THCS có 9 lớp. Học sinh bình thường học lớp A, học sinh khiếm thính học lớp B và giao tiếp chủ yếu bằng ngôn ngữ ký hiệu. Riêng khối mầm non, trường sắp xếp trẻ lành hoạt động chung với trẻ khiếm thính nhưng có chương trình can thiệp sớm dành riêng cho các em.
Theo thầy Hoan, từ những năm 1980, nhà trường vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa cho học sinh. Thầy cô được chia làm 2 tổ gồm giáo viên văn hóa và giáo viên dạy nghề như mộc, đan, thêu. Tuy nhiên, khi thế hệ các thầy cô dạy nghề về nghỉ hưu, nhà trường chỉ còn dạy văn hóa.
Hiệu trưởng nhà trường, thầy Nguyễn Xuân Hùng, nhấn mạnh: Tùy theo thể trạng và mức độ nhận biết của từng em, nhà trường sẽ tiến hành mở lớp (khoảng 20 em) để dạy miễn phí các nghề khác nhau như nấu ăn, pha chế, may… Đơn vị đồng thời kết nối với doanh nghiệp tìm đầu ra cho các em. Như vậy, phụ huynh mới yên tâm vì con mình có thu nhập bằng chính sức lao động của bản thân.
Từ năm 2017, Trường Xã Đàn đã mời Trường Trung cấp nghề Nấu ăn, Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội để triển khai mảng dạy nghề cho học sinh khuyết tật. Các em có hộ khẩu Hà Nội được đào tạo nghề miễn phí tại Trường Xã Đàn.
“Trường có 2 lớp nghề, mỗi lớp từ 20 - 28 em. Các em theo học nghề: Chế biến món ăn, pha chế đồ uống, làm bánh, may. Lớp học kéo dài khoảng 5 - 6 tháng, học sinh đạt trình độ sơ cấp. Trường Xã Đàn cử 1 giáo viên làm phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, hỗ trợ giáo viên của trường nghề khi giảng dạy. Các khâu như thi lý thuyết, thực hành sẽ thực hiện tại Trường Trung cấp nghề.
Về đầu ra, học sinh khiếm thính của Trường Xã Đàn có thể làm các công việc như cắt tóc, giặt là, làm bánh, may, nấu ăn... Mức thu nhập từ 6 - 10 triệu đồng/tháng, tùy theo năng lực mỗi em. Ngoài ra, có một số em làm nghề liên quan đến hội họa như vẽ tranh. Cho nên, học hết lớp 9, các em không cần vào lớp 10 mà vẫn có nghề trong tay với thu nhập ổn định cũng là một tín hiệu đáng mừng” – thầy Hoan trao đổi.
Những năm qua, Trung cấp nghề Nấu ăn, Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội đã phối hợp với nhiều trường chuyên biệt, kể cả trung tâm giáo dục đặc biệt ở các tỉnh/thành để đào tạo, dạy nghề cho học sinh khuyết tật.
Thầy Phạm Văn Hoan (bìa trái) và các em học sinh khiếm thính của Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn tại Lễ bế giảng lớp sơ cấp nghề Kỹ thuật làm bánh. |
Mỗi nơi một kiểu
Là trường chuyên biệt trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội dạy cả học sinh thường và học sinh khuyết tật - Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có 167 học sinh khiếm thị. Về công tác hướng nghiệp và tìm đầu ra cho học sinh, cô Trần Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng - cho hay, nhà trường phối hợp và kết nối với nhiều tổ chức, đơn vị để dạy nghề cho các em khuyết tật.
Do đặc thù về tật khiếm thị nên có nhiều em lựa chọn học nghề xoa bóp bấm huyệt hay trực tổng đài, hoặc liên quan đến tin học. Vì các em bị khiếm thị, không thể nhìn thấy nên những nghề liên quan đến các vật dụng sắc nhọn như nấu ăn hay pha chế, nhà trường rất hạn chế.
Cô Trịnh Thị Lệ Thu - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - chia sẻ, với những học sinh khuyết tật trên 10 tuổi, nhà trường đưa vào nội dung hướng nghiệp theo chủ đề. Nội dung này được thực hiện vào các tiết học buổi chiều. Mục tiêu nhằm giúp học sinh rèn luyện kỹ năng vận động tinh, kỹ năng cơ bản để thích nghi với cuộc sống.
Các chủ đề đã triển khai gồm: Sơ chế rau củ quả; làm đồ handmade như hoa giấy, thiệp, cắm hoa sáp, dán lì xì… Sản phẩm của cô và trò rất đẹp, thẩm mĩ, mang tính nhân văn và nhận được sự ủng hộ của mọi người nhằm gây quỹ để trao học bổng và mua sắm đồ dùng cho học sinh. Nhà trường có đội ngũ thầy, cô giáo tâm huyết, sáng tạo luôn trăn trở và tự mày mò, tìm ra hoạt động phù hợp, tạo niềm hứng khởi cho học sinh.
Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý Giáo dục Ngọc Ân (Hà Nội) đang thực hiện tốt vai trò hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật. Là nhà sáng lập Trung tâm Ngọc Ân, bà Đào Thanh Hoàn cho biết, đơn vị đã nghiên cứu thành công và triển khai mô hình thực nghiệm hướng nghiệp cho người tự kỷ, khuyết tật với nghề thủ công sắp lễ và làm oản nghệ thuật. Mô hình đã đưa vào ứng dụng giúp người học có việc làm cùng thu nhập ổn định.
“Trung tâm áp dụng phương pháp kết hợp hài hòa giữa y tế - giáo dục - gia đình trong quá trình giáo dục đặc biệt đối với mỗi học viên. Các trẻ khuyết tật đến trung tâm được đánh giá mức độ phát triển. Nếu trẻ trong lứa tuổi can thiệp sớm sẽ tham gia vào chương trình can thiệp sớm tại đây. Hoạt động giáo dục hướng nghiệp được triển khai tại Trung tâm Ngọc Ân với một số nghề thủ công, giúp các em có công việc ổn định. Thu nhập bằng chính sức lao động của mình nên ai cũng thấy vui mừng” - bà Đào Thanh Hoàn nói.
TS Nguyễn Văn Hưng, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia, nhìn nhận, công tác hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt hiện nay gặp nhiều khó khăn. Hiện chưa có hướng dẫn từ cấp trên về chương trình giáo dục hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật. Khi thực hiện khảo sát cho một đề tài cấp Bộ về giáo dục hướng nghiệp cho trẻ khuyết tật tại một số tỉnh/thành cho thấy, nhu cầu hướng nghiệp và học nghề của trẻ em, người khuyết tật là rất nhiều. Tại Trung tâm bảo trợ xã hội ở một số tỉnh vẫn tổ chức dạy một số nghề phù hợp với học sinh khuyết tật vận động, khiếm thính nhưng lại chưa có nghề nào phù hợp với trẻ tự kỷ hay khuyết tật trí tuệ. Do vậy, thời gian tới, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành hướng dẫn về hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh khuyết tật.