Trại ngoại khóa dạy trẻ em làm triệu phú

GD&TĐ - Phụ huynh có nên cho con sớm tiếp cận với tiền bạc? Canada trả lời rằng “nên”, vì “chỉ có tự trải nghiệm mới nhận thức được sức nặng của nó”.

Quản lý tiền bạc là kỹ năng sống thiết yếu, nên thành thạo sớm.
Quản lý tiền bạc là kỹ năng sống thiết yếu, nên thành thạo sớm.

Cứ đến các dịp nghỉ lễ dài ngày, nhiều phụ huynh lại dành một tuần gửi con đến trại ngoại khóa dạy tài chính, cho phép tập tành đầu tư kiếm tiền.

Tài chính cho trẻ em

Chúng ta quen nghĩ, học quản lý tiền là đặc quyền của con cái nhà siêu giàu. Chỉ có các “thìa vàng” mới được và phải sớm làm quen với kiến thức tài chính, kinh doanh…

Hệ thống giáo dục toàn cầu cũng không xếp tài chính là môn học cho học sinh. Nếu muốn tiếp cận, các em phải tự thân hoặc đợi đến khi lên cao đẳng, đại học.

Đối với người trưởng thành, quản lý tài chính là kỹ năng sống thiết yếu. Không rõ có phải vì thuở học sinh ít phải tính toán chi tiêu hay không, 1/3 sinh viên ở Mỹ luôn trong tình trạng “đầu tháng rủng rỉnh, cuối tháng đói meo”.

“Tại sao cứ nhất định phải đợi đến trên 18 tuổi mới học tài chính?”, Hasina Lookman (Canada) đặt ra câu hỏi. Bà quyết định mở Trại Triệu phú (Camp Millionaire) dành cho trẻ em, khuyến khích các bậc phụ huynh cho con cái tham gia.

Trại Triệu phú của Lookman hoạt động vào các kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè dài ngày. Bà thu phí 275 USD/tuần (tương đương 6,2 triệu đồng), đặc biệt ưu đãi giảm giá cho các em thuộc diện gia đình khó khăn. Nó cho thấy, mục tiêu của Lookman là tất cả học sinh có hứng thú với bộ môn tài chính, bất kể điều kiện kinh tế.

Trong 1 tuần ở Trại Triệu phú, các “nhà kinh doanh nhí” có 7 ngày nghe giảng kiến thức chuyên môn và thử nghiệm thực hành. Buổi đầu tiên, Lookman giới thiệu các kiến thức căn bản. Những kiến thức này có trình độ “cao ngang ngửa” đại học, bao gồm từ khái niệm tiền tệ, các bước đầu tư, cách tính toán lợi nhuận, nhịp sống kinh tế - thị trường, ảnh hưởng của nhịp sống kinh tế - thị trường…

Sau buổi sơ lược về lý thuyết tài chính, Lookman cho các em thực hành. Bà cấp cho mỗi học viên 1 khoản tiền ảo trị giá 10.000 USD, mở sàn giao dịch và khởi động chương trình đầu tư cổ phiếu.

Tất nhiên, sàn giao dịch của Lookman chỉ là mô phỏng sàn giao dịch cổ phiếu thế giới. Tiền ảo ở đây không thể đổi ra tiền thật, chỉ có tác dụng thử nghiệm.

Nhiều phụ huynh quyết định cho phép con em tiếp xúc với tiền, học hỏi kinh doanh từ nhỏ.
Nhiều phụ huynh quyết định cho phép con em tiếp xúc với tiền, học hỏi kinh doanh từ nhỏ.   

Kết quả thú vị

Hầu hết học viên của Lookman là các thiếu niên từ 10 – 15 tuổi. Ở cái tuổi ăn tuổi chơi này, các em không mấy chuyên chú vào buổi học lý thuyết, nhưng lại rất nhiệt tình với các buổi thực hành.

Không cần Lookman hối thúc, các “triệu phú nhí” tiềm năng cũng dốc sức tập trung tìm hiểu thị trường cổ phiếu, suy tính và bàn thảo sôi nổi. Ban đầu, phần lớn các bé thể hiện sự dè dặt, chỉ dám đầu tư một phần tiền nhỏ vào những công ty, tập đoàn tiêu biểu, nổi tiếng toàn cầu.

Tuy nhiên, ngay sau thất bại hoặc thành công đầu tiên, các em đều năng nổ hẳn lên. Trải qua 2, 3 ngày, tất cả đã am tường thị trường cổ phiếu và tự tin điều khiển nguồn vốn.

“Chỉ trong vòng 5 ngày, các bé đều tiến bộ lên trông thấy”, Lookman tự hào. Không có môi trường nào lại đem đến các bài học tài chính thực tiễn nhanh và hiệu quả hơn sàn giao dịch cổ phiếu. Tại đây, chỉ cần một tính toán sai lầm nhỏ cũng đủ khiến tất cả vốn liếng bay sạch sẽ. Cũng tại đây, nếu chọn nơi đầu tư chính xác, lợi nhuận ào ạt tuôn về.

“Tiền là một công cụ”, nhà lập kế hoạch tài chính Liz Frazier (Canada) lên tiếng. “Nó không xấu hay tốt, lợi hay hại mà chỉ đơn giản là vật trung gian trao đổi. Dù các bậc phụ huynh có cấm đoán, con cái vẫn quan sát, chú ý và tự xây dựng nhận thức về tiền”.

“Cá nhân tôi cho rằng, ngay cả trẻ con cũng nên sớm biết sức nặng của đồng tiền”, Benjamin Hui – phụ huynh có con gái 14 tuổi, cho biết. Ông hài lòng với Trại Triệu phú của Lookman, tin nó là nơi thích hợp để con gái trải nghiệm niềm vui cũng như nỗi lo khi tự tay quản lý vốn.

“Kỳ thực, Lookman không quá tập trung vào kiến thức tài chính, những lý thuyết còn quá khó với trẻ em”, Hui nhận xét. Nội dung chính của Trại Triệu phú là thực hành. Nó trao cho các bé cơ hội tự quyết định, trải nghiệm đầu tư và rút ra bài học.

Tự lựa chọn và đưa ra quyết định tài chính xây dựng ý thức tự chịu trách nhiệm.
Tự lựa chọn và đưa ra quyết định tài chính xây dựng ý thức tự chịu trách nhiệm.

Xu thế toàn cầu

Cái tuyệt với nhất của Trại Triệu phú có lẽ là nhận thức về việc chịu trách nhiệm. Vì tự quyết, các học viên nhí ý thức rõ ràng mình đóng vai trò gì trong kết quả thành công hay thua lỗ.

So với ước mơ trở thành triệu phú, đa phần các em chỉ nhắm vào mục tiêu quản lý và đầu tư tiền đúng cách, đúng chỗ. Các bé hy vọng sau này thành công áp dụng vào đời thực, giảm bớt gánh nặng tài chính cho cha mẹ khi vào đại học và ra trường, tìm kiếm việc làm.

Thực tế, Canada không phải đất nước đầu tiên quan tâm mở trại ngoại khóa dạy tài chính cho trẻ em. Từ lâu, tại Mỹ, các bậc phụ huynh đã gửi con cái tới các học viện tài chính nhí như Junior Money Matters, Moolah U…

Trên phạm vi toàn cầu, các trại hè, chương trình, học viện tài chính… dành riêng cho trẻ em cũng đang lần lượt mọc lên. Ở Hồng Kông, các phụ huynh có thể cho con em vào Học viện Doanh nghiệp Nhí (Kids Biz Academy) từ năm 8 tuổi. Ở Ấn Độ, các bé được phép thực hành kinh doanh thật 100% với các chuyên gia trong Chương trình Youngpreneurs…

“Cháu biết, tiền quyết định mọi thứ trong cuộc sống”, Abtin Abbaspour (16 tuổi), học viên Trại Triệu phú chia sẻ. “Sẽ tốt hơn nếu chúng cháu hiểu về tiền ngay từ nhỏ, trong lúc vẫn còn an toàn tài chính dưới sự bao bọc của mẹ cha”.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.