Trách nhiệm, trung thực...

GD&TĐ - UBND TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022.

Điểm đáng chú ý ở đây là người được xác minh tài sản, thu nhập tại mỗi đơn vị sẽ lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm.

Còn tại Đà Nẵng, Thanh tra thành phố đã tổ chức bốc thăm, lựa chọn ngẫu nhiên và xác định 5/29 cán bộ để xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 theo quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cụ thể, 5 người được chọn gồm 3 cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư, 2 cán bộ của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản tổng hợp Đà Nẵng...

Có thể thấy, điểm nhấn đáng chú ý trong việc xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là sử dụng biện pháp lựa chọn ngẫu nhiên. Theo đại diện Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ - đơn vị chủ trì xây dựng quy định của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập thì việc bốc thăm để tạo công bằng với mọi cán bộ, công chức. Đồng thời nhắc nhở, cảnh báo cho tất cả người kê khai tài sản dù có che giấu kỹ, khôn khéo đến đâu thì bất kỳ lúc nào cũng có thể nằm trong diện xác minh, do đó phải trách nhiệm, trung thực.

Về lý thuyết, mục đích của việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm kiểm tra, làm rõ tính chính xác, trung thực các nội dung trong bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được xác minh.

Ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng đối với người có nghĩa vụ kê khai, qua đó đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập; xác định tồn tại, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tuy vậy, trên thực tế, hiệu quả của việc này chưa cao, thậm chí nhiều nơi còn hình thức dù pháp luật đã quy định rõ những người thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập.

Cụ thể theo quy định, việc xác minh tài sản, thu nhập hàng năm được tiến hành trong các trường hợp như có dấu hiệu rõ ràng về việc kê khai không trung thực, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên nhưng người kê khai giải trình không hợp lý về nguồn gốc, có tố cáo về việc kê khai không trung thực từ yêu cầu hoặc kiến nghị của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền...

Bởi vậy, cho dù thực hiện dưới hình thức nào thì quan trọng nhất vẫn là tổ chức thực hiện thế nào để đạt hiệu quả, công khai, minh bạch. Vấn đề nữa là ý thức tự giác vì chỉ khi có các biểu hiện, dấu hiệu mới có thể xác minh chứ không thể xác minh tất cả.

Bốc thăm ngẫu nhiên chỉ là biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ chứ không nên quá hy vọng sẽ phát hiện ra bất thường, gia tăng tài sản do tham nhũng. Và việc này rất mới, lần đầu tiên thực hiện nên chắc chắn sẽ có lúng túng nhất định, thậm chí qua thực hiện có thể phát hiện các điểm không hợp lý - đại diện Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Cho nên, cùng với việc triển khai thực hiện, vấn đề là phải xem xét, tiến tới có chế tài pháp luật mạnh hơn như thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc, thậm chí xử lý hình sự nếu cố tình kê khai sai để che giấu chứ không nên chỉ dừng ở hình thức cảnh cáo; hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc, bãi nhiệm... hoặc không bị kỷ luật nếu chủ động từ chức như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ