Từ ngày 8 - 10/5, một số tàu hải cảnh Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần quần đảo Sensaku do Nhật Bản kiểm soát, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là đảo Điếu Ngư, 3 lần tiến hành các hoạt động quấy rối tàu cá Nhật, tiến gần hoặc rượt đuổi trên biển. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã phải yêu cầu tàu hải cảnh Trung Quốc rời đi và sau 26 tiếng, phía Trung Quốc mới chịu rút lui.
Từ lâu Nhật Bản đã nhiều lần phản ứng về việc Trung Quốc thường xuyên đưa tàu hải cảnh tới các vùng biển quanh đảo Sensaku làm phức tạp tình hình ở đây. Trong cuộc họp báo ngày 11/5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Nhật Bản phản đối chính thức tới phía Trung Quốc thông qua kênh ngoại giao cả ở Tokyo và Bắc Kinh. “Để ngăn sự cố không ảnh hưởng đến sự hợp tác Nhật - Trung, chúng tôi mạnh mẽ thúc giục hành động tích cực từ phía Trung Quốc” - ông Suga nói.
Hành động bắt nạt của tàu Trung Quốc diễn ra với nhiều nước láng giềng suốt thời gian qua. Đầu tháng Tư, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam hoạt động trong vùng biển Hoàng Sa, bắt giữ 8 ngư dân trên tàu này, khống chế hai tàu cá của Việt Nam đến ứng cứu, giữ họ một đêm rồi mới trả tự do cho tất cả. Hành động này của phía Trung Quốc đã bị Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam và Hội Nghề cá Việt Nam phản đối vì vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân, vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa đến hòa bình và ổn định ở Biển Đông, và yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt Nam.
Trên Biển Đông, từ đầu năm đến nay Trung Quốc liên tục có những hoạt động gây phức tạp tình hình, từ việc đưa tàu thăm dò Hải Dương địa chất vào vùng biển Việt Nam và Malaysia, thành lập các quận hành chính nhằm “kiểm soát” các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đặt tên cho các đảo đá nhỏ tại đây…
Những hành động của phía Trung Quốc chèn ép các quốc gia láng giềng diễn ra trong thời điểm cộng đồng quốc tế tiếp tục cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong một tuyên bố liên quan đến Biển Đông hôm 22/4, không ngần ngại chỉ rõ, trong khi đối phó với Covid-19, các nước cần phải nhớ rằng mối đe dọa dài hạn với an ninh chung vẫn chưa biến mất, mà trên thực tế đã trở nên rõ ràng hơn. Ông nói rằng, Trung Quốc đã lợi dụng sự sao nhãng của các nước để hiện thực hóa yêu sách chủ quyền đơn phương ở Biển Đông, tiếp tục các hành vi khiêu khích của mình.
Theo nhiều chuyên gia, dù có dịch hay không, Trung Quốc vẫn luôn theo đuổi âm mưu nuốt trọn Biển Đông và mở rộng quyền kiểm soát của họ ở các vùng biển trên thế giới. Lẽ ra trong đại dịch, cần hành xử như một cường quốc có trách nhiệm để giúp các nước chặn đứng dịch, thì Trung Quốc lại sử dụng lực lượng của mình gây bất ổn an ninh khu vực, đe dọa đến sự hợp tác vào lúc mà tình đoàn kết giữa các quốc gia là rất cần thiết để đối phó với Covid-19. Hành động hung hăng và âm mưu lâu dài của họ không có gì lạ, song vào thời điểm khó khăn này của thế giới thì càng đáng bị lên án. Sức mạnh của Trung Quốc, nếu được sử dụng để chung tay với thế giới, thì lại đi ngược lại sự chờ đợi của cộng đồng quốc tế khi họ đã kiểm soát được dịch, và vì thế, càng làm tổn hại đến hình ảnh cũng như vị thế của một nước lớn.